Vào thời kỳ này, sản phẩm do cư dân Vĩnh Long sản xuất ra, đặc biệt là lúa gạo, cau, các loại cây ăn trái như cam, chuối, quýt, bưởi, dừa, măng cụt… không những được tiêu thụ ở thị trường nội địa, mà còn được thương nhân mang bán tận Singapore, Trung Hoa, Malaysia và vùng biên giới Việt – Miên. Thương nhân đến Vĩnh Long mua các sản phẩm nói trên chở đến Sài Gòn, từ đó, các thuyền buôn lớn chở đi nước ngoài bán và chở các mặt hàng cao cấp của nước ngoài về Vĩnh Long như các loại vải lụa, đồ sành sứ, các loại thuốc, dược liệu… Theo Crawford (thương nhân người Pháp) kể lại trong nhật ký của mình thì chỉ riêng năm 1822, có hơn 30 chiếc thuyền buôn từ Sài Gòn đi Trung Quốc với trọng tải 6.500 tấn, từ Hội An đi 16 chiếc, trọng tải 3.000 tấn. Từ năm 1824, hàng năm có khoảng 26 ghe buồm Việt Nam đi buôn bán với Singapore. Riêng trong khu vực nhà nước, từ năm 1835 – 1840 có 21 chiếc thuyền được cử đến các nước Đông Nam Á buôn bán. Tuy nhiên, chính sách chuyên chế của triều đình nhà Nguyễn từ năm 1832 trở đi đã kềm hãm sức đi lên của vùng đất Đồng Nai – Gia Định. Nhiều cuộc nổi dậy chống lại triều đình nổ ra, cư dân ở Vĩnh Long đã tích cực hưởng ứng và trực tiếp tham gia. Điển hình là vào năm 1833, khi Lê Văn Khôi khởi binh ở Gia Định và đến tháng 6/1833 tiến quân xuống Định Tường – Vĩnh Long đã được đông đảo nông dân và người buôn bán tham gia. Trong số những người buôn bán tham gia khởi nghĩa, đa số là người Hoa, do Mạch Kiếm Gia (người Minh Hương) cầm đầu. Sau đó, cuộc khởi nghĩa của Lê Văn Khôi bị thất bại. Một số người tham gia khởi nghĩa bị giết, bị lưu đày, trong đó có nhiều người Hoa đã làm hạn chế phần nào đến hoạt động thương mại ở Vĩnh Long. Tuy nhiên, vào thời kỳ này, do diện tích canh tác ngày càng mở rộng, sản xuất phát triển, sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp do cư dân sản xuất ra dồi dào phong phú, đa dạng, nền thương mại Vĩnh Long vẫn phát triển, nhiều tụ điểm mua bán, chợ được mở ra. Theo Đại Nam nhất thống chí ghi lại, vào giữa thế kỷ XIX, Vĩnh Long có 19 chợ trong tổng số 93 chợ lớn – nhỏ của Nam kỳ lục tỉnh, chiếm tỷ lệ 20,43%, riêng khu vực thuộc vùng đất Vĩnh Long ngày nay có 6 chợ. Chợ lớn nhất của Vĩnh Long lúc bất giờ vẫn là chợ Long Hồ. Đó là một trong những trung tâm buôn bán – trao đổi, trung tâm chuyển hàng hóa lớn nhất ở Nam bộ, các sạp sắp xếp ngăn nắp và có biển quảng cáo. Thương nhân người Hoa có vị trí quan trọng trong việc buôn bán ở chợ này. Với lợi thế bằng đường thủy, chợ Long Hồ không những tăng cường trao đổi buôn bán với các trấn khác trong vùng, mà còn trao đổi buôn bán với nước láng giềng Cao Miên.

Ngoài chợ Long Hồ là chợ trung tâm của khu vực còn có các chợ khác được mở ra và có hoạt động thương mại khá tấp nập như các chợ Bình Sơn, chợ Tân Mỹ Đông, chợ An Ninh, chợ Thới Khánh, chợ Tân Định…

Hoạt động của các chợ trong thời kỳ này được Nguyễn Huỳnh Đức ghi lại trong Đại Nam nhất thống chí như sau :

– Chợ Long Hồ ở địa phận thôn Long Phụng – huyện Vĩnh Bình được lập ra năm Nhâm Tý, đời vua Túc Tôn thứ 8, hai mặt giáp sông, phố xá liên tiếp, trăm món hàng tấp nập đủ cả, chạy dài đến 5 dặm, ghe thuyền đậu đầy bến sông. Có nhiều đình miếu thờ thần rực rỡ, đờn ca náo nhiệt, ấy là thị phố lớn trong trấn.    

– Chợ Bình Sơn ở thôn Bình Sơn – huyện Vĩnh Bình. Chợ quán trù mật, nhiều người tụ tập buôn bán.

– Chợ Tân Mỹ Đông, ở nơi bờ sông Mang Thít, địa phận thôn Tân Mỹ Đông thuộc huyện Vĩnh Bình, chợ quán trù mật, khi xưa có huyện sở Vĩnh Bình ở đó.

– Chợ An Ninh ở địa phận thôn An Ninh, chợ quán đông đúc, người Việt, người Tàu và người Miên tụ họp ở đấy.

– Chợ Thới Khánh ở thôn Thới Khánh thuộc huyện Vĩnh Trị.

Hoạt động của các chợ này không chỉ đơn thuần là hoạt động trao đổi buôn bán, mà còn có hoạt động của nhiều nghề nghiệp khác. Xung quanh chợ dần dà mọc lên những lò rèn, quán nước, nhà gởi hàng, nhà ngủ trọ cho khách buôn xa phải đến sớm về muộn.

Chợ tập hợp dân trong làng, dân trong vùng và cả những người nơi xa đến. Tin tức cũ mới, xa gần, dư luận trong xóm ngoài làng về người, về việc cứ theo phiên chợ lan tỏa. Các chợ này vừa là trung tâm thu hút người và hàng, là trung tâm kinh tế, đồng thời là một điểm văn hóa. Cư dân có thể đem đến chợ bán bất cứ loại hàng hóa gì mà mình có và có thể tìm thấy ở chợ các mặt hàng mình cần. Do đó, chợ đã góp phần điều tiết những bất hợp lý trong kinh tế và trong đời sống của gia đình cư dân. Họ đem bán đi những sản phẩm thừa hay những đồ vật chưa cần dùng để mua về những mặt hàng cần thiết phục vụ cuộc sống và sản xuất. Chợ đã trở thành nhu cầu thiết yếu của cư dân Vĩnh Long lúc bấy giờ.

Từ sau năm 1862, do tình hình chiến tranh loạn lạc, hoạt động buôn bán, trao đổi thương mại ở chợ Long Hồ không còn tấp nập như trước, hoạt động thương mại ở tỉnh Vĩnh Long nói chung bị giảm sút.

TS Trần Thị Mỹ Hạnh – Theo sách Tìm hiểu Văn hóa Vĩnh Long

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *