Người Khmer ở Vĩnh Long vốn có truyền thống hợp tác trong nông nghiệp mà hình thức phổ biến nhất là vần đổi công (yôđei hay bauwăq). Trong vần đổi công, người Khmer phân biệt hai loại. Loại thứ nhất là hai người hay hai hộ trực tiếp vần công, trả công với nhau (bauwăq), trường hợp thứ hai là việc vần đổi công mở rộng hơn, với 3 người hoặc hơn. Thí dụ : có 3 người vần công cho nhau. Người thứ nhất làm vần công cho người thứ ba, người thứ hai làm vần công cho người thứ nhất, và nếu người thứ nhất bận việc, không thể làm trả công cho người thứ hai thì (khi người thứ hai yêu cầu) người này có thể yêu cầu người thứ ba làm trả công thay. Trường hợp vần đổi công này, người Khmer gọi là “pađo”. Với hình thức này, người ta có thể dễ dàng làm vần đổi công cho nhau và việc vần công cũng được mở rộng hơn. Thông thường, người Khmer vần đổi công trong các khâu làm đất mạ, nhổ mạ, cấy, cắt lúa… Việc vần đổi công thường được thực hiện trong những người là lối xóm của nhau và nhất là giữa những người là anh chị em, bà con họ hàng sống lân cận nhau. Công việc vần đổi công cho đến hiện nay vẫn còn được người Khmer tiến hành, nhất là trong điều kiện có nhiều người rời phum sóc đi làm ăn xa như hiện nay.
Năng suất lúa bình quân ở vùng đồng bào Khmer tỉnh Vĩnh Long nói chung nhờ vào việc tăng vụ và công tác khuyến nông mà đã được nâng lên một cách đáng kể, từ trung bình 6 – 7 tấn/ ha lên 8 – 10 tấn/ ha từ năm 1995 đến năm 1998. Trong các mùa vụ, vụ đông xuân là vụ có năng suất cao hơn, đồng thời cũng là vụ lúa ăn chắc trong sản xuất lúa nước trong vùng Khmer Vĩnh Long.
Trong những năm gần đây, do thiếu hoặc không có đất canh tác, hoặc vào lúc nông nhàn, nhiều người Khmer ở Vĩnh Long, nhất là thanh niên, đã rủ nhau đi làm thuê trong các lò gạch ở xã Mỹ An hoặc đi gặt thuê cho các chủ máy phóng (đi nhiều tỉnh khác nhau), đi làm thuê trong các vùng nông thôn (làm đất : đào mương, đắp nền nhà, lên giồng hay đắp mô trồng cây ăn quả… ). Những người này tổ chức thành từng nhóm, họ đi làm một – hai tuần, thậm chí một – hai tháng mới về nhà một lần. Người Khmer đi làm thuê trong nông nghiệp và các công việc khác ở nông thôn thấy khá nhiều trong phum Mayphôp thuộc xã Trung Hiếu, huyện Vũng Liêm. Số đi làm thuê cho các lò gạch ăn ở tại lò, số đi làm thuê cho chủ máy phóng thì có thể tổ chức ăn ở ngay tại cánh đồng hoặc hộ gia đình mà chủ máy phóng nhận phóng. Ngoài ra cũng có một ít thanh niên đi vào các khu vực thị tứ như Cần Thơ, Vĩnh Long, TPHCM để tìm việc làm.
Để giải quyết bữa ăn hàng ngày, người Khmer cũng đánh bắt cá trên sông, trên đồng ruộng. Các hình thức đánh bắt có giăng lưới bén, thả câu, đi soi, đặt lờ, lọp… Những hình thức đánh bắt này còn rất đơn giản và ngư cụ cũng còn rất giản đơn như chĩa, lờ, nơm, câu… Một vài nơi có điều kiện như Loan Mỹ, Tân Mỹ, một số hộ cũng đào ao nuôi cá.
Nhằm nâng cao đời sống và phát triển khu vực nông thôn vùng đồng bào Khmer cũng như vùng kháng chiến cũ, vùng sâu, vùng xa, qua các chương trình và dự án đầu tư phát triển từ 1991, 1992 đến hay, vùng đồng bào Khmer cũng đã có những thay đổi về nhiều mặt. Hoạt động nông nghiệp đã có những chuyển biến quan trọng với việc tăng vụ (chuyển từ một lên hai vụ và tại nhiều nơi lên ba vụ lúa), thay đổi cây trồng chăn nuôi… Sản xuất nông nghiệp của người Khmer hiện nay không chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hàng ngày trong gia đình, mà họ đã có ý thức sản xuất nông sản hàng hóa. Biểu hiện cho sự thay đổi quan trọng này là việc cải tạo vườn tạp để trồng các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế (như xoài, sầu riêng, cam, bưởi, nhãn… ), chăn nuôi (bò thịt, vịt đàn… ), trồng nấm rơm. Hoạt động chăn nuôi nói chung phát triển đều khắp, nhưng mạnh nhất là tại các xã Trung Thành và thị trấn Vũng Liêm – chăn nuôi heo thịt và bò. Thuận An (huyện Bình Minh), Loan Mỹ (Tam Bình) và Tân Mỹ (huyện Trà Ôn) – chăn nuôi vịt lấy trứng và vịt thịt… Nghề trồng nấm rơm trong những năm gần đây được khuyến khích nhằm tận dụng nguồn rơm rạ có sẵn, phần diện tích trong vườn, ruộng nên đã phát triển thành một phong trào tại các xã Loan Mỹ (Tam Bình), Tân Mỹ (Trà Ôn), Đông Thành (Bình Minh)… đã góp phần tăng thu nhập cho không ít hộ người Khmer và là hoạt động sản xuất không đòi hỏi vốn nhiều và ít bất trắc.
Về việc cải tạo vườn tạp để trồng cây ăn trái ở vùng đồng bào Khmer ở Vĩnh Long có những khó khăn nhất định. Trước nhất là hình thức cư trú khá tập trung trên đất giồng, thứ hai là vốn đầu tư tương đối cao và giá cả các loại trái cây trong những năm gần đây lại sụt giảm làm cho người nông dân Khmer không quyết tâm đầu tư. Ở một số nơi như Loan Mỹ, việc đầu tư cải tạo vườn tạp thành vườn cây ăn trái (cam và nhãn) không được tiến hành một cách “triệt để” do thiếu vốn, bị sâu bệnh và tiêu thụ bấp bênh khiến cho một số gia đình băn khoăn. Mặc dù cho đến nay, hiệu quả kinh tế chưa thật rõ rệt, chưa làm thay đổi đáng kể đời sống người Khmer, thậm chí làm cho một số hộ thêm khó khăn nhưng có thể nói đây là một bước thay đổi tích cực nhằm phá thế độc canh cây lúa trong sản xuất nông nghiệp của người Khmer. Trong điều kiện như vậy, công tác khuyến nông của ngành nông nghiệp có một ý nghĩa quan trọng nhằm giúp đỡ người Khmer thực hiện sự thay đổi này.
Tại các khu vực cư trú của người Khmer có một số gia đình mở cửa tiệm bán tạp hóa, bán nước giải khát, bánh trái cho trẻ em… Đây cũng là một thay đổi trong đời sống kinh tế của người Khmer vì trước đây hầu như không có người Khmer làm nghề buôn bán. Trong phum sóc của họ trước đây chỉ thấy có người Việt hoặc người Hoa làm nghề buôn bán. Tại các khu vực cư trú quá tập trung tại các xã Trà Côn, Hựu Thành, Tân Mỹ huyện Trà Ôn, Thuận An, Đông Bình, Đông Thành (huyện Bình Minh), với sự hỗ trợ của Nhà nước, nhiều hộ gia đình người Khmer được giãn ra theo các tuyến đường giao thông cũng giúp cho họ có điều kiện thuận lợi hơn trong việc làm ăn buôn bán và cải thiện điều kiện sinh hoạt (điện, giao thông, học hành… ). Một số ngành nghề thủ công như chằm lá phát triển tại một số nơi. Bên cạnh đó, một số nghề chế biến lương thực truyền thống được khuyến khích, giúp đỡ nhằm tạo cho người Khmer có thêm thu nhập như phát triển nghề làm cốm dẹp để bán tại xã Đông Bình (huyện Bình Minh).
Nói chung, đời sống của người Khmer ở Vĩnh Long vẫn còn ở mức khó khăn so với mức sống chung của cư dân nông thôn trong tỉnh. Từ năm 1992, đặc biệt là từ năm 1993 trở đi, với nhiều chương trình và dự án cải thiện đời sống, hỗ trợ sản xuất… hoạt động sản xuất của người Khmer đã có những chuyển biến tích cực và cuộc sống của họ cũng đã được cải thiện một bước.
TS Phan Văn Đốp – Theo sách Tìm hiểu Văn hóa Vĩnh Long