Sản xuất lúa không chỉ thỏa mãn nhu cầu đời sống của cư dân tại chỗ, mà còn dư thừa cung cấp cho miền Trung và đưa vào kho dự trữ của quốc gia hoặc trở thành hàng hóa trao đổi với các nơi khác. Nhiều lần, thuyền buôn xuất hiện trên các sông rạch như Cổ Chiên, Long Hồ, Hậu Giang, Mang Thít, Mỹ Thuận… Dần dần, những nơi này trở thành những tụ điểm buôn bán lúa gạo.
Lỵ sở của dinh Long Hồ nằm giữa hai trung tâm thương mại lớn của Nam bộ lúc đó là Hà Tiên và Mỹ Tho, khiến cho nó vừa là nơi trung chuyển, vừa là nơi diễn ra sự trao đổi buôn bán ngày một phong phú, càng tăng cường vị trí trung tâm của nó.
Dinh Long Hồ từ năm 1757 – 1771 là những năm tháng bình yên, nội bộ phát huy tốt truyền thống đoàn kết và kẻ ngoại bang không dám dòm ngó, quấy phá. Hoạt động kinh tế của cư dân Long Hồ chủ yếu vẫn là sản xuất nông nghiệp trên đà phát triển và việc buôn bán, trao đổi hàng hóa cũng ngày càng thêm khởi sắc. Đây là thời kỳ cư dân Long Hồ tiếp tục tăng nhanh bởi những nhóm di dân người Việt từ miền Trung vào. Nhân lực được bổ sung và là nhân lực có nhiều kinh nghiệm sản xuất. Do vậy, việc khai phá đất hoang tiếp tục được mở rộng, các sinh hoạt vật chất và tinh thần của cư dân ngày thêm phong phú.
Tiêu biểu cho những nhóm di dân người Việt từ miền Trung đến vùng đất Vĩnh Long vào thời kỳ này là nhóm người thân của Nguyễn Văn Thoại và nhóm nhà sư, trong đó có Hòa thượng Giác Nguyên.
Nguyễn Văn Thoại cùng những người thân và đồng hương của mình rời bỏ xứ Quảng Nam vào Nam, chọn cù lao Dài thuộc phủ Vĩnh Trị thuộc dinh Long Hồ (nay là xã Quới Thiện, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) làm quê hương mới. Nhóm người này nhanh chóng biến cù lao Dài thành điểm cư dân đông đúc và trù phú. Tại đây, cư dân làm nhiều nghề khác nhau, nghề ruộng, nghề vườn, nghề đánh cá… Ở đó, gạo rất trắng và mềm, cá tôm to béo không thể ăn hết nên dân thường luộc chín, phơi khô để bán (Phủ biên tạp lục, quyển 11, tờ 10).
Nhóm nhà sư, trong đó có Hòa thượng Giác Nguyên, đã đến vùng Long Hồ vào giữa thế kỷ XVIII, dừng chân tại Bãi Tiên thuộc cù lao An Bình, dinh Long Hồ (nay thuộc huyện Long Hồ), dựng chùa Di Đà, còn gọi Tiên Châu cổ tự, làm nơi tổ chức những sinh hoạt Phật giáo phong phú và đặc sắc.
Khối lượng nông sản – lương thực hàng hóa theo diện tích canh tác đều đặn gia tăng, tạo tiền đề cho hoạt động thương nghiệp tiếp tục phát triển. Vào thời kỳ này, ngoài lúa gạo, Long Hồ dinh còn có nhiều cây ăn trái, hoa màu, các loài thủy sản với nhiều đặc sản nổi tiếng như cau, xoài, dưa hấu, tôm khô… Với ưu thế là nơi trung chuyển nên cư dân Vĩnh Long có tầm nhìn nhạy bén hơn một số địa phương khác trong vùng, mọi sản phẩm làm ra đều trở thành hàng hóa. Sản phẩm của cư dân Long Hồ dinh sản xuất ra đều được đem trao đổi mua bán không những ở địa phương, trong khu vực, mà còn được trao đổi mua bán giữa Long Hồ với Phú Xuân và các trung tâm thương mại trong vùng như Biên Hòa, Chợ Lớn, Mỹ Tho, Hà Tiên… Ngoài chợ Long Hồ (được xây dựng từ năm 1732 và ngày càng sung túc), nhiều chợ được mở ra và phát triển, các hoạt động thương mại khá phồn thịnh như các chợ Bình Sơn (nay là Chợ Lách), Tân Mỹ Đông (nay là chợ Cái Nhum), An Ninh, Thới Khánh (nay là chợ Vũng Liêm), Tân Định (thuộc huyện Vĩnh Bình).
Thời kỳ này, khu vực lỵ sở Long Hồ đã bộc lộ những sắc thái, khả năng trở thành một đô thị có tầm cỡ xứng với vai trò là một thủ phủ của vùng lãnh thổ phía Nam sông Tiền và miền Tây sông Hậu.
TS Trần Thị Mỹ Hạnh – Theo sách Tìm hiểu Văn hóa Vĩnh Long