b/ Từ năm 1986 đến nay

Từ sau cuộc điều chỉnh giá – lương – tiền năm 1985, tình hình phân phối lưu thông ngày càng khó khăn. Trong tình hình chung của đất nước, ngành thương nghiệp Vĩnh Long gặp phải khó khăn chung chủ quan và khách quan.

– Nguồn hàng mua bấp bênh. Hàng địa phương không có tiền đặt mua hoặc có tiền nhưng giá mua không hợp lý, dân không bán, hàng mua trung ương rất hạn chế và nhiều lúc không có vốn vay để mua. Một số mặt hàng mua liên kết, có lúc giá cao, không tiêu thụ được vì hàng này mua bán qua nhiều khâu trung gian.

– Việc tổ chức bán ra chủ yếu là bán buôn để quay vòng vốn nhanh, kịp trả tiền vay nhưng vẫn không đủ lãi nộp ngân sách.

– Hệ thống thương nghiệp HTX gặp rất nhiều khó khăn, nhất là cơ chế tín dụng và chính sách thuế chưa phù hợp.

– Việc mua bán trên thị trường ngày càng hỗn loạn, các đơn vị không có chức năng kinh doanh cũng tham gia mua bán. Nhà nước không thống nhất được thị trường XHCN, còn thị trường tự do càng diễn ra rối ren, hỗn loạn, tư thương tranh mua tranh bán với nhà nước, thậm chí có cả những đơn vị kinh tế XHCN cũng góp phần gây rối loạn trên thị trường.

Với quyết tâm đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, chuyển toàn bộ hoạt động thương nghiệp sang hạch toán kinh doanh XHCN, ngành thương nghiệp Vĩnh Long đã tiến hành sắp xếp lại các đơn vị sản xuất kinh doanh. Qua nhiều lần sắp xếp, đến năm 1991, thương nghiệp quốc doanh còn lại 821 lao động, giảm 1.377 người so với năm 1986. Từ năm 1992 đến nay, tỉnh thành lập Sở Thương mại – Du lịch, thực hiện quản lý nhà nước về lĩnh vực này, đồng thời quản lý trực tiếp 5 công ty – xí nghiệp và một Ban quản lý HTX mua bán.

Sau thời gian xóa bỏ bao cấp, xóa bỏ ngăn sông cấm chợ, tạo điều kiện cho hàng hóa lưu thông dễ dàng, các thành phần kinh tế cạnh tranh quyết liệt trên thị trường, từ năm 1990 đến nay, phần lớn đi vào xu hướng ổn định. Hàng hóa phong phú đa dạng, lưu thông nhanh nhạy theo quy luật cung cầu, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng thông qua các trung tâm buôn bán ở đô thị, các chợ nông thôn (toàn tỉnh hiện nay có 78 chợ, trong đó có 68 chợ ở nông thôn, chiếm 82,05% tổng số chợ của tỉnh). Các cửa hàng đại lý, doanh nghiệp tư nhân chiếm lĩnh thị trường trong tỉnh. Tính đến thời điểm 1/7/1997, số công ty TNHH và DNTN có tổng số cơ sở hoạt động là 210 với 734 người, tổng doanh thu 715.431 triệu đồng. Số cơ sở và lao động của ngành thương mại ngoài quốc doanh tính đến thời điểm 1/7/1997 có 10.637 hộ, 15.119 người (10). Sự hoạt động của các doanh nghiệp tư doanh và các hộ kinh doanh cá thể trong ngành thương mại đã tạo cho thương nghiệp Vĩnh Long khôi phục lại chức năng mua bán bình thường của mình. Đã tham gia có hiệu quả vào thị trường xã hội, thị trường mua bán Vĩnh Long ngày thêm nhộn hịp, hàng hóa dồi dào phong phú từ thành thị cho đến nông thôn. Ở các chợ, cửa hàng, đại lý, ở đâu cũng đầy ắp các mặt hàng nội – ngoại, đáp ứng nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng. Năm 1995, tổng mức hàng hóa bán lẻ xã hội đạt 1.360.221 triệu đồng, tăng 21 lần so với năm 1986, trong đó chủ yếu là tư nhân : 1.289.417 triệu đồng, chiếm 95% tổng mức hàng hóa bán lẻ toàn xã hội, quốc doanh chỉ chiếm 5% (70.804 triệu đồng). Năm 1997, tổng mức hàng hóa bán lẻ xã hội là 1.743.698 triệu đồng, so với năm 1995 tăng 383.427 triệu đồng (chiếm 92%), quốc doanh : 141.295 triệu đồng, chiếm 8%, tăng 3% so với năm 1998 (Cục Thống kê Vĩnh Long, Sđd, trang 111).

Song song với chuyển biến nội thương, các hoạt động ngoại thương Vĩnh Long cũng có nhiều khởi sắc. Số lượng hàng, nhất là lượng hàng chế biến tăng lên. Từ năm 1981, Vĩnh Long xuất khẩu trực tiếp với các mặt hàng : tôm đông lạnh, dầu dừa, cơm dừa, trứng vịt muối, chiếu thảm… Thị trường chủ yếu là Liên Xô và Đông Âu. Đến năm 1986 xuất thêm mặt hàng gạo.

Trong quá trình xuất khẩu, kim ngạch xuất hàng năm đều tăng. Năm 1995, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 61.304.000$, gấp 50 lần so với năm 1981. Năm 1997 tăng lên 109.274.000$. Hàng nông sản xuất khẩu là một thế mạnh của Vĩnh Long luôn luôn có mức tăng trưởng cao trong các năm qua, trong đó, mặt hàng chủ lực là gạo, hột vịt muối, thủy sản đông lạnh và nấm rơm muối. Trên 90% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh là hàng nông sản. Năm 1995, lượng gạo xuất khẩu : 177.766 tấn, tăng 18 lần so với năm 1986. Năm 1996 : 351.935 tấn. Năm 1997 : 398.599 tấn. Thủy sản đông lạnh, năm 1995 xuất 736 tấn. Năm 1997 : 1.145 tấn. Hột vịt muối, năm 1995 xuất 60.622.000 quả. Năm 1997, xuất 61.795.000 quả. Nấm rơm muối, năm 1995 xuất 462 tấn. Năm 1997 : 2.218 tấn.

Ngoài các mặt hàng chủ lực nêu trên, Vĩnh Long còn xuất một số hàng khác như than gáo dừa, giày da, gạch tuy-nen, tiêu đen, gốm mỹ nghệ, nhãn sấy (được xuất qua Trung Quốc theo đường tiểu ngạch). Tuy nhiên, còn nhiều mặt hàng nông sản – thực phẩm khác như thịt heo, gà vịt, trái cây, rau cải các loại chỉ lưu thông trong nội địa tỉnh và TPHCM là chủ yếu, chưa mở rộng được thị trường tiêu thụ trong toàn quốc và xuất khẩu.

Về nhập khẩu, chủ yếu là nhập các mặt hàng phục vụ sản xuất như phân bón các loại, nguyên liệu dược, phụ liệu thuốc lá… Kim ngạch nhập khẩu năm 1995 là 26.426.000$. Năm 1997 : 33.855.000$.

Ngành thương mại – dịch vụ Vĩnh Long từ năm 1993 đến nay phát triển tương đối đều. Tỷ trọng thương mại – dịch vụ trong tổng sản phẩm của tỉnh tăng dần. Năm 1993 là 27,58%. Năm 1997 là 29%.

Tóm lại, từ năm 1986 đến nay, kinh tế miền Nam nói chung, Vĩnh Long nói riêng đã thu được nhiều thắng lợi : phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, trong đó có cả thành phần kinh tế tư bản tư nhân, xây dựng hệ thống kinh tế mở, CNH – HĐH nền kinh tế quốc dân. Các thành phần kinh tế và kinh tế hộ gia đình phát triển đúng hướng, hòa nhập được vào kinh tế thị trường, góp phần đẩy mạnh tốc độ phát triển kinh tế của Vĩnh Long và cả nước. Đây là thời kỳ sản lượng hàng hóa dồi dào, phong phú đa dạng, đại lý kinh doanh phát triển, kinh tế tư nhân ngày càng tăng, nội – ngoại thương đều phát triển mạnh. Sản xuất hàng hóa theo hướng kinh doanh, trao đổi mua bán trong nội tỉnh, với các tỉnh trong khu vực, trong nước và nước ngoài là đặc điểm vốn có của Vĩnh Long trước năm 1975, nay được tái phát triển và phát triển mạnh hơn theo hướng tăng trưởng kinh tế gắn liền với tiến bộ xã hội.

TS Trần Thị Mỹ Hạnh – Theo sách Tìm hiểu Văn hóa Vĩnh Long  

———————————–

(10) Niên giám thống kê 1997, XB 6/98, trang 109 – 110.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *