IV. MỘT VÀI GHI NHẬN VỀ ĐỊA DANH Ở VĨNH LONG

Địa danh ở Vĩnh Long rất đa dạng, phức tạp, bao gồm những địa danh gốc Khmer được Việt hóa, những địa danh do người Việt đặt và một số địa danh chưa rõ nguồn gốc. Việc nghiên cứu địa danh đòi hỏi nhiều thời gian, công sức. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ xin được đề cập đến một vài địa danh tiêu biểu (xét về mặt ngôn ngữ) mà những giải thích về nguồn gốc của chúng hãy còn là những giả thuyết.

Long Hồ : Với nhiều người, Long Hồ được hiểu là “hồ rồng”. Thật ra, ở huyện không có một cái hồ nào mang tên Long Hồ, mà chỉ có sông Long Hồ. Mặc dù chữ Hán ghi Long = rồng, hồ = hồ nước, nhưng có lẽ, Long Hồ không chỉ một “hồ nước” nào cả, mà chỉ là hình thức dùng chữ Hán để phiên âm một địa danh sẵn có, nhiều khả năng là địa danh Khmer (giống trường hợp “Cửu Long” được dùng để phiên âm từ krong [sông]. Về sau, cách hiểu “Cửu Long” là chín con rồng là cách hiểu phổ biến). Gheorgesn Maspero trong quyển “Ngữ pháp tiếng Khmer” (Grammaire de la langue Khmère, 1915) chú thích : Long Hồ là một địa danh gốc Khmer, là long hor. Ý nghĩa của từ này chưa rõ (Có người, như Lê Hương, giải thích từ long < bị chìm, hor < hôra – thầy bói. Long hor là “ông thầy bói bị chết đuối”. Cách giải thích này khá khiên cưỡng vì ngữ pháp tiếng Khmer không nói bị chìm – thầy bói).

Vũng Liêm : Tên huyện, trước 1872 thuộc phủ Vĩnh Trị, trước đây có tên là Vũng Linh, sau đổi thành Vũng Liêm.

Có nhiều cách giải thích khác nhau về nguồn gốc của địa danh này. Ở địa phương Vũng Liêm có một truyền thuyết về tên gọi Vũng Linh. Theo bà con địa phương thì ao nước trước UBND huyện bây giờ chính là Vũng Linh. Đó là nơi mà giặc Pháp đã tàn sát hàng trăm người Việt để trả thù cho tên quan ba Alix Salicetty bị nghĩa quân phục kích giết chết năm 1872. Do sự kiện này mà cái vũng nước đó có tên gọi là Vũng Linh, về sau đổi thành Vũng Liêm.

Chúng tôi nghĩ sự kiện Pháp tàn sát người Việt là có thật, nhưng hiểu vũng là ao nước là cách hiểu khiên cưỡng. Vũng có lẽ là phiên âm của compung (bến) trong tiếng Khmer. Sông Vàm Cỏ Tây còn có tên gọi là “Vũng Gù” (Compung Cu). Theo giải thích tương đối hợp lý của nhiều người, Vũng Liêm bắt nguồn từ compung rôlin (bến trơn) của tiếng Khmer. Chợ Vũng Liêm được người Khmer ở địa phương gọi là pơsa compung rôlin.

Một hiện tượng khá thú vị về địa danh ở Vĩnh Long (cũng là quy tắc đặt tên ở nhiều địa phương Nam bộ khác) là một số xã có tên Hán Việt. Âm Hán Việt này thực chất là cách phiên âm bằng chữ Hán địa danh trong tiếng Khmer. Chẳng hạn như ở huyện Vũng Liêm có :

 – xã Trung Ngãi : phiên âm từ chong sơnai (ngọn chuối)

 – xã Trà Khang : phiên âm từ suai kha (xoài mút)

Mang Thít : Tên huyện, còn được viết là Măng Thít. Đây là tên mà cả người Khmer cũng không giải thích được, dù là dưới hình thức khiên cưỡng nhất của từ nguyên học dân gian. Không có từ Khmer tương đương để dịch địa danh này. Điều này cho thấy, địa danh này có một nguồn gốc xa lạ, có lẽ từ một ngôn ngữ Malayo-Polynesian (Cần ghi nhận là ở cù lao Dài, xã Thanh Bình, Quới Thiện – Vũng Liêm trước đây có khu người Chà ở. Hiện có ba gia đình họ Chế đang sống ở ấp Thanh Khê). Chúng tôi liên hệ với tên huyện Mang Giang ở Gia Lai. Mang trong tiếng Giarai (một ngôn ngữ Malayo-Polynesian) có nhiều nghĩa như cửa, lỗ hổng…

Việc liên hệ với tiếng Malayo-Polynesian không phải là không có cơ sở nếu chúng ta biết miền Hậu Giang đã từng tồn tại một tiểu quốc tên là Chí Tôn. Cư dân của tiểu quốc này nói một thứ tiếng Malayo-Polynesian (Huyện Giá Rai ở Cà Mau có lẽ cũng là một địa danh Malayo-Polynesian. Giá Rai = Giarai = iahôrây = mặt trời = phía đông).    

TS Nguyễn Văn Huệ – Theo sách Tìm hiểu Văn hóa Vĩnh Long

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *