2/ Thời kỳ 1919 – 1945
Sau Chiến tranh Thế giới thứ I (1914 – 1918), Albert Sarraut – Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp (nguyên Toàn quyền Đông Dương hai nhiệm kỳ) đã viết một cuốn sách dày để trình bày tỷ mỷ chương trình khai thác, bóc lột các thuộc địa. Albert Sarraut hô hào : “Nghị lực, tư bản, ý chí, những cánh tay, những khối óc, tất cả những lực lượng tích cực này đều phải mạnh dạn hướng vào các thuộc địa của chúng ta để hoàn tất việc khai thác theo một kế hoạch có phương pháp và chính xác… ”.
Thực hiện ý đồ trên đây, trong những năm 20, nhất là từ những năm 1924, tư bản Pháp đã đầu tư vào Đông Dương, chủ yếu là Việt Nam với tốc độ và quy mô lớn gấp nhiều lần so với thời trước chiến tranh. Từ 1888 đến 1918, tổng số vốn đầu tư của cả nhà nước và tư nhân Pháp vào Đông Dương mới có gần 1.000 triệu franc, trong đó tư nhân có 492 triệu franc. Thế mà chỉ trong vòng 7 năm (1924 – 1930), riêng tư bản tư nhân Pháp đã đem qua Việt Nam khoảng 3 – 4 tỷ franc (8).
Với số vốn đầu tư tăng lên, hàng loạt doanh nghiệp lập ra từ trước Chiến tranh Thế giới thứ I đã mở rộng đáng kể các hoạt động kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp mới cũng thi nhau mọc lên.
Ở Vĩnh Long, trước 1918, hầu như các xí nghiệp tiểu thủ công nghiệp đều do người Hoa làm chủ, “toàn bộ thương mại ở trong tay người Hoa và nền thương mại cốt mua đi bán lại lúa gạo trước hết. Người Việt thì ưa thích làm tiểu thương và buôn bán lẻ và bán rong rau trái” (Chuyên khảo về tỉnh Vĩnh Long, Sài Gòn, nhà in thương mại M. Rey, 1911, trang 14). Thời kỳ sau Chiến tranh Thế giới thứ I (1914 – 1918) đến trước cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới (1929 – 1933), lực lượng thương nhân người Việt phát triển khá mạnh. Hàng hóa được hệ thống buôn bán của người Việt chuyển đi khắp nơi trong tỉnh và trong nước. Qua quá trình tích lũy vốn trong thương nghiệp, một số tư sản thương nghiệp người Việt đã chuyển sang đầu tư vào công nghiệp, GTVT. Tiêu biểu có các nhà tư sản : Bộ Tòng ở Trà Ôn đã khởi xướng phong trào “tranh thương” (còn gọi là phong trào “Vĩnh Thuận”, “Vĩnh Bảo”), huy động vốn của một số người, tiến hành đóng tàu thủy chở khách trên sông nhưng đã bị tan rã vì không cạnh tranh nổi với tư sản Pháp… Một số trường hợp khác tuy không bị phá sản nhưng phải hoạt động cầm chừng như sở Trường Tiền, xí nghiệp sửa chữa ô-tô của Tô Hiến Đức (1920)… Trong bối cảnh đó nổi lên hàng đầu là nhà tư sản Nguyễn Thành Điểm, một người biết kinh doanh, giỏi sản xuất, lại khéo quan hệ với các nhà tư sản Pháp, Trung Quốc… trở thành xí nghiệp ô-tô vận tải, làm quản lý cho các hội thương cuộc lớn tại Vĩnh Long và làm đại biểu cho các nhà buôn bên Pháp. Năm 1920, ông sáng lập hãng xe hơi chuyên chở thư tín chính phủ và đưa các hành khách đi từ Sài Gòn, Chợ Lớn, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Trà Vinh, có trên 40 xe ô-tô, có xí nghiệp sửa chữa cơ khí, vốn lên đến 120.000 đồng Đông Dương, thuê đến 20 tài xế, chưa kể lơ xe.
Đồ sứ châu Âu |
Hệ thống giao thống vận tải ở Vĩnh Long vào thời kỳ này được mở rộng từ tỉnh, huyện, xã với các tỉnh trong khu vực và với thành phố Sài Gòn, góp phần đưa thương nghiệp Vĩnh Long phát triển hơn những năm trước, hàng hóa được trao đổi mua bán phong phú đủ các mặt hàng. Ngoài các mặt hàng mang tính chất truyền thống như sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của địa phương và của các tỉnh Nam bộ được bày bán trước đây còn có những mặt hàng từ miền Bắc, miền Trung đưa vào, phổ biến là giày dép, đồ đồng, nón, tơ lụa… các mặt hàng từ nước ngoài nhập vào như dụng cụ thờ cúng, chén, đĩa, thực phẩm, tơ lụa… của Trung Quốc; vải và các loại gia vị của Ấn Độ; lụa, chén đĩa của Nhật… các đồ dùng sinh hoạt, các loại rượu và thực phẩm của Pháp… (9). Cư dân Vĩnh Long vào thời kỳ này được giao lưu tiếp xúc với khoa học kỹ thuật, với phương thức sản xuất của các nước phương Tây nên trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm có nâng lên theo nhu cầu của thị trường và thị hiếu của người mua. Từ những nguyên liệu thô sơ, cư dân đã chế biến ra những sản phẩm tinh xảo hơn. Trong ăn – ở, sinh hoạt, cư dân chọn mua những loại thức ăn ngon, bổ. Nhà ở không những manh tính chất che mưa, che nắng, mà đã chú ý đến độ bền và cách trang trí tiểu thủ công nghiệp được tượng trưng chính bởi các thợ rèn và thợ bạc. Đồ vật từ các lò của họ tuy không tuyệt mỹ như các đồ trang sức ở Sa Đéc, nhưng cũng rất được ưa chuộng (Chuyên khảo về Vĩnh Long, Sách đã dẫn).
Trong phương tiện đo lường và thanh toán cũng có sự cải tiến. Trước đây ít khi tìm thấy cái cân, cái thước để định sản vật trao đổi, đôi khi chỉ tìm thấy cái cân ta ở gánh hàng thuốc Bắc, thuốc Nam hay cây thước một ở nơi bán vải các chợ. Lúa gạo đem bán theo thùng, thúng. Các loại củ bán theo mớ, theo gánh. Rau, tôm, cua, cá bán thành từng mớ. Cá lớn, gà, vịt, miếng thịt heo, thịt bò bán theo ước lượng, bằng mắt nhìn… Vào thời kỳ này, phương tiện đo lường bằng cái cân, cái thước được dùng phổ biến hơn.
Trên thị trường, việc trao đổi mua bán các sản vật, hàng hóa hầu hết đều thông qua bằng tiền tệ : tiền giấy, tiền bạc, tiền đồng các loại cùng lưu hành.
Sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1930, với những ảnh hưởng lâu đời và nhiều mặt của nó, nền kinh tế lúa gạo ở Nam bộ nói chung, Vĩnh Long nói riêng bị suy sụp một cách trầm trọng. Do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, giá gạo xuất khẩu của Nam kỳ bị giảm sút. Nếu như năm 1928, mỗi tạ gạo giá 10,80 đồng, năm 1930 sụt xuống còn 6,72 đồng, đến năm 1932 chỉ còn 4,25 đồng, nông dân Nam kỳ nói chung, Vĩnh Long nói riêng không tích cực sản xuất, diện tích canh tác và sản lượng giảm sút. Số gạo xuất khẩu ở Vĩnh Long giảm dần theo mỗi năm. Đầu năm 1943 – 1945, hầu như Vĩnh Long không còn nguồn lúa gạo để xuất khẩu, một mặt do diện tích canh tác và sản lượng giảm, mặt khác, số lúa gạo do nông dân sản xuất ra bị thu gom chở về Sài Gòn, Chợ Lớn, phục vụ cho quân đội Nhật, phục vụ chiến tranh. Nông dân lâm vào cảnh thiếu ăn, thiếu mặc, hoạt động thương mại ở Vĩnh Long bị giảm sút nghiêm trọng. Người Pháp đã áp dụng nhiều biện pháp nhằm cứu vãn tình trạng này. Song giai đoạn 1930 – 1945 bắt đầu với những khủng hoảng kinh tế, chính trị và xã hội đã chấm dứt với sự sụp đổ của chế độ thực dân bằng cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945.
TS Trần Thị Mỹ Hạnh – Theo sách Tìm hiểu Văn hóa Vĩnh Long
————————————
(8) Viện KHXH Việt Nam – Viện Sử học, Nông dân và Nông thôn Việt Nam thời cận đại, NXB KHXH, 1990, tr.10
(9) Republique Franearie Liberté… gonvernement de la cochine pendant la peride 1927 – 1928