Vừa đôn đốc sản xuất, Nguyễn Ánh vừa chú trọng phát triển và kiểm soát thương mại, đặc biệt là ngoại thương. Lúa gạo được xem là một trong những đặc sản, hàng quốc cấm. Nguyễn Ánh dùng những đặc sản làm món hàng trao đổi với nước ngoài để lấy vũ khí và đồ dùng quân sự.

Những thương thuyền ngoại quốc đến buôn bán không được lén lút chở những đặc sản. Được coi là tội phạm những ai thông đồng buôn bán riêng tư, người kiểm soát việc buôn bán lơi lỏng nhiệm vụ, kẻ chứa chấp tội phạm đều bị xử. Người thông đồng buôn bán riêng tư thì phải tội một roi, bị tịch thu tài sản và phải đi phu 3 năm. Người làm nhiệm vụ kiểm soát việc buôn bán mà đồng lõa hoặc để kẻ gian lọt khỏi thì cũng phải chịu tội như vậy. Người chứa chấp phải nộp 40 quan tiền. Người nào theo dõi, phát giác thì được lĩnh thưởng 300 quan tiền và miễn một năm sưu dịch.

Trên cơ sở một nền nông nghiệp đã khá phát triển và ở một mức độ nhất định đã mang tính chất sản xuất hàng hóa cùng với chính sách vừa khuyến khích vừa cưỡng bức và chỉ huy của vương triều Nguyễn Ánh trong phát triển nông nghiệp và thương mại đã đẩy nền kinh tế của địa phương phát triển lên đỉnh cao.

Thị trường ở Vĩnh Trấn ngày một phong phú, chợ búa khởi sắc : chợ Long Hồ (được thành lập từ năm 1732 ở ven sông, đến nay khá sầm uất. Chợ trải dài đến 5 dặm, ghe thuyền khách hàng đậu đầy bến… ). Ngoài ra còn nhiều chợ khác đông đúc như chợ Bình Sơn, Tân Mỹ Đông, An Ninh, Thới Khánh, Tân Định… (thuộc huyện Vĩnh Bình).

Ở hầu hết các chợ này, nơi nào cũng đầy ắp các mặt hàng nông – thủy sản tươi sống mang tính đặc sản của địa phương : gạo, bắp, khoai, cau các loại, tôm cá, cua sò ốc, gia cầm… mùa nào thức nấy, chủng loại và số lượng tùy thuộc vào thời vụ. Phần lớn là những người trực tiếp sản xuất đem bán. Sau vụ thu hoạch, họ đem thóc lúa, hoa màu ra chợ bán để có tiền đóng thuế, trang trải nợ nần và để mua sắm những đồ dùng sinh hoạt trong gia đình. Bên cạnh những mặt hàng nông sản của địa phương, chợ nào cũng có ít nhiều mặt hàng thủ công, hàng công nghiệp và lâm thổ sản do khách buôn nơi xa mang đến. Do đặc điểm mạng lưới sông ngòi, kênh rạch chằng chịt là những tuyến giao thông rất thuận lợi cho sự chuyên chở hàng hóa nặng, cồng kềnh, hầu hết những chợ Vĩnh Trấn đều nằm cặp ven sông, rất thuận tiện cho thuyền bè đưa hàng hóa và khách buôn từ nơi khác tới.

Những mặt hàng nông sản thực phẩm do cư dân sản xuất ra, đặc biệt là lúa gạo, không những được trao đổi mua bán ở địa phương, trong khu vực, mà còn được chở ra bán ở Thuận Quảng và mua những đặc sản của Thuận Quảng vào bán cho cư dân Vĩnh Trấn.

TS Trần Thị Mỹ Hạnh – Theo sách Tìm hiểu Văn hóa Vĩnh Long

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *