Hoạt động tiểu thủ công nghiệp ở Vĩnh Long nói riêng và Nam bộ (tức Nam kỳ lúc đó) nói chung đặc biệt phát triển dưới thời thuộc Pháp cả về số lượng ngành nghề lẫn quy mô nghề nghiệp. Trên cái nền cơ bản gồm các nghề thủ công cổ truyền đã có từ trước tại Vĩnh Long thì những nghề xay xát lúa gạo, đóng ghe xuồng, ép mía nấu đường, chế biến nước mắm, sản xuất gạch ngói… lần hồi đã tiếp nhận kỹ thuật – công nghệ mới từ phương Tây đưa vào để mở rộng quy mô và nâng cao năng lực sản xuất trong nền kinh tế hàng hóa đang trên đà mở rộng. Cho dù việc thúc đẩy mở rộng nền kinh tế của chính quyền thuộc Pháp không ngoài mục đích phục vụ cho chính sách khai thác thuộc địa, vơ vét tài nguyên và bóc lột nhân công để tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa tham gia vào thị trường xuất khẩu, nhất là xuất khẩu lúa gạo ở ĐBSCL với sự nắm giữ độc quyền của họ.
Khoảng thời gian từ nửa cuối thế kỷ XIX (1858 – 1896), mặc dù Nam bộ đã lệ thuộc vào Pháp nhưng trên thực tế, “triều Nguyễn còn đảm trách chính quyền đối với mọi hoạt động xã hội Việt Nam” (15) nên hoạt động tiểu thủ công nghiệp và đổi mới công nghệ cũng được triều đình chú ý đến. Trước yêu cầu củng cố các ngành nghề thiết yếu và tăng cường thêm các ngành mới, vào tháng 4/1866, triều đình đã tuyển chọn 20 người ở Vĩnh Long, An Giang (tuyển các thuộc viên, học trò, thợ nhanh nhẹn tháo vát và khéo tay) đưa đến Gia Định để học các nghề : đúc luyện thép, đúc súng lớn, chế tạo đạn, lựu đạn, đóng tàu thủy, làm đồng hồ, làm dây đồng… (phục vụ cho ngành dây thép, bưu điện) và một số loại máy móc khác” (16). Lúc này, kỹ thuật – công nghệ sản xuất các ngành nghề trên đây được tiếp nhận và truyền thụ chủ yếu từ kỹ thuật sản xuất công nghệ của Pháp và cư dân Vĩnh Long đã áp dụng đặc biệt đối với nghề đóng tàu ghe của họ. Trong khi đó, nghề trồng dâu, ươm tơ dệt lụa lại sa sút dần và dường như biến mất ở Vĩnh Long trong giai đoạn này (kể cả ở Kiến Dương, Định Tường và Sa Đéc). Riêng nghề làm gạch ngói và cưa xẻ gỗ đang trên đà phát triển ở Vĩnh Long nói riêng và toàn Nam bộ nói chung để phục vụ cho nhu cầu xây dựng, kiến thiết công trình đô thị ở Vĩnh Long và các tỉnh khác trong vùng, đặc biệt là đối với thành phố Sài Gòn và đóng mới ghe tàu vận tải, chuyên chở, buôn bán chủ yếu là lúa gạo xuất khẩu.
Theo Monographie de la Province de Vinh Long (1911) thì tại Vĩnh Long lúc bấy giờ có 7 lò gạch do người Hoa dựng lên ở Tân Hội và Tân Hóa thuộc tổng Bình An, Sơn Đông thuộc tổng Bình Thiềng, Hòa Mỹ thuộc tổng Bình Thạnh và 12 trại cưa cũng do người Hoa lập nên ở tại Long Châu – tổng Bình Long, Thiềng Đức – tổng Bình Thiềng, Bình Tịnh – tổng Bình Thiềng, Tường Lộc – tổng Bình Thới, Tân An Đông – tổng Bình Thới và Trung Hậu – tổng Bình Trung. Tài liệu trên đây còn ghi nhận hoạt động tiểu thủ công nghiệp ở Vĩnh Long vào thời điểm này có hai nghề đặc trưng, đó là nghề rèn (thợ rèn) và nghề kim hoàn (thợ bạc). Sản phẩm thủ công của chúng tuy không tuyệt mỹ bằng sản phẩm làm ra ở Sa Đéc nhưng vẫn được nhiều người ưa thích (17). Ngoài ra, nhiều nghề thủ công cổ truyền khác vốn đã lưu truyền lâu nay trong cư dân có xu hướng ngày càng nhân rộng ra hơn trong các cộng đồng địa phương ở cả nông thôn lẫn thị tứ Vĩnh Long. Xóm làm bánh tráng ấp Tân Thạnh xã Lục Sĩ Thành – huyện Trà Ôn hiện nay được biết là cư dân ở đây có nguồn gốc từ Quảng Ngãi đã nhập cư vào đây khoảng đầu thế kỷ XX. Xóm xe nhang ở thị trấn Cái Vồn – huyện Bình Minh được hình thành trên cơ sở khai thác nguồn nguyên liệu bằng lá của cây gòn. Loại cây này được xếp vào danh mục của các loại cây công nghiệp có nhiều ở Vĩnh Long dưới thời thuộc Pháp và thời Mỹ – ngụy trước năm 1975.
Đến nửa đầu thế kỷ thứ XX, ở Vĩnh Long đã có hai hãng tàu – xe vận tải thủy – bộ của một nhà doanh nghiệp lớn tại địa phương – hãng tàu Vĩnh Long thương nghệ công ty (1922) và hãng vận tải ô-tô Nguyễn Thành Điểm (1923) (18). Cầu tàu Vĩnh Long lúc ấy được coi là cầu tàu của “miền lục tỉnh”, là “trạm trung chuyển” hàng hóa chủ yếu từ Sài Gòn qua các tỉnh ĐBSCL đến Nam Vang (Kampuchia) và ngược lại. Nơi đây ghe tàu cập bến tấp nập ngày đêm. Và cũng tại đây, đến dịp Tết cổ truyền hoặc dịp lễ Chánh chung của Pháp “có tổ chức đua ghe, chưng thủy lục và nhiều trò chơi khác phảng phất cái màu phồn hoa đô hội của bến Chương Dương trên sông Bến Nghé – Sài Gòn trước đây (19).
TS VÕ CÔNG NGUYỆN – Theo sách Tìm hiểu Văn hóa Vĩnh Long
—————————————-
(15) Bùi Thị Tân – Vũ Huy Phúc, Sđd, tr.202
(16) Dương Kinh Quốc, Việt Nam những sự kiện lịch sử (1858 – 1918), NXB Giáo dục, 1999, tr.57
(17) Monographie de la Province de Vinh Long, Sài Gòn, 1911, tr.23 và tr.24
(18) Huỳnh Minh, Sđd, tr.363 thì Nguyễn Thành Điểm thành lập hai hãng lớn vào năm 1920 và năm 1921, còn theo Bùi Thị Tân – Vũ Huy Phúc, Sđd, tr.179 thì hai hãng trên được thành lập vào năm 1922 và 1923
(19) Huỳnh Minh, Sđd, tr.175