Vĩnh Long là một trong những tỉnh ở ĐBSCL có đông đồng bào Khmer sinh sống. Cũng như tại nhiều tỉnh khác trong vùng, người Khmer ở đây cư trú khá tập trung, đồng thời xen kẽ với người Kinh cùng chung sống trong một số xã – ấp. Vĩnh Long cũng là địa bàn cư trú lâu đời của họ mà tại một số nơi trong tỉnh vẫn còn giữ được những công trình kiến trúc tôn giáo cổ kính cũng như nhiều nơi vẫn mang địa danh theo tiếng Khmer. Những sinh hoạt văn hóa truyền thống của họ cũng góp phần tạo nên những nét văn hóa chung của người dân Vĩnh Long, vừa có tính đặc thù, vừa đồng nhất với đặc trưng văn hóa của các tỉnh ĐBSCL – địa bàn cư trú lâu đời của người Khmer ở nước ta (1).
Ở đây, họ có quan hệ tốt đẹp với người Kinh, người Hoa và đã cùng đoàn kết chống thực dân, đế quốc giành độc lập dân tộc.
I. DÂN SỐ VÀ SỰ PHÂN BỐ CƯ TRÚ CỦA NGƯỜI KHMER Ở VĨNH LONG
Theo số liệu của UBND tỉnh Vĩnh Long vào cuối năm 1997 thì tỉnh Vĩnh Long có 3.908 hộ người Khmer với 21.479 người, chiếm 2% dân số toàn tỉnh. Người Khmer ở Vĩnh Long cư trú chủ yếu tại các huyện Vũng Liêm, Tam Bình, Bình Minh và Trà Ôn.
Trong đó, huyện Trà Ôn chiếm 39,52% dân số Khmer trong tỉnh, huyện Bình Minh chiếm 24,14%, huyện Tam Bình chiếm 23,9% và huyện Vũng Liêm chiếm 12,44%. Họ cư trú tập trung trong một thị trấn và 10 xã tại 4 huyện kể trên. Ở huyện Vũng Liêm, người Khmer sinh sống tập trung tại thị trấn Vũng Liêm và các xã Trung Hiếu, Trung Thành. Tại huyện Tam Bình, họ tập trung ở xã Loan Mỹ; tại huyện Bình Minh ở các xã Thuận An, Đông Bình và Đông Thành; tại huyện Trà Ôn ở các xã Thiện Mỹ, Hựu Thành, Trà Côn và Tân Mỹ.
Về mức độ tập trung người Khmer so với dân số chung toàn xã tại các xã và thị trấn có người Khmer sinh sống, theo số liệu năm 1997 thì có 3 xã có dân số Khmer chiếm dưới 3%, 2 xã có trên 5%, 2 xã có từ 18 – 20%, 2 xã có trên 20% và 2 xã có tỷ lệ dân số Khmer cao nhất là xã Tân Mỹ – huyện Trà Ôn (38,45%) và xã Loan Mỹ – huyện Tam Bình (44,16%) (2).
Trong 10 xã và một thị trấn có người Khmer cư trú trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, người Khmer cư trú tập trung trong 27 ấp và tại Khu phố II thị trấn Vũng Liêm (huyện Vũng Liêm), trong đó có một ấp có dân số người Khmer chiếm dưới 10%, 5 ấp có dân số chiếm trên 10 – 20%, 4 ấp có dân số người Khmer chiếm trên 20 – 30%, 3 ấp có dân số người Khmer chiếm trên 40 – 50%, 4 ấp có tỷ lệ trên 50 – 70%, có 8 ấp có dân số người Khmer chiếm trên 70 – 98%, trong đó có 4 ấp có dân số người Khmer chiếm trên 90% (thuộc các xã Loan Mỹ – huyện Tam Bình và xã Đông Bình – huyện Bình Minh). Trong các xã kể trên có 3 xã được xác định là xã vùng sâu là Loan Mỹ (huyện Tam Bình), Trà Côn và Tân Mỹ (huyện Trà Ôn).
Như vậy, nếu lấy ấp và xã là những đơn vị hành chánh cấp cơ sở thì chúng ta có thể thấy rằng không có một đơn vị nào có cư dân hoàn toàn là người Khmer, mà đều có người Kinh, người Hoa cùng chung sống. Ở những khu vực tập trung người Khmer thì sự cư trú xen kẽ với người Kinh cũng là ưu thế. Chính trong bối cảnh đó, sự giao lưu văn hóa giữa người Khmer và người Kinh, người Hoa đã ngày càng mạnh mẽ.
Nếu căn cứ vào các đơn vị cư trú truyền thống của người Khmer là “phum” và khái niệm “phum” không chỉ bao gồm các thành viên trong những hộ gia đình có quan hệ truyền thống và quan hệ hôn nhân, mà đã mở rộng hơn, bao gồm cả quan hệ láng giềng thì ở địa bàn huyện Vũng Liêm có 5 phum, huyện Tam Bình có 9 phum, huyện Trà Ôn có 8 phum, huyện Bình Minh có 3 phum (3).
Trong toàn tỉnh Vĩnh Long có 25 phum của người Khmer. Mỗi phum đều có tên gọi riêng mà người Khmer lẫn người Việt vẫn thường sử dụng để xác định vị trí hay địa điểm. Một số trường hợp địa danh được giữ nguyên và gọi theo cách phát âm của người Khmer (mặc dù người Việt gọi có trại đi). Những tên gọi này đều có một ý nghĩa và trong một số trường hợp có liên quan đến địa danh của khu vực đó. Ví dụ ở xã Đông Bình – huyện Bình Minh có phum Ankuli 1 và phum Ankuli 2 thì ở đó người Việt gọi là Phù Ly, vốn xuất phát từ tên phum cũng đồng thời là địa danh “Ankuli”. Một số trường hợp khác, địa danh được gọi theo tiếng Việt, nhưng vốn dịch nghĩa từ địa danh tiếng Khmer. Ví dụ như tại xã Loan Mỹ (huyện Tam Bình) có phum Candal (phum Giữa) thì ở đó tên ấp được gọi là ấp Giữa… Có những trường hợp tương tự khác trong tên 25 phum của người Khmer trong tỉnh Vĩnh Long. Mặt khác, các địa danh này cũng được dùng để gọi tên các ngôi chùa Khmer mà không ít là những danh thắng trong vùng. Ranh giới giữa các phum đôi khi rõ ràng và cũng có khi đã bị xóa nhòa do quá trình phát triển dân cư giữa các phum lân cận với nhau.
TS Phan Văn Đốp – Theo sách Tìm hiểu Văn hóa Vĩnh Long
—————————
(1) Theo số liệu Tổng điều tra dân số ngày 1/4/1989, dân số người Khmer ở Việt Nam là 859.299 người, tập trung chủ yếu tại các tỉnh Sóc Trăng, Cửu Long (nay gồm tỉnh Trà Vinh và Vĩnh Long), An Giang, Kiên Giang…
(2) Theo số liệu Tổng điều tra dân số ngày 1/4/1999 thì tại xã Loan Mỹ – huyện Tam Bình có 1.039 hộ Khmer với 5.311 người, chiếm 44,31% dân số chung toàn xã.
(3) Trước đây, “phum” là một đơn vị cư trú, đồng thời là một tổ chức xã hội truyền thống của người Khmer mà ở đó, các thành viên của phum có hai quan hệ chính là “huyến thống” và hôn nhân, và đó là một “phum nhỏ”. Hiện nay, khảo sát tại các phum thuộc tỉnh Vĩnh Long, chúng tôi thấy trên địa bàn “phum” không chỉ có các thành viên có quan hệ huyến thống và hôn nhân, nghĩa là không còn hình thức “phum nhỏ” nữa, mà thành viên của phum đã mở rộng hơn, gồm cả quan hệ láng giềng do quá trình thay đổi nơi cư trú diễn ra trong nhiều thập niên, trong đó có tác động của chiến tranh.