Theo thống kê của thực dân Pháp, vào thời kỳ này, trên đất Vĩnh Long có trên 30 chợ lớn – nhỏ, trong đó có 9 chợ vừa mang tính chất là chợ khu vực, vừa là thị tứ – thị trấn. 9 chợ được sắp theo thứ tự quan trọng là chợ Long Châu (tỉnh lỵ), chợ Vũng Liêm (Trung Tín) thuộc tổng Bình Trung, chợ Ngã Tư (Long Đức) – tổng Bình Long, chợ Lách (Bình Sơn) – tổng Bình Xương, chợ Ba Kè (Phú Lộc Đông) – tổng Bình Phú, chợ Cái Nhum (Chánh Hội) – tổng Bình Chánh, chợ Thiềng Đức (Thiềng Đức) – tổng Bình Thiềng, chợ Cầu Lầu (Long Châu) – tổng Bình Long, chợ Mang Thít (Tân An Tây) – tổng Bình Thới (Chuyên khảo về tỉnh Vĩnh Long, Sài Gòn, Nhà in Thương mại M.Rey, 1911). Hầu hết các chợ này đều nằm cạnh bờ sông. Nó gồm một nhà họp chợ tương đối rộng, xây bằng gạch hoặc bằng gỗ, lợp ngói hay lợp tôn. Xung quanh chợ là các gian hàng có mặt trước trông ra chợ hay ra bến đậu của tàu thuyền hoặc trông ra con đường có đủ loại xe đi qua và đậu lại.

Ở các chợ này không những cư dân trong vùng đến mua bán trao đổi những sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp do mình làm ra, mà còn có các lái buôn chuyên nghiệp như hàng vải, hàng xén, hàng thuốc, hàng thịt, hàng bánh… ở địa phương hoặc nơi khác đến bày bán. Ở xung quanh chợ là khu buôn bán. Đa số họ là những nhà buôn nhỏ, nhất là của người Hoa bán tạp hóa và thuốc Bắc. Ngoài ra, ở các chợ này còn có những quán ăn mà khách buôn đến đây chè chén và trai trẻ giải trí.

Hoạt động thương mại của Vĩnh Long vào thời kỳ này nhộn nhịp hơn thời kỳ trước đó do hệ thống giao thông được mở rộng từ thành thị đến nông thôn, khối lượng hàng hóa dồi dào, nhất là lúa gạo đã trở thành mặt hàng xuất khẩu với khối lượng lớn. Đến mùa thu hoạch lúa, thị trường ở Vĩnh Long sôi động hẳn lên. Ở các vùng sản xuất lúa, trên các sông rạch tấp nập ghe thuyền len lỏi khắp thôn xóm để thu mua lúa. Số lúa mua được đa số thuộc về người Hoa. Hàng năm, vào vụ thu hoạch, người Hoa tổ chức hàng đoàn thuyền tỏa về nông thôn Vĩnh Long mua bán. Cũng như trước kia, các thuyền này đưa hàng công nghiệp, nông cụ về và cũng như trước, họ được các lái lúa tiếp tay. Họ làm thành khâu chuyển tiếp giữa quan hệ hàng đổi hàng đang tồn tại.

Số lúa thu hoạch được, họ chở về giữ tại các kho của địa phương hoặc chở lên Sài Gòn, Chợ Lớn để sau đó chuyển dần vào các nhà máy xay ở địa phương hoặc Chợ Lớn (ở Vĩnh Long thời kỳ này có 14 nhà máy xay phục vụ xay xát lúa gạo cho cư dân trong vùng và xuất khẩu). Từ các nhà máy, gạo được đưa ra bán ở nước ngoài hoặc lưu thông đi các nơi khác trong nước. Hàng công nghiệp giao thẳng cho lái lúa làm vật trao đổi với nông dân hoặc đưa ra bán lẻ qua các cửa hiệu của người Hoa. Ngày mùa, nông dân phải đem thóc lúa mình ra trả nợ và nộp cho địa chủ, trang trải cho nhà buôn đã bán chịu hàng tiêu dùng. Hết mùa, họ lại nai lưng đi làm thuê lấy tiền đong gạo, lại vay nợ lãi, lại mua chịu hàng tiêu dùng.

Nông dân nói chung là những người vừa làm chủ, làm công, sản xuất theo lối tự nhiên và phần quan trọng sản phẩm làm ra thường dùng đáp ứng nhu cầu sinh hoạt. Nhưng nông dân Vĩnh Long lại dùng sức lao động hoặc bán sức lao động để sản xuất hàng hóa. Họ phải mua hầu hết những thứ tiêu dùng cần thiết cho đời sống hàng ngày. Thực dân Pháp và tư sản thương nghiệp đưa hàng hóa vào nông thôn, tạo ra những nhu cầu mới. Những hàng hóa nhập cảng do các nhà buôn lớn ở Chợ Lớn phân phối cho khắp xứ, trước hết cho các nhà bán sỉ, cho các thương gia ở các đô thị lớn, kế đến cho các nhà buôn nhỏ. Họ mang những hàng nhập cảng này đến các vùng quê hẻo lánh bán cho nông dân, đồng thời họ mua lại thóc lúa của tá điền, tiểu điền chủ. Vào những ngày sau mùa gặt, nhiều lúa gạo và giá rẻ, đó là dịp cho các nhà buôn nhỏ, các đại lý, các nhà xuất khẩu về các chợ, các vùng quê Vĩnh Long vơ vét lúa gạo để bán ra nước ngoài, trong khi đại bộ phận người nông dân trong tỉnh thiếu ăn mặc dù số lúa do nông dân sản xuất ra bình quân đầu người khá cao, vào năm 1930 là 1.118 kg/ đầu người.

Số lúa gạo xuất khẩu của Vĩnh Long mỗi năm mỗi tăng. Đến những năm 1920 của thế kỷ XX, mỗi năm, Vĩnh Long xuất trung bình khoảng 80.000 tấn gạo so với số lúa gạo Vĩnh Long thu hoạch được (1910 : 107.732 tấn => Vĩnh Long có trên 50% số lượng lúa gạo xuất khẩu).

Sự phát triển mạnh mẽ này đã đưa nông nghiệp Vĩnh Long từ một nền nông nghiệp mang tính chất chỉ tiêu thụ tại chỗ và một ít được trao đổi trong vùng tới một vị trí tương đối quan trọng trên thị trường quốc tế về lúa gạo. Lúa gạo của Vĩnh Long đã được xuất khẩu nhiều nước trên thế giới. Gạo hạt dài Vĩnh Long với phẩm chất thơm dẻo rất được các nước Tây Âu ưa chuộng.

Hoạt động tiểu thủ công nghiệp vào thời kỳ này có chuyển biến hơn so với thời kỳ trước đó. Sản phẩm làm ra phong phú, đạt chất lượng không những phục vụ cư dân trong vùng, mà còn trao đổi với các tỉnh khác và có một số ít sản phẩm xuất khẩu. Vào thời kỳ này, ngoài những sản phẩm được sản xuất ra còn mang tính chất gia đình : rèn, dệt chiếu, đan lát… đã xuất hiện một số nhà máy, công xưởng mang tính chất tiểu thủ công nghiệp và chuyên môn hóa : nhà máy nhiệt điện ở tỉnh lỵ Vĩnh Long, lò nấu rượu Tân An (mỗi năm cung cấp ra thị trường 5.000 – 6.000 hécto-lít rượu), 12 xưởng cưa và chế biến gỗ gia dụng (trong đó có 10 xưởng của người Hoa, 2 xưởng của người Việt). Các xưởng cưa này hầu hết tập trung ở các tổng Long Châu, Thiềng Đức, Bình Ninh, Tường Lộc, Tân An Đông và Trung Hậu, các xưởng chế biến nông cụ cung cấp cho Vĩnh Long và các vùng phụ cận, 14 cơ sở xay xát lúa phục vụ cho nhu cầu của cư dân và xuất khẩu, 10 lò gạch (trong đó có 9 lò do người Hoa khai thác, một lò của người Việt) sản xuất gạch ngói, vật liệu xây dựng, đồ gốm… Các lò gạch này hầu hết được thiết lập tại các làng Tân Hội và Tân Hòa trong tổng Bình An, tại Sơn Đông trong tổng Bình Thiềng, tại Hòa Mỹ trong tổng Bình Thanh, 4 xưởng nhuộm, đáp ứng nhu cầu nhuộm vải, áo quần của cư dân trong vùng.

Sự phát triển của tiểu thủ công nghiệp ở Vĩnh Long đã góp phần đưa thương mại Vĩnh Long ngày một phát triển. Những sản phẩm thủ công nghiệp do cư dân làm ra không những đáp ứng nhu cầu của địa phương, mà còn dư thừa đem bán ở các địa phương khác trong tỉnh và các tỉnh lân cận, nhất là gạch ngói, vật liệu xây dựng, đồ gốm… Nhìn chung vào thời kỳ này, các ngành công – nông – thương ở Vĩnh Long hoạt động nhịp nhàng hơn so với kỳ lịch sử trước… Theo những tuyến giao thông thủy – bộ được sửa sang hoặc mới được xây dựng, các hoạt động thương mại cắm rễ sâu vào nông thôn, góp phần tăng cường các hoạt động công thương ở tỉnh lỵ và huyện lỵ, là cơ sở cho việc hình thành những tụ điểm trao đổi mua bán hàng hóa mới.

TS Trần Thị Mỹ Hạnh – Theo sách Tìm hiểu Văn hóa Vĩnh Long

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *