3/ Thời kỳ 1945 – 1954

Cách mạng tháng Tám thành công đã mở ra một kỷ nguyên mới cho các dân tộc cư trú trên lãnh thổ Việt Nam, trong đó có nhân dân Vĩnh Long. Từ đây, nhân dân Vĩnh Long hòa nhập một cách tích cực hơn vào sự nghiệp cách mạng của nhân dân cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trên cơ sở thắng lợi của cách mạng tháng Tám năm 1945, chính quyền cách mạng ở Vĩnh Long được thành lập thành hệ thống từ tỉnh – huyện – xã/ phường, lãnh đạo nhân dân xây dựng cuộc sống mới, nhưng sau đó, Pháp đánh chiếm lại Nam bộ, trong đó có tỉnh Vĩnh Long (vào 10/1945). Từ đó đến năm 1954, ở Vĩnh Long có hai chính quyền song song tồn tại : chính quyền của nhà nước Pháp và chính quyền cách mạng. Chính quyền của nhà nước Pháp kiểm soát vùng thị xã, thị trấn, vùng ven và các trục giao thông quan trọng; chính quyền cách mạng kiểm soát các vùng nông thôn trong tỉnh. Pháp luôn xua quân càn quét lấn chiếm vùng giải phóng, quân dân Vĩnh Long phải luôn chiến đấu để bảo vệ quê hương. Do đó, thời kỳ 1946 – 1954, do sự phát triển của chiến tranh nên hoạt động thương mại ở Vĩnh Long bị giảm sút. Ở vùng địch chiếm, số gạo xuất khẩu chỉ còn bằng 10% so với trước. Ở vùng tự do (vùng nông thôn giải phóng), sản xuất phát triển, nông sản thực phẩm dồi dào, quá dư thừa so với nhu cầu tại chỗ nhưng do chủ trương “lấy kinh tế nông thôn bao vây thành thị’, sản phẩm làm ra chỉ được tiêu thụ tại chỗ đã dẫn đến nông sản thực phẩm thừa ế, trong khi các mặt hàng khác, nhất là hàng công nghiệp thiếu trầm trọng. Chủ trương này vào thời kỳ đầu có đem lại một số kết quả nhất định : giải quyết được cái ăn cái mặc trong nhân dân, phục hồi được nền sản xuất mà trong những năm 1940 – 1945 bị sa sút nghiêm trọng, hoạt động thương mại có phát triển. Từ năm 1946 – 1949, ở các vùng tự do của các huyện Tam Bình, Trà Ôn, Vũng Liêm… phong trào tăng gia sản xuất được đẩy mạnh, nhà nhà đều có liếp rau, ao cá để tự cung tự cấp. Ngoài vịt, heo, trâu bò, đánh bắt thủy sản, nuôi các loại cá nước ngọt, người nông dân đã tận dụng các mặt bằng ao, mương, đìa lớn để nuôi cá, cải thiện bữa ăn.

Ngoài chăn nuôi và trồng trọt, nhân dân còn phục hồi các cơ sở tiểu thủ công nghiệp, phục hồi các cơ sở dệt vải ta, các cơ sở rèn, xưởng đóng ghe xuồng, các lò đường, xưởng làm xà-phòng… Các cơ sở tiểu thủ công nghiệp này phát triển nhanh chóng và đều khắp ở các vùng nông thôn trong tỉnh.

Ngành chế biến thực phẩm ngày một phát triển. Dựa vào nguyên liệu tại chỗ, nhân dân đã chế biến ra các loại bột mỳ, bột khoai, bột bắp, bột đậu xanh, đậu nành… các sản phẩm chế biến từ gạo ra bún, bánh đa, bánh tráng, hủ tiếu… Sản phẩm làm ra rất phong phú, đa dạng, đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ trong nhân dân.

Sản xuất phát triển, việc trao đổi hàng hóa cũng được đẩy mạnh. Từ các thôn xóm, phum sóc, đâu đâu cũng có cửa tiệm buôn bán tạp hóa, tiệm ăn, quán giải khát. Xã nào cũng có chợ búa, mua bán các mặt hàng lương thực – thực phẩm như trái cây, rau cải, heo, gà vịt, tôm cá… phục vụ bữa ăn và nhu cầu thiết yếu của nhân dân tại chỗ. Có những chợ, việc mua bán trở nên tấp nập : chợ Tam Bình (xã Tường Lộc), chợ Hàng Me (Hựu Thành), chợ Thầy Phó (Trà Ôn)… được nhân dân gọi là chợ Sài Gòn mới.

Nhưng càng về sau, nền kinh tế tự cung tự cấp đã không còn phát huy tác dụng, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp có giới hạn, nhà nhà có thể tự túc được mà sản phẩm làm ra quá dư thừa so với nhu cầu tại chỗ, trở nên thừa ế, giá cả rẻ không đủ bù đắp lại công sức do nhân dân bỏ ra, không kích thích được nông dân sản xuất, nên sản xuất bị sa sút, hoạt động thương nghiệp bị đình trệ.

TS Trần Thị Mỹ Hạnh – Theo sách Tìm hiểu Văn hóa Vĩnh Long

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *