2/ Thời kỳ 1771 – 1801
Năm Canh Dần 1770, Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát chết, mở đầu sự chuyên quyền của Trương Phúc Loan và báo hiệu sự khủng hoảng của chính quyền Đàng trong với tập đoàn thống trị lên đến đỉnh cao vào năm 1771 là nguyên nhân đưa đến cuộc khởi nghĩa Tây Sơn.
Từ năm Giáp Ngọ 1774, dinh Long Hồ bị cuốn hút ngày một mạnh mẽ vào cuộc chiến tranh khốc liệt giữa Nguyễn Ánh và Tây Sơn. Từ năm 1776 đến năm 1787, vùng đất Long Hồ dinh khi thì dưới quyền kiểm soát của Nguyễn Ánh, lúc thuộc quyền kiểm soát của Tây Sơn. Và cuộc chiến giữa Nguyễn Ánh với quân Tây Sơn trên đất Long Hồ được chấm dứt vào tháng 4/1788 với cuộc thất bại của quân Tây Sơn trong trận quyết chiến cuối cùng của Tây Sơn ở Bãi Tiên ven cù lao An Bình (nay thuộc xã An Bình, huyện Long Hồ).
Cuộc chiến tranh giữa quân Tây Sơn và Nguyễn Ánh trong những năm 70 và 80 của thế kỷ XVIII đã tác động không nhỏ đến các hoạt động kinh tế – xã hội, văn hóa của vùng đất Long Hồ – Vĩnh Trấn. Trong hoàn cảnh chiến tranh, hoạt động kinh tế của Long Hồ – Vĩnh Trấn không thể không tránh khỏi những khó khăn : sản xuất bị gián đoạn, thu hoạch bị thất thoát, hoạt động thương mại bị đình trệ, người dân phải đóng thuế ngày một nhiều để đáp ứng nhu cầu cho quân đội chiến đấu (lao dịch, quân dịch… ). Trong những năm 70 của thế kỷ XVIII, châu Định Viễn có 7.000 dân đinh, ruộng hơn 7.000 thửa, phải nộp thóc thuế 6.114 hộc. Quân binh gồm tinh binh và tam binh. Quân tinh binh có 1.000 người (20 thuyền, mỗi thuyền 50 người), tam binh có khoảng 1.200 người (30 thuyền, mỗi thuyền khoảng 40 người) (Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, sách đã dẫn).
Nếu như vào năm Tân Mão 1771, dinh Long Hồ đã chứa đựng những tiềm năng trở thành một đô thị có tầm cỡ xứng đáng với vai trò là một thủ phủ của vùng lãnh thổ phía Nam sông Tiền và miền Tây sông Hậu thì cuộc chiến tranh giữa Nguyễn Ánh và Tây Sơn đã làm thui chột những tiềm năng, khả năng, làm phai nhạt dần những sắc thái nói trên.
Trong bối cảnh vừa mới tạm ngừng cuộc chiến trên vùng đất Gia Định, thù trong giặc ngoài còn nhiều, Nguyễn Ánh tập trung ngay vào việc ra sức củng cố lực lượng, xây dựng quân đội sẵn sàng ứng chiến.
Thời điểm này, giá lúa cao, dân còn đói, lại phải cần lương thực cho quân đội… Nguyễn Ánh chú trọng phát triển sản xuất nông nghiệp theo phương châm “Dân chi trung dĩ nông vi sản”.
Tháng 6 năm Kỷ Dậu (1789), Nguyễn Ánh đặt chức “quan Điền trấn” đi các dinh Phiên Trấn, Trấn Biên, Vĩnh Trấn, Trấn Dinh, dốc sức dân chăm việc làm ruộng. Theo sổ đinh, kể từ hạng phủ đinh cho đến hạng cùng khổ đền khiến chăm làm ruộng, người nào không làm ruộng phải cấp làm phủ binh… Lại mộ dân ngoại tỉnh làm lính cày ruộng thuộc về quan Điền trấn, cấp ruộng hoang cho dân cày. Thiếu ngựa canh, điền khí thì quan cho mượn tiền mua, chờ khi có lúa nộp trở lại (4).
Tháng 10 năm Canh Tuất (1790), Nguyễn Ánh cho lập Sở đồn điền, mỗi năm một người nộp 6 hộc lúa, dân có ai mộ được 10 người trở lên cho làm quản trại (Sử quán triều Nguyễn, Quốc triều chính biên toát yếu, Sđd, tr.23).
Để khuyến khích việc này, Nguyễn Ánh còn có chính sách : Hễ ai mộ được dân ngoài sổ bộ thành lập các đồn điền tốt, điền tuấn, quan sẽ cấp ruộng hoang cho.
Và nhằm để phát huy những kinh nghiệm, phát triển khẩn hoang những vùng đất trũng, phát triển ruộng nước, đáp ứng nhu cầu tăng cường sản xuất phát triển cây lương thực ở vùng Long Hồ, Vĩnh Trấn, Nguyễn Ánh có những quy định cụ thể khuyến khích người Việt nỗ lực hơn nữa trong sản xuất nông nghiệp, phát triển đồn điền. Cư dân ở Vĩnh Trấn lúc bấy giờ có người Việt, người Hoa và người Khmer. Trong khi mỗi người Việt một năm nộp 6 hộc thóc thì mỗi người Hoa 8 hộc, người Khmer nộp 15 hộc.
Với những chính sách nêu trên, đến những năm cuối thế kỷ XVIII, sản xuất lương thực ở vùng này đã đạt được bước tiến quan trọng. Dân không còn bị đói, giá lúa ở thị trường hạ, nhà nước gặp dễ dàng trong việc thu mua lúa. Cuối năm 1789, nhà nước phát trước 10 quan tiền cho mỗi 100 cân, còn hẹn đến mùa theo giá chợ phát thêm, mà đến gần cuối năm 1796, nhà nước chỉ phát 9 quan cho mỗi 100 cân thôi (Đại Nam thực lục, quyển 4, trang 25-b, quyển 8, trang 29)
TS Trần Thị Mỹ Hạnh – Theo sách Tìm hiểu Văn hóa Vĩnh Long
————————————
(4) Sử quán triều Nguyễn, Quốc triều chính biên toát yếu, Nhóm nghiên cứu Sử – Địa Việt Nam xuất bản, Sài Gòn 1972, tr.22