Bên cạnh cây lúa, nông dân Vĩnh Long còn trồng nhiều loại nông sản khác từ loại đa niên đến loại nông sản ngắn ngày như khoai, đậu hoặc những loại nông sản cung ứng cho hoạt động thủ công nghiệp như bông vải, dâu nuôi tằm… Ở đây đã hình thành một khu vườn cây ăn trái quan trọng. Trong số các loại cây ăn trái được trồng ở Vĩnh Long vào nửa đầu thế kỷ XIX, cũng giống như trước kia, cau là loại nông sản quan trọng nhất. Theo những ghi chép của Gia Định thành thông chívà Đại Nam nhất thống chí, vùng trồng cau rất nhiều và nổi tiếng ở Nam bộ là Mỹ Lồng (Vĩnh Long), Cái Bè (Định Tường).
Việc trồng cau phát triển như thế là do việc buôn bán hột cau thúc đẩy. Nông dân trồng cau lấy hột đem bán cho các thương gia người Hoa.
Ngoài cau còn có rất nhiều loại cây ăn trái khác được trồng ở Vĩnh Long : cam, chuối, quýt, bưởi, chanh, long nhãn, mãng cầu, mận, dừa, măng cụt… Mỗi loại lại có những giống khác nhau như : cam có nhiều thứ khác nhau và màu sắc, hương vị, trái lớn – nhỏ. Cam trồng ở Vĩnh Long, Nam bộ được các thương gia mang bán tận Singapore. Crawfurd – một thương gia người Pháp – cho biết, cam trồng ở Nam bộ trái lớn, hương vị tuyệt hảo, vượt xa loại cam mang từ Trung Hoa đến vào cùng mùa (Crawfurd journal of an Embassy from governor general of India to the cousis of Siam and Cochinchina, 2d, e d London, 1830, Vol II, p.260).
Bên cạnh những vườn cây ăn trái, một phần diện tích khai phá được nông dân trồng các loại cây hoa màu như các loại cây dùng làm nguyên liệu cho các ngành thủ công nghiệp. Trong số các loại cây dùng làm nguyên liệu thủ công nghiệp, bông vải là loại được trồng nhiều nhất vì nó cung ứng cho nhu cầu sản xuất vải may mặc cho đa số nhân dân trong tỉnh.
Diện tích trồng cây ăn trái chiếm 34% diện tích canh tác, cơ cấu trồng trọt được xác định thành hai loại hình “canh điền” (canh tác ruộng lúa) và “canh viên” (canh tác vườn cây). Với diện tích cây ăn trái và hoa màu được mở rộng, cơ cấu cây trồng đa dạng, nông dân đã bố trí nông lịch canh tác suốt năm, thích hợp theo từng loại cây… Sản phẩm trong nông nghiệp do nông dân tạo ra vô cùng phong phú, không những đáp ứng được nhu cầu tại chỗ, mà còn dư thừa đem bán khắp nơi trong nước, đôi khi xuất sang cả nước ngoài.
Trên cơ sở một nền nông nghiệp trồng lúa, cây ăn trái, hoa màu phát triển khá toàn diện, trong xã hội bắt đầu xuất hiện sự phân công lao động, đưa tới sự ra đời của nhiều ngành nghề thủ công như mộc, rèn, dệt, đóng ghe thuyền, làm gạch ngói, làm đồ sắt… Đã xuất hiện một số ngành thủ công chuyên nghiệp, tách khỏi nông nghiệp tuy ít nhiều vẫn còn giữ tính chất thủ công nghiệp gia đình. Ở khu dân cư nào cũng có các hoạt động đan lát, dệt chiếu, rèn… Một số địa phương lại phát triển nghề quay tơ, kéo sợi, dệt vải. Tại khu vực Tầm Bào thuộc trấn Vĩnh Thanh (nay là Phường 4 và Phường 2 – TPVL), trong hoạt động sản xuất tiểu thủ công nghiệp đã bắt đầu xuất hiện những cụm sản xuất theo hướng chuyên môn hóa, tạo nên những điểm dân cư mang tên gọi nghề nghiệp như Xóm Lò Rèn, Xóm Bún, Xóm Chài… Những hoạt động sản xuất tiểu thủ công nghiệp nêu trên đã đáp ứng ngày một nhiều về công cụ sản xuất và đồ dùng sinh hoạt của cư dân.
Tháng 4/1866, triều đình cho tuyển 20 người của hai tỉnh Vĩnh Long, An Giang (tuyển trong số các thuộc viên, học trò, thợ nhanh nhẹn, tháo vát và khéo tay) để đưa đến Gia Định cho học các nghề như : đúc luyện sắt, đúc súng lớn, chế tạo đạn, lựu đạn, đóng tàu thủy, làm đồng hồ, làm giấy đồng và một số loại máy móc khác. Học viên được cấp phát quần áo và lương thực. Thuê người Pháp hướng dẫn, lương bổng do tỉnh Vĩnh Long đài thọ (6).
Nét đặc biệt nhất của tổ chức kinh tế thủ công tại Vĩnh Long là có tính chất gia đình công nghệ. Mỗi công nghệ gần như không có một công xưởng riêng biệt, mà chính nơi cư ngụ gia đình là một xưởng làm việc, vợ chồng con cái là các thợ của xưởng. Tất cả mọi người trong gia đình hầu như đều tham gia vào công việc. Sự phân công được thích hợp hóa với công việc tùy theo tuổi tác, sức lực và khả năng của mỗi người trong gia đình.
Các nghề thủ công không đòi hỏi nhiều vốn, mà chỉ cần sự khéo léo chân tay hay kinh nghiệm của người thợ, vật liệu được dùng vốn sẵn có tại địa phương như tre, lác… Bông tự trồng lấy, tơ tự kéo lấy và rất ít khi mua vật liệu từ bên ngoài. Dung cụ sản xuất rất thô sơ và hầu như chỉ dựa vào sức người. Một số thợ thủ công gần như không có dụng cụ gì đặc biệt, vài con dao và hai bàn tay. Đó là trường hợp những người thợ thủ công đan lát, đan rổ, rá, thúng… Do đó, sản phẩm làm ra còn thô sơ, chỉ đáp ứng nhu cầu của địa phương và trong khu vực. Sản phẩm họ làm ra đều trở thành hàng hóa, được đem đến chợ làng hoặc các chợ tổng, các chợ trong khu vực bán.
Đồng thời với việc phát triển sản xuất nông nghiệp, hoạt động thương mại ở Vĩnh Long vào thời kỳ này tiếp tục phát triển hơn trước. Việc mua bán các nông sản, thủy sản, các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp trong nội vùng ngày một trở nên tấp nập. Điều này được phản ánh trong việc thu thuế của triều Nguyễn. Dưới triều vua Minh Mạng, ba sở thuế của Vĩnh Long được đặt tại Long Hồ, Thiện Mỹ và Hàm Long, trong đó, sở thuế Long Hồ (thuộc vùng đất của Vĩnh Long ngày nay) thu được số thuế cao nhất so với các sở thuế khác trong khu vực, chỉ đứng sau Gia Định. Ngay từ năm 1831, cơ sở thu thuế của Vĩnh Long nói trên đã thu được 9.300 quan, trong đó, sở thuế Long Hồ thu được 4.900 quan, sở thuế Thiện Mỹ (nay thuộc Trà Ôn) thu 2.500 quan, sở thuế Hàm Long thu 1.900 quan.
TS Trần Thị Mỹ Hạnh – Theo sách Tìm hiểu Văn hóa Vĩnh Long
————————————
(6) Dương Kinh Quốc, Việt Nam những sự kiện lịch sử 1858 – 1945, tập I, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.90