3/ Cộ

Cộ là phương tiện vận chuyển rất tiện lợi của nông dân, có thể chở lúa bó từ ruộng về sân, chở những bao lúa hay chở rơm… Nông dân ở Vĩnh Long thường dùng cộ chiếc. Cộ chiếc làm bằng tre, gồm phần kéo bên dưới là hai đoạn tre uốn cong lên ở phần gắn ách chiếc, một trâu kéo. Bên trên có cây trụ đỡ đà ngang và lót vạt tre để chất lúa, dài 1,2 mét; đầu sau rộng một mét, đầu trước 0,9 mét. Phần gọng tre dài khoảng 1,8 mét.

4/ Mỏ xảy, bù cào, trang

Khi lúa được đem về tới sân nhà, cách đơn giản nhất để lấy hột là dùng chân đạp và cách này thường được sử dụng để lấy lúa giống. Nhưng thường người nông dân dùng trâu đạp lúa. Các bó lúa được xếp đứng thành hình vòng tròn, bông lúa đưa lên trên, gọi là “bã lúa”, rồi đánh trâu đi vòng tròn bên trên. Tùy theo số trâu sử dụng nhiều hay ít mà “bã lúa” lớn hay nhỏ. Khi hột lúa rụng gần hết, người ta mở các bó lúa ra rải đều trên bã lúa rồi cho trâu đạp lần thứ hai. Đến lúc hột lúa rụng gần hết, bã lúa “nổi rơm” thì cho trâu nghỉ, dùng mỏ xảy xốc rơm, giũ cho hột lúa rơi xuống rồi đưa rơm ra ngoài. Mỏ xảy là “cây dài có hai chia uốn cong để mà đánh rơm cỏ” (Huỳnh Tịnh Paulus Của, 1896 : 38), nhưng mỏ xảy có khi chỉ có một chia. Mỏ xảy dài khoảng 1,5 mét.

Khi trâu đã đạp lúa xong, nông dân tiến hành việc phơi khô và làm sạch lúa, dụng cụ sử dụng là bù cào và trang.

Bù cào là một đoạn gỗ dài 0,4 – 0,5 mét, có gắn 5 hay 7 răng, mỗi răng cao 0,07 mét, có cán bằng gỗ hoặc bằng tre dài 2 mét. Người ta dùng bù cào cào cho “bui bui” (những rơm, rác, lá lúa gãy vụn… lẫn vào trong lúa) nổi lên rồi quét ra ngoài. Thường phải cào đi cào lại nhiều lần mới sạch, và phải biết cách cào, bui bui mới nổi lên.

Trang là dụng cụ khá đơn giản, chỉ là một miếng ván dài 0,4 mét, rộng 0,15 mét, có cán dài khoảng 1,5 mét, chỉ dùng để cào lúa gom thành đống hay trang ra phơi.

Giê lúa

5/ Xa quạt lúa

Khi lúa đã được phơi khô, cần phải “giê lúa” cho sạch trấu, lúa lép cát bụi lẫn vào. Thường thì người ta phải dùng thùng xúc lúa giơ lên cao rồi đổ rãi xuống, mượn sức gió thổi cho sạch lúa. Có khi người ta dùng chiếc chiếu đứng, kẹp ở chân quạt giê lúa, nhưng cách này rất mệt. Để khắc phục lối giê lúa thủ công này, nông dân đã chế ra xa quạt lúa, vừa nhanh vừa sạch hơn.

Xa quạt lúa được đóng bằng gỗ, dài khoảng 165 cm, cao 150 cm, rộng 35 cm, gồm 3 bộ phận. Bộ phận quạt là một ống hình trụ, đường kính 100 cm, bên trong có thiết kế một quạt 4 cánh gắn với trục quay tay, quay theo chiều kim đồng hồ. Bộ phận đựng lúa hình phễu, miệng vuông, cạnh 75 cm, cạnh xéo 50 cm, đáy phễu có hai miếng gỗ để điều chỉnh cho lúa xuống nhanh hay chậm. Bộ phận đựng lúa ở dưới gồm hai hộc, hộc ngay dưới đáy phễu đựng lúa sạch, hộc kia nằm lệch về phía gió thổi hứng lúa lép đổ ra. Ngoài ra trên hộc này có lỗ thoát cho bụi. Với chiếc quạt này, khoảng 2, 3 người chia nhau quạt đổ lúa vào phễu và hứng lúa sạch, có thể giê sạch hai thiên lúa (200 giạ) một ngày.

6/ Bồ đập lúa

Khi lưỡi hái và liềm thay thế vòng hái, lúa cắt rải thành hàng trên ruộng thì nông dân không cần cộ lúa về nhà, mà chỉ nghĩ cách lấy hột lúa ngày ngoài đồng và bồ đập lúa đã xuất hiện.

Đến đây, hệ thống nông cụ vòng hái – cộ lúa – đòn xóc – mỏ xảy… phức tạp đã được thay thế bằng hệ thống lưỡi hái hay liềm và bồ đập lúa. Cây lúa mùa đã bị cây lúa ngắn ngày thay thế dần…

TS Đặng Văn Thắng – Theo sách Tìm hiểu Văn hóa Vĩnh Long

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *