Thương nghiệp Vĩnh Long trong lịch sử
Với ưu thế của một vùng đất “mở về địa hình” rất thuận lợi cho sự phát triển nông nghiệp và sinh hoạt của con người. Ngay từ giữa thế kỷ XVIII, cùng với những thành tựu đạt được trong việc mở rộng diện tích khai hoang, trong sản xuất nông nghiệp, thương nghiệp Vĩnh Long cũng được hình thành và từng bước phát triển. Đến thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, thương nghiệp Vĩnh Long đã thực sự là một động lực quan trọng của sự phát triển lịch sử ở Vĩnh Long, tác động đến nhiều lĩnh vực và quá trình đời sống văn hóa xã hội của địa phương. Thương nghiệp Vĩnh Long với những quan hệ giữa nó với sự phát triển kinh tế – văn hóa nói chung ở Vĩnh Long, với đặc điểm xã hội – lịch sử, là một bộ phận cần được quan tâm khi tìm hiểu về quá khứ, về văn hóa Vĩnh Long.
Tìm hiểu về thương nghiệp Vĩnh Long trong lịch sử có thể chia ra làm các giai đoạn sau :
GIAI ĐOẠN TỪ KHI THƯƠNG NGHIỆP ĐƯỢC HÌNH THÀNH ĐẾN NĂM 1801
1/ Thời kỳ từ năm 1732 – 1771
Vào năm 1732, chúa Nguyễn Ninh Vương Nguyễn Phúc Trú cho chia đất ở phía Nam dinh Phiên Trấn, thành lập châu Định Viễn và dựng dinh Long Hồ thuộc phủ Gia Định.
Lỵ sở của dinh Long Hồ lúc đầu đóng ở thôn An Bình Đông, huyện Kiến Đăng, được gọi là đình Cái Bè. Đến năm Đinh Sửu (1757) được chuyển đến xứ Tầm Bào. Xứ Tầm Bào đương thời thuộc địa phận Long Hồ thôn (nay thuộc địa phận TPVL). Thành Long Hồ được xây dựng tại xứ Tầm Bào, là thủ phủ của một vùng lãnh thổ rộng lớn, bao gồm cả dãy đồng bằng nằm giữa sông Tiền và Nam sông Hậu (gồm vùng đất của các tỉnh Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang ngày nay) (1).
Vào thời kỳ này, vùng đất Vĩnh Long thuộc Long Hồ dinh đã có vị trí quan trọng đối với Long Hồ dinh, bởi lẽ một mặt, dinh lỵ Long Hồ dinh đặt tại làng Long Hồ, mặt khác, đây là vùng đất trù phú về lúa và cây ăn trái trong toàn khu vực Long Hồ dinh nói riêng và phủ Gia Định nói chung. Nơi đây có nước ngọt quanh năm, có phù sa sông Tiền và sông Hậu bồi đắp những dãy đất ven sông rạch và các cù lao đất giồng. Tại đây, người Việt – Hoa – Khmer cùng làm ăn sinh sống. Người Khmer chủ yếu làm ruộng rẫy ở những giồng đất, người Việt thực hiện khai phá đất bưng để canh tác lúa nước. Người Hoa lúc đầu làm vườn, sau phát huy sở trường làm nghề thủ công và buôn bán.
Trên đất Long Hồ vào thời kỳ này, sản xuất nông nghiệp vẫn giữ vị trí trọng tâm trong các hoạt động kinh tế. Trong sản xuất nông nghiệp, trồng trọt vẫn là chính, chủ yếu là trồng lúa. Đất đai khai phá được chia làm hai loại : sơn điền (đất gò) và thảo điền (đất trũng). Mỗi loại có phương thức canh tác khác nhau :
– Loại đất được canh tác theo phương thức sơn điền : lúc ban đầu thì “đốn chặt cây, đợi cho khô đốt làm phân tro, chờ khi mưa xuống trồng lúa không cần cày bừa, trong 3 – 4 năm thì đổi làm chỗ khác”.
– Loại đất được canh tác theo phương thức thảo điền : nơi ít bùn thì dùng trâu cày nhưng phải đợi nước mưa đầy đủ, dầm thấm, nhiên hậu mới hạ canh, mà trâu cày phải lựa con nào có sức mạnh, móng cao mới cày được, nếu không thì ngã ngập trong bùn không đứng dậy nổi. Nơi nhiều bùn thì phải đợi lúc hạ giao thời, có nước mưa đầy rẫy thì cắt bỏ đưng lác, cào cỏ đắp làm bờ rồi chọn đất cấy mạ giống xuống… Ở dinh Long Hồ, loại đất được canh tác theo phương thức thảo điền chiếm tỷ lệ cao hơn.
Nhờ đất đai phì nhiêu, người lao động cần cù, có kinh nghiệm khai thác, khắc phục thiên nhiên và nhờ sự quần cư ngày một đông đảo… nên việc trồng trọt của người dân Long Hồ sớm đạt năng suất cao : gieo một hộc lúa có thể thu được từ 100 – 300 hộc lúa (2). Đương thời, Lê Quý Đôn đã ghi lại vắn tắt tình hình sản xuất ở vùng này như sau : Châu Định Viễn, dân hơn 7.000 đinh, ruộng hơn 7.000 thửa, thuế mỗi thửa hạng nhất 4 hộc, hạng nhì 3 hộc… Châu Định Viễn phần lớn thì ruộng không cày, phát cỏ rồi cấy, cấy một hộc thì gặt được 300 hộc (3).
TS Trần Thị Mỹ Hạnh – Theo sách Tìm hiểu Văn hóa Vĩnh Long
———————————–
(1) Quốc sử quán triều Nguyễn – Đại Nam nhất thống chí – Lục tỉnh Nam Việt, Phủ Quốc vụ khanh đặc trách Văn hóa xuất bản, Sài Gòn, 1973, tr.40
(2) một hộc = 2 phương = 76,226 lít
(3) Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, Phủ Quốc vụ khanh đặc trách Văn hóa xuất bản, Sài Gòn, 1972, tr.148