Từ năm 1975 đến nay, hoạt động kinh tế nói chung của cư dân Vĩnh Long từng bước đi vào thế ổn định và phát triển. Sản xuất nông nghiệp toàn diện theo hướng đa dạng hóa các loại cây trồng – vật nuôi tại chỗ theo nền nông nghiệp sinh thái đã tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp được phục hồi và phát triển nhân rộng trong cộng đồng cư dân địa phương. Đến nay, mạng lưới tiểu thủ công nghiệp ở Vĩnh Long phân bố hầu như khắp các nơi từ thành thị đến nông thôn, tập trung cao tại những vùng nguyên liệu, vùng chuyên canh cây trồng thích hợp dùng làm nguyên liệu sản xuất tiểu thủ công nghiệp và nảy nở, lan tỏa trong cư dân, trên các tuyến giao thông thủy bộ, các bến bãi, chợ búa… Bởi lẽ, trên thực tế, giao thông thủy bộ, đặc biệt là giao thông bằng đường thủy ở Vĩnh Long xưa nay giữ vai trò rất quan trọng trong việc tìm kiếm, khai thác, vận chuyển nguyên vật liệu và bến bãi, chợ búa “trên bến dưới ghe” là nơi trao đổi, buôn bán hàng hóa, các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp địa phương.

Nhìn bao quát diện rộng trong toàn tỉnh Vĩnh Long hiện nay có thể nhận thấy, những nghề tiểu thủ công nghiệp như chằm lá dừa nước, đan lát đồ dùng bằng tre lá, dệt chiếu, rèn công cụ lao động, ép mía nấu đường, ép dầu phộng, làm tàu hũ ky, làm bột mỳ (sắn)… thường phân bố rải rác hoặc tập trung thành các xóm (hay làng) nghề trong cư dân nông thôn. Ở đó, các nghề dệt chiếu, ép mía nấu đường, ép dầu phộng, làm tàu hũ ky, làm bột mỳ (sắn) được phát triển trên các vùng chuyên canh cây lác ở Vũng Liêm, chuyên canh cây mía ở Tam Bình (322 ha), Trà Ôn (317 ha), Vũng Liêm (30 ha), Bình Minh (26 ha), chuyên canh cây đậu nành ở Bình Minh (660 ha), Trà Ôn (86 ha) (27)… Trong khi đó, các trại đóng ghe xuồng, trại cưa, trại mộc, làm gạch ngói, gốm mỹ nghệ (gần đây), nhà máy xay xát lúa gạo, hãng chế biến nước mắm được tạo lập thành các khu vực nghề nghiệp dọc theo những con sông rạch lớn, chung quanh các tuyến đường thủy – bộ quan trọng, nhất là dọc theo sông Cổ Chiên, sông Măng Thít… Và nhiều nghề thủ công khác nữa, đặc biệt là các ngành nghề chế biến lương thực – thực phẩm như làm bún, hủ tiếu, tương chao, tàu hũ, nước tương, nước ngọt, bánh kẹo… lại “hội tụ” trong cư dân đô thị, tại các thị xã, thị trấn của tỉnh Vĩnh Long.

Tựu trung lại, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, lò gạch mới mọc lên đậm đặc ở huyện Mang Thít (1.312 lò) và phần nào đó là ở huyện Long Hồ (126 lò). Trại đóng ghe xuồng, trại mộc, trại cưa xẻ gỗ, các cơ sở sản xuất các sản phẩm từ gỗ, tre nứa có số lượng khá nhiều ở Long Hồ (147 cơ sở), Bình Minh (82 cơ sở), TXVL (80 cơ sở) và Tam Bình (29 cơ sở) (28). Nhà máy xay xát lúa gạo, hãng chế biến nước mắm phần lớn đặt ở TXVL, Long Hồ, Bình Minh… Còn các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm và đồ uống, may trang phục, sản xuất sản phẩm từ kim loại (chủ yếu là nghề rèn), sửa chữa xe, động cơ, máy nổ… phân bố hầu như đều khắp các huyện – thị trong tỉnh, nhưng tập trung khá cao ở TXVL (617 cơ sở), sau nữa là Bình Minh (390 cơ sở), Vũng Liêm (372 cơ sở), Trà Ôn (362 cơ sở), Tam Bình (269 cơ sở), Long Hồ (244 cơ sở) và Mang Thít (122 cơ sở) (29).

Với tư cách là một bộ phận cấu thành trong cơ cấu kinh tế nói chung và ngành công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp nói riêng của một tỉnh, tiểu thủ công nghiệp ngày nay ở Vĩnh Long (trong đó còn nhiều nghề thủ công truyền thống gắn bó lâu đời với mảnh đất này) đã góp phần hình thành bộ mặt kinh tế đa dạng và đặc thù của một địa phương. Tiểu thủ công nghiệp ở đây trên thực tế có vai trò, vị trí rất quan trọng đối với việc tạo ra khối lượng sản phẩm thủ công hàng hóa để trao đổi, buôn bán trên thị trường nội địa và xuất khẩu, đồng thời đã thu hút đáng kể lực lượng lao động cả ở thành thị lẫn trong nông thôn, trong đó có những nghệ nhân tài hoa, những người thợ rành nghề, giỏi việc.

Theo thống kê Vĩnh Long thì số lao động của ngành công nghiệp quốc doanh năm 1991 có 12.985 người, đến năm 1995 tăng lên 25.741 người và đến năm 1995, số lượng lao động của hộ gia đình – tức số lượng lao động trong các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp ở địa phương – có 21.378 người, chiếm 77,44% (21.378/ 27.605 người) tổng số lao động của ngành công nghiệp nói chung và chiếm đến 83,05% (21.387/ 27.741 người) tổng số lao động ngành công nghiệp ngoài quốc doanh tại Vĩnh Long. Điều này cho thấy tiềm lực và khả năng phát triển sản xuất tiểu thủ công nghiệp địa phương hiện nay và trong tương lai.

TS VÕ CÔNG NGUYỆN – Theo sách Tìm hiểu Văn hóa Vĩnh Long

—————————————–

(27) Các số liệu về diện tích mía, đậu phộng, đậu nành, khoai mỳ trên đây theo Cục thống kê Vĩnh Long, Niên giám thống kê 1991 – 1995, Vĩnh Long tháng 5/1996, tr.62 và 65.

(28) Tổng hợp từ các nguồn số liệu thống kê liên quan theo Cục thống kê Vĩnh Long, Sđd, tr.96 và 97.

(29) Tổng hợp từ các nguồn số liệu thống kê liên quan theo Cục thống kê Vĩnh Long, Sđd, tr.96 và 97.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *