III. GIAI ĐOẠN TỪ 1867 – 1945

1/ Thời kỳ từ 1867 – 1918

Ngày 26/6/1867, sau khi chiếm nốt ba tỉnh miền Tây Nam kỳ, Thiếu tướng Hải quân – Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp tại Nam kỳ ra bản tuyên bố : toàn bộ 6 tỉnh Nam kỳ là lãnh địa Pháp. Kể từ nay, triều đình Huế không còn quyền lực gì đối với Nam kỳ lục tỉnh nữa. Chính quyền duy nhất tồn tại ở Nam kỳ là chính quyền của người Pháp.

Việc đế quốc Pháp chiếm nước ta không phải chỉ vì mục đích chính trị, mà trước hết vì mục đích kinh tế. Điều này được Leroy-Beaulieu – lý thuyết gia về khai thác thuộc địa – báo cáo trước Hội đồng quản hạt năm 1886 : “ … Chúng tôi tin tưởng rằng, với sự phì nhiêu của đất phù sa, với những vùng đất rộng chưa được khai phá, những hệ thống nước sẽ được thiết lập một cách dễ dàng. Nam kỳ có thể phải trở thành một thuộc địa nông nghiệp. Đó là cách thức chắc chắn nhất để xếp Nam kỳ vào loại những thuộc địa đồng hóa”. 

Nam kỳ là một vùng đất mới mà diện tích hoang hóa còn nhiều, bình quân diện tích ruộng đất trên đầu người khá cao, ruộng công rất ít, chế độ sở hữu ruộng đất của tư nhân, nhất là chế độ sở hữu của đại điền chủ phong kiến sớm phát triển. Thực dân Pháp chủ trương xuất khẩu nông sản, nhất là lúa gạo và cao su để kiếm lời. Chúng đẩy mạnh khai phá ĐBSCL bằng chế độ quảng canh, bằng việc duy trì và phát triển chế độ sở hữu lớn về ruộng đất của đại địa chủ, sử dụng chế độ tá điền khác với chế độ công rẽ ở Trung kỳ và Bắc kỳ, phát triển kênh rạch khắp vùng, biến vùng đồng bằng này thành vùng chuyên canh sản xuất lúa gạo xuất khẩu. Xây dựng Sài Gòn – Chợ Lớn, vốn là một trung tâm kinh tế của lục tỉnh cũ, thành một trung tâm thương mại, xuất nhập khẩu và tài chính cho cả khu vực phía Nam Đông Dương. Thực chất của chủ trương và biện pháp mà Pháp đã thực hiện ở Nam kỳ nhằm phát triển nền sản xuất và lưu thông hàng hóa về cả chiều rộng và chiều sâu, lấy đó làm động lực cho sự khai thác vùng đất này.

Chỉ 5 ngày sau khi chiếm Sài Gòn, Đô đốc Page đã mở cảng Sài Gòn cho các nước vào buôn bán và tuyên bố việc buôn bán lúa gạo được hoàn toàn tự do (7). Các thương gia đã xuất khẩu lúa gạo sản xuất tại Nam kỳ sang Nhật Bản, Singapore, Úc, đảo Rèunion và châu Âu.

Có thể nói rằng, việc mở rộng xuất khẩu lúa gạo đã ảnh hưởng lớn trên mức độ cũng như cách thức khai hoang và khai thác vùng đồng bằng châu thổ Nam kỳ dưới thời thuộc Pháp. Từ giai đoạn sản xuất để đáp ứng nhu cầu tại chỗ, với một số ít xuất khẩu, đồng bằng châu thổ Nam kỳ bước sang giai đoạn sản xuất nông sản hàng hóa (chủ yếu là lúa gạo) cho thị trường ngoài nước.

Để thực hiện những mục tiêu trên, chính quyền thực dân đã tìm cách phát triển hệ thống giao thông và thủy lợi, đồng thời tăng thêm nhân lực khai phá.

Ở Vĩnh Long, việc khai hoang phục hóa được tiến hành triệt để. Những mảnh rừng hoang trên đất Vĩnh Long bị thu hẹp dần và đến năm 1913 thì mất hẳn. Diện tích bỏ hóa được phục hồi.

Nhờ đẩy mạnh khai hoang phục hóa nên diện tích trồng trọt tăng dần sau mỗi năm và được xem là vùng đất màu mỡ có tiếng của Nam kỳ. Người Pháp ghi nhận : người Nam gọi Vĩnh Long là vườn cây của Nam kỳ, đất cát phì nhiêu, dân cư đông đúc chia thành những đảo nhỏ giữa bao sông rạch liên lạc chằng chịt với các cửa sông Cửu Long. Cả tỉnh có 48.866 héc-ta ruộng và 25.603 héc-ta vườn cây. Dân số gần 311.000 người với 13.090 suất đinh.

Kinh rạch miền Tây

Để góp phần mở rộng giao lưu kinh tế, văn hóa giữa các địa phương trong tỉnh với các tỉnh khác và liên lạc với cảng Sài Gòn (một thương cảng lớn nhất của Nam kỳ lúc bấy giờ), chính quyền thực dân Pháp có biện pháp nhằm nâng cấp và hoàn thiện dần hệ thống giao thông đường thủy ở Vĩnh Long bằng việc nạo vét kênh rạch, đào thêm kênh mới : Năm 1876, Pháp cho đào kinh xáng Nicolai từ Trà Luộc đến Ngã ba Thầy Hạnh nối liền với sông Măng Thít, tạo nên tuyến lưu thông quan trọng, thành con đường giao thông chủ yếu từ Sài Gòn về miền Tây. Đi theo tuyến này, các ghe tàu vận tải trên sông sẽ tránh đường vòng ra biển hoặc vòng lên sông Sở Thượng, kinh Sa Đéc. Năm 1882, cho đào kinh Chà Và, là đường thủy ngắn nhất để đi từ Vĩnh Long đến Cần Thơ. Năm 1877, cho đào kênh Ông Me, tạo nên sự thông thương giữa Vĩnh Long với Sa Đéc. Năm 1897, cho đào kênh mới Trà Ôn… Vào năm 1910, trợ cấp cho công ty đường sông có những xà-lúp từ Mỹ Tho qua Măng Thít và Cần Thơ đến Đại Ngãi là 960 đồng. Đồng thời, hệ thống giao thông đường bộ cũng được chú trọng đầu tư xây dựng. Quốc lộ 4 (nay là Quốc lộ 1) nối sang các tỉnh miền Tây chạy qua Vĩnh Long có độ dài 40 km. Tuyến đường rải nhựa Trà Vinh – Vĩnh Long – Sa Đéc được khởi công xây dựng vào năm 1908. Riêng năm 1910, trợ cấp cho tuyến đường rải nhựa trên đất Vĩnh Long là 108 km. Từ đó, những tuyến đường từ tỉnh lỵ Vĩnh Long đến các huyện cũng được xây dựng dần. Đến năm 1917, tại tỉnh lỵ Vĩnh Long đã xây dựng bến xe đò đi các huyện lỵ và cũng từ đó khởi đầu sự thiết lập những tuyến đường rải đá liên tỉnh, liên huyện, liên xã như tuyến đường Trà Ôn – Cầu Kè – Tiểu Cần được xây dựng từ năm 1920. Những hệ thống đường giao thông này đã giúp cho việc vận chuyển hàng hóa được dễ dàng. Và cùng với việc mở rộng hệ thống giao thông thủy – bộ, các khu dân cư mới, các lỵ sở hành chính, các tụ điểm mua bán và các chợ cũng được hình thành ở giữa các giao điểm của đường bộ. Dần dần, các tụ điểm phát triển thành thị tứ – thị trấn. Những thị tứ – thị trấn này dần dần trở thành những trung tâm kinh tế, nơi sản xuất bộ phận quan trọng những mặt hàng tiểu thủ công nghiệp, đồng thời cũng là nơi phân phối tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp và thủ công nghiệp của cả một vùng.

Vây quanh các thị tứ – thị trấn là những vùng nông thôn trong tỉnh. Sinh hoạt kinh tế của các đơn vị làng – xã vẫn mang đậm dấu ấn của nền kinh tế tự cấp tự túc. Mỗi làng – xã, thậm chí mỗi gia đình cố gắng tự giải quyết những nhu cầu về ăn, mặc và những đồ dùng cần thiết trong sản xuất và đời sống. Tuy vậy, thị trường buôn bán ở nông thôn vẫn tồn tại và phát triển theo từng mùa vụ nông nghiệp, thủy – hải sản…

Tuy số lượng sản phẩm dư thừa của các gia đình nông dân không có bao nhiêu để bán thành khối lượng hàng hóa lớn, nhưng nhu cầu bán những sản phẩm nông nghiệp và thủ công nghiệp gia đình nhiều lúc rất cấp thiết. Không những bán những sản phẩm thừa, mà còn bán cả sản phẩm cần thiết nuôi sống để tái sản xuất nữa. Mặt khác, sự phát triển thương nghiệp và thủ công nghiệp thành thị cũng cần đến thị trường nông thôn rộng lớn. Hoạt động thương nghiệp phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt cư dân đô thị tập trung thu mua một số mặt hàng nông sản, nhất là lúa gạo để xuất khẩu, phân phối sản phẩm công nghiệp thành thị về các làng – xã, các gia đình nông thôn đều trải qua những khâu trung gian và địa điểm thị trường khác. Những nhân tố trên đã tác động đến sự phát triển của hệ thống chợ ở Vĩnh Long – một cơ cấu hoạt động quan trọng dưới thời thuộc Pháp.

TS Trần Thị Mỹ Hạnh – Theo sách Tìm hiểu Văn hóa Vĩnh Long

————————————

(7) Etienne Denus. Badeaux et la cochinechine sour la restannation et la second Hinplre, 1965, p.70.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *