Tiểu thủ công nghiệp ở Vĩnh Long thời các chúa Nguyễn và triều Nguyễn (2)
16/11/2010Tiểu thủ công nghiệp ở Vĩnh Long đã sớm định hình và phát triển dưới thời các chúa Nguyễn và triều Nguyễn với nhiều ngành nghề truyền thống của các thành phần cư dân sở tại. Cho dù “bánh công kỹ nghệ” của họ “chưa được tinh xảo” (4) cho lắm, nhưng chúng đã đóng vai trò, vị trí khá quan trọng trong việc nâng cao nhu cầu đời sống cư dân, góp phần tạo ra các sản phẩm hàng hóa trên thị trường. Chợ Long Hồ thuộc trấn Vĩnh Thanh được thành lập từ thời Túc Tông thứ 8 (1732), “phố xá liên lạc, hàng hóa đủ cỡ trăm món, dài đến 5 dặm, ghe thuyền đậu sát bến… ” (5) đã cho thấy sự phát triển kinh tế hàng hóa và sự tham gia vào nền kinh tế hàng hóa của tiểu thủ công nghiệp địa phương vào thời kỳ này. Ở đây, những sản phẩm thủ công của nghề trồng bông, kéo sợi, nghề trồng dâu, ươm tơ, dệt lụa và nghề trồng lác, dệt chiếu như “bạch” (lụa), “bố” (vải), “tịch” (chiếu) đã trở thành “hóa hạng” và theo đó là việc mua bán nguyên liệu “ty” (tơ), “nhự” (bông), “ma bì” (vỏ gai), “si bì” (vỏ đay) (6) khá thịnh hành ở Nam bộ và tại Vĩnh Long. Cho đến trước khi thực dân Pháp chiếm 3 tỉnh miền Tây thì Vĩnh Long là một thị trường lớn về tơ lụa. Tơ lụa của các vùng Sa Đéc, Bến Tre đều đem về bán ở đó (7).
Lá dâu tằm |
Theo địa bạ triều Nguyễn thì tang căn thổ, tức đất trồng dâu, lúc bấy giờ (gồm Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh) có khoảng 11.059 mẫu, 1 sào, 1 thước, 7 tấc, trong đó, riêng phủ Định Viễn (tức Vĩnh Long) đã có 7.768 mẫu, 7 sào, 9 thước, 9 tấc (8). Người nông dân Vĩnh Long xưa trồng bông để kéo sợi, dệt vải trên những vùng đất cao (thường ở vùng cư trú của người Khmer) và trồng dâu để nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa ở những vùng đất thấp dọc sông Tiền, sông Hậu… Họ đào đất và lên liếp rồi đánh luống trên đó trồng dâu vào mùa mưa. Sau 2 tháng có thể thu hoạch được lứa lá đầu tiên và sau một năm thu hoạch thì chặt ngang gốc, để cây dâu mọc tược mới tiếp tục hái lá trở lại (9) (10). Ngoài nghề dệt vải, dệt chiếu được biết đã phát triển khá phổ biến trong nông thôn Vĩnh Long và trong cộng đồng người Khmer ở đây trước kia thì nghề rèn công cụ sắt, nghề đóng ghe xuồng, nghề chế biến nước mắm… cũng đã nổi tiếng lâu đời, hình thành các xóm (hay làng) nghề (xóm Lò Rèn) hoặc các khu vực nghề nghiệp (các ụ ghe hay xưởng đóng ghe xuồng, hãng nước mắm… ). Xóm Lò Rèn xưa ở tại cầu Lầu thuộc TPVL hiện nay có một thời rèn binh khí phục vụ cho quân binh đóng trong Hoàng cung thành, tức Thành nội Vĩnh Long (gồm 4 thôn : Long Hồ, Long Châu, Bình Minh, Bình Lữ thuộc tổng Bình Long, phủ Định Viễn) (11). Còn xưởng thủy sư – xưởng đóng tàu đầu tiên của triều đình nhà Nguyễn ở trấn Vĩnh Thanh (12) và khu vực các ụ ghe ô, ụ ghe lê gồm 7 ụ trên thủy trường dài theo mé sông Long Hồ do vua Minh Mạng thiết lập vào năm 1836 thường chỉ đóng mới và sửa chữa ghe tàu để phục vụ chủ yếu cho quan binh của triều đình nhà Nguyễn (13). Chính vì thế mà vào cuối thế kỷ XVIII (1791), nhà Nguyễn đã đặt ở Gia Định nói chung (trong đó có Vĩnh Long) đến 62 ty – tượng – cục điều hành sản xuất các ngành nghề thủ công nghiệp trong vùng, tập trung vào việc chế tạo các sản phẩm, vật phẩm thủ công thiết yếu quan trọng theo yêu cầu của triều đình lúc ấy.
Nhìn chung, cho đến nửa đầu thế kỷ XIX, cư dân Vĩnh Long đã phát triển nhiều loại cây trồng ngoài cây lúa thành những vùng chuyên canh, có thể coi là những vùng nguyên liệu cho hoạt động sản xuất tiểu thủ công nghiệp địa phương. Vùng trồng lác trên các cù lao ven sông Tiền, như cù lao Dài chẳng hạn, thuộc Vũng Liêm. Vùng trồng mía nằm dọc theo sông Mang Thít thuộc Tam Bình, Trà Ôn, Bình Minh. Vùng trồng đậu nành, đậu phộng ở Bình Minh, Trà Ôn… Trong nông thôn cũng như tại thị tứ Vĩnh Long đã xuất hiện các xóm (hay làng) nghề thủ công như xóm chằm lá, xóm dệt chiếu, xóm ép mía nấu đường, xóm làm tàu hũ ky… có từ trước. Còn có xóm Bún ở vàm rạch Cái Cá. Các xóm làm nghề đánh bắt cá như xóm Chài, xóm Lưới nối liền với xóm Bún bằng một đường nước lội ngang qua được (khe Luông) (14).
TS VÕ CÔNG NGUYỆN – Theo sách Tìm hiểu Văn hóa Vĩnh Long
—————————————–
(4) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, Sđd, tr.48
(5) Trịnh Hoài Đức, Sđd, tr.127
(6) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, Sđd, tr.73 – 74
(7) Bùi Thị Tân – Vũ Huy Phúc, Kinh tế thủ công nghiệp và phát triển công nghệ Việt Nam dưới triều Nguyễn, NXB Thuận Hóa, 1998, tr.138
(8) Nguyễn Đình Đầu, Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn (Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh), NXB TPHCM, tr. 128 và tr.177
(9) Huỳnh Lứa (chủ biên), Sđd, tr.147
(11) Huỳnh Minh, Vĩnh Long xưa và nay, Cánh Bằng xuất bản, Sài Gòn, 1967, tr.178
(12) Trịnh Hoài Đức, Sđd, tr.123
(13) Huỳnh Minh, Sđd, tr.179
(14) Huỳnh Minh, Sđd, tr.173