Ở vào địa thế khá thuận lợi giữa sông Tiền và sông Hậu của vùng ĐBSCL, Vĩnh Long – phần đất thuộc dinh Long Hồ, phủ Gia Định xưa kia – đã tiếp nhận nhiều dòng người di cư đến đây tụ cư lập nghiệp từ lâu đời. Qua quá trình khai phá và xây dựng đất Vĩnh Long trước nay, các thành phần cư dân tại địa phương (người Việt, người Khmer , người Hoa… ) luôn không ngưng nghỉ trong việc xúc tiến công cuộc khẩn hoang, đẩy nhanh sản xuất nông nghiệp và nhiều hoạt động kinh tế khác nhằm khai thác và đưa vào sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên của đất đai, sông nước, rừng cây tại chỗ. Cùng với việc phát triển sản xuất nông nghiệp trồng lúa nước, hoa màu, cây ăn trái, chăn nuôi gia súc gia cầm, đánh bắt thủy sản và trao đổi, buôn bán, tiểu thủ công nghiệp cũng được chú ý nhân rộng trong cư dân, không chỉ phục vụ nhu cầu bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần nói chung của cộng đồng, mà còn đáp ứng yêu cầu sản xuất và trao đổi sản phẩm thủ công tại địa phương Vĩnh Long nói riêng cũng như trên toàn vùng ĐBSCL.
Có thể nói, để ứng xử và thích nghi trong điều kiện tự nhiên và môi trường sinh thái – nhân văn có tính đặc thù của một vùng đất nằm trong lòng ĐBSCL trù phú, sông nước bao bọc chung quanh, cư dân Vĩnh Long đã sớm triển khai sản xuất tiểu thủ công nghiệp nhìn chung khá đa dạng về ngành nghề và độc đáo với những sản phẩm thủ công tiêu biểu tại mỗi xóm (hay làng) nghề. Hoạt động tiểu thủ công nghiệp ở Vĩnh Long vì thế đã biểu hiện và phản ánh trong đó các sắc thái, đặc điểm văn hóa – xã hội truyền thống của địa phương.
Sự hình thành và tiến triển của tiểu thủ công nghiệp ở Vĩnh Long qua các thời kỳ lịch sử
1/Tiểu thủ công nghiệp ở Vĩnh Long thời các chúa Nguyễn và triều Nguyễn (1)
Dưới thời các chúa Nguyễn và triều Nguyễn, Nam bộ nói chung, trong đó có Vĩnh Long nói riêng, vẫn còn là vùng đất mới được khai phá. Đầu thế kỷ thứ XVIII, “những vùng đất mới được khai phá của người Việt tạo thành đường vòng cung từ Bến Tre, Vĩnh Long đến Sa Đéc, Tân Châu, Châu Đốc (1)”. Riêng ở địa phận Vĩnh Long, dọc theo hai bên bờ sông rạch, vùng cửa sông, các cù lao ven sông… lúc đó đã hình thành nên các tụ điểm dân cư và một số khu vực đồn trú của binh lính tại Vũng Liêm, Trà Ôn… Ở những nơi này, từ những ngày đầu đã khai mở đất đai, các thành phần cư dân đã tìm kiếm, chọn lựa nhiều nguồn nguyên vật liệu khác nhau, sẵn có của thiên nhiên để đưa vào sản xuất tiểu thủ công nghiệp của địa phương. Theo Gia Định thành thông chí và Đại Nam nhất thống chí (Lục tỉnh Nam Việt) cho biết, thiên nhiên ở Nam bộ nói chung vào thời điểm này vẫn còn nhiều rừng cây, lắm lác (bồ hoàng hay bồ) (2), dừa nước… Cư dân Vĩnh Long thuở xưa đốn cây, chặt lá dừa nước để xây nhà cất cửa, lợp mái, bện vách nhà; cưa xẻ gỗ để đóng xuồng ghe đi lại, vận chuyển và đánh bắt thủy sản trên sông rạch; cắt lác để dệt chiếu; chặt tre trúc, bứt sợi mây để đan đồ dùng cho sinh hoạt gia đình, làm ngư cụ đánh bắt cá… Còn trước yêu cầu bức thiết của việc khẩn hoang, phát triển kinh tế nông nghiệp và các ngành nghề khác, nghề rèn chế tạo công cụ sắt, chủ yếu là chế tạo nông cụ cũng đã sớm ra đời và tiến triển cả nông thôn lẫn thị tứ của Vĩnh Long thời đó. Đồng thời, trên cơ sở kinh tế nông nghiệp trồng lúa và hoa màu nói chung ngày càng phát triển hơn lên theo cùng với sự phát triển của công cuộc khẩn hoang, phục hóa, mở rộng diện tích canh tác thì các loại cây trồng chính ở Vĩnh Long như lúa, nếp, đậu phộng, đậu nành, mía, bông vải, dâu tằm… vừa là nông phẩm hàng hóa, đồng thời vừa là nguyên liệu sản xuất của các nghề thủ công làm bánh tráng, làm bánh phồng, làm bún, làm tàu hũ ky, ép dầu phộng, ép đường mía, nấu rượu, dệt vải, dệt lụa… Ở đất Gia Định xưa, “rượu Thạch Thanh, Biên Hòa, Tân Thuận, Phiên An, Sa Khâu, Định Tường và Long Hồ, Vĩnh Thanh là ngon hơn, thuở ấy ghe tàu thường mua nhiều chở đem về kinh làm món quà tặng, hảo danh là rượu Nông Nai (3)”. Và cho đến khi lúa gạo trở thành nông phẩm hàng hóa chủ yếu và phổ biến khắp vùng ĐBSCL, nghề làm hàng xáo – tức xay xát lúa gạo thủ công – và nghề làm cối xay lúa (ví như Xóm Cối Long Hồ) lại nảy nở, lan tỏa xhung quanh các chợ, bến ghe xuồng, những nơi thuận lợi cho trao đổi, buôn bán bằng đường thủy tại địa phương.
TS VÕ CÔNG NGUYÊN – Theo sách Tìm hiểu Văn hóa Vĩnh Long
——————————————
(1) Huỳnh Lứa (chủ biên), Lịch sử khai phá vùng đất Nam bộ, NXB TPHCM, 1982, tr.69
(2) Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí (tập Hạ), tr.46 và Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí (Lục tỉnh Nam Việt), Tỉnh Vĩnh Long, Nhà Văn hóa – Bộ Quốc gia Giáo dục, Sài Gòn, 1959, tr.72
(3) Trịnh Hoài Đức, Sđd, tr.47