II. GIAI ĐOẠN 1802 – 1867
Năm 1802, Nguyễn Ánh đánh bại vương triều Tây Sơn, lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu là Gia Long, khôi phục lại quyền thống trị của họ Nguyễn. Vĩnh Long bước vào quỹ đạo chung của toàn quốc, chịu ảnh hưởng của những biến động trên toàn quốc một cách trực tiếp và nhanh chóng, đồng thời có điều kiện để giao lưu với các địa phương trên toàn quốc một cách tích cực và toàn diện hơn.
Vào thời kỳ này, vua Gia Long vẫn tiếp tục chính sách phát triển kinh tế đã thực hiện cuối thế kỷ XVIII : khuyến khích khẩn hoang, tăng cường phát triển nông nghiệp. Việc khẩn hoang, lập đồn điền được đẩy mạnh : châu Định Viễn – một nơi được chọn làm trọng điểm thiết lập đồn điền trên lãnh thổ Gia Định thành. Trong những đồn điền này, dân vừa là nông dân, vừa là binh lính theo phương châm “Động vi binh, tĩnh vi dân”.
Kết quả của việc khai hoang lập ấp và việc tăng dân số tự nhiên tại chỗ làm cho dân số ở trấn Vĩnh Thanh tăng nhanh. Vào năm 1819, số dân đinh của trấn Vĩnh Thanh cao nhất trong tất cả các trấn của Gia Định thành (37.000 dân đinh trong tổng số 97.100 dân đinh của 5 trấn, chiếm tỷ lệ 38,1%). Cộng đồng dân cư của trấn Vĩnh Thanh lúc này chủ yếu vẫn gồm 4 dân tộc : người Việt, Khmer, Hoa, Chăm.
Vua Gia Long từ trần, Minh Mạng nối ngôi vẫn tiếp tục chính sách khẩn hoang, phát triển kinh tế vùng đất phía Nam, đặc biệt chú trọng phát triển kinh tế đồn điền. Trấn Vĩnh Thanh là nơi được chọn làm trọng điểm xây dựng đồn điền từ thời Gia Long. Năm 1822, trở thành nơi có nhiều trang trại và dân đồn điền nhất trong toàn Nam bộ : 142/247 trại và 6.174/9.703 dân đồn điền, chiếm 64%. Chủ trương phát triển khẩn hoang, lập đồn điền vẫn được chú trọng trong những năm sau với các chỉ dụ năm 1833, 1835, 1837 của vua Minh Mạng. Chỉ dụ 1837 ghi rõ : “Nếu người đi khẩn hoang thiếu trâu cày, điền khí và lúa giống thì các quan phải cấp phát” (Quốc sử quán triều Nguyễn, Minh Mạng chính yếu, Sài Gòn 1974, tập 3, tr.76).
Kết quả là diện tích canh tác ở Vĩnh Long không ngừng được mở rộng. Vào thời Minh Mạng, kết quả đạc điền cho thấy ba tỉnh khai phá đất hoang được nhiều thành tích nhất là Gia Định, Định Tường và Vĩnh Long. Theo Đại Nam nhất thống chí thì tổng diện tích khẩn hoang ở Nam kỳ lục tỉnh vào thời kỳ này là 568.840 mẫu, Vĩnh Long có 139.936 mẫu, chiếm 24%. Sản lượng lúa của Vĩnh Long ngày một dồi dào, góp phần quan trọng vào kho dự trữ của Nhà nước : Vào năm 1836, Vĩnh Long đã chở ra kho dự trữ của Nhà nước ở Bình Thuận hai vạn phương gạo.
Chính sách khẩn hoang lập ấp cũng được đẩy mạnh dưới thời vua Tự Đức. Nổi bật nhất trong những năm đầu triều Tự Đức là chính sách khẩn hoang, lập đồn điền với quy mô lớn do Kinh lược đại sứ Nam kỳ Nguyễn Tri Phương đề xuất và được tổ chức thực hiện từ năm 1853.
Chính sách khẩn hoang từ 1853 có thêm nhiều biện pháp tích cực. Khuyến khích người dân đi lập đồn điền, Nhà nước ứng trước công cụ, thóc giống, miễn thuế đinh và thuế điền trong thời gian từ 5 – 10 năm và dễ dãi trong các thủ tục khác.
Theo báo cáo của Nguyễn Tri Phương thì kết quả sau một năm thực hiện chính sách khẩn hoang, lập đồn điền, vào năm 1854, Nam kỳ lập được 21 cơ, trong đó, tỉnh Vĩnh Long lập được 7 cơ (chiếm 33%). Từ năm 1853 – 1857, Vĩnh Long đã khai phá được 78.245 héc-ta.
Thành tựu khai hoang lập ấp làm cho diện tích canh tác không ngừng được mở rộng. Vào thời kỳ này, trên đất Vĩnh Long, lúa vẫn là cây trồng chủ yếu trong sản xuất nông nghiệp (với 57.237 héc-ta, chiếm tỷ lệ 34%), cơ cấu trong trồng trọt được xác định thành hai loại hình “canh điền” và “canh viên”.
Canh tác lúa thời kỳ này vẫn là quảng canh một vụ, song do đất đai màu mỡ và diện tích canh tác không ngừng được mở rộng nên sản lượng lúa gạo ngày một cao. Mặc dù cư dân ngày một đông đúc mà Vĩnh Long luôn dư thừa lúa gạo. Tháng 4 năm Đinh Tỵ (1857), Trương Đăng Quế, Nguyễn Tri Phương, Phan Thanh Giản, Tôn Thất Cáp, khi tâu với triều đình về công việc Nam kỳ có nêu : Tỉnh Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long, lúa gạo nhiều mà các tỉnh Nam kỳ kho tàng chứa ít gạo lắm, xin thuê thuyền buồm vận chở gạo Nam kỳ ra, trữ cho đủ dùng (Quốc sử quán triều Nguyễn, Chính biên toát yếu, Sđd, tr.304).
TS Trần Thị Mỹ Hạnh – Theo sách Tìm hiểu Văn hóa Vĩnh Long