Năm 1776, Lê Quý Đôn viết Phủ biên tạp lục có ghi nhận vai trò của cái phảng ở Vĩnh Long như là một nông cụ duy nhất trong khâu làm đất, chỉ cần “phát cỏ rồi cấy” nhưng thu hoạch rất cao. Lê Quý Đôn viết : “Xét bản kê của cai bạ dinh Long Hồ là Hiến đức hầu Nguyễn Khoa Thuyên thì các huyện thuộc Tân Bình (tức Gia Định), Phước Long, Quy An, Quy Hóa có cày để cấy, cấy một hộc thóc thì gặt được 100 hộc thóc; thuộc Tam Lạch (tức Mỹ Tho), trại Bả Canh (tức Cao lãnh), châu Định Viễn (tức Cái Bè, Vĩnh Long) thì ruộng không cày, phát có rồi cấy, cấy một hộc thóc thì gặt được 300 hộc (chúng tôi nhấn mạnh – ĐVT). Như thế thì ruộng tốt có thể biết được” (Lê Quý Đôn, 1977 : 141). Cũng theo Lê Quý Đôn, hộc thời đó được tính như sau : “Phép cũ ở Thuận Hóa, cứ 10 toát (nhúm) là một thược, 10 thược là một cáp, 10 cáp là một thưng, 10 thưng là một hộc, 10 hộc là một thùng” (Lê Quý Đôn, 1977 : 127).
Năm Canh Thìn (1820), Trịnh Hoài Đức dâng bộ sách Gia Định thành thông chí cho Minh Mạng, trong đó cũng ghi nhận vai trò của cái phảng ở Vĩnh Long như Lê Quý Đôn đã đề cập đến. Ngoài ra còn nhắc đến một loại nông cụ thứ hai để “cào cỏ đắp làm bờ” và cũng như Lê Quý Đôn, có đề cập đến động tác cấy, có thể có hay không có công cụ. Trịnh Hoài Đức viết : “Ruộng cày trâu ở Phiên An, Biên Hòa, một hộc lúa giống thu hoạch được 100 hộc, duy ở trấn Vĩnh Thanh toàn là ruộng bùn sâu, không dùng trâu cày được, phải đợi lúc hạ thu gieo đại, có nước mưa đầy dẫy, phát bỏ năn lát, cào cỏ đắp làm bờ, rồi chỏi đất cấy mạ lúa xuống (chúng tôi nhấn mạnh – ĐVT). Ruộng đất phì nhiêu nên một hộc lúa giống thu hoạch được 300 hộc (Trịnh Hoài Đức, 1972 : 31). Như vậy, theo ghi nhận của Trịnh Hoài Đức thì cho đến đầu thế kỷ XIX, ở Vĩnh Long vẫn còn dùng cây phảng là nông cụ chính trong khâu làm đất.
Trong hiện vật truyền thống của người Việt ở Bắc bộ và Bắc Trung bộ, có 2 loại phảng : phảng là vũ khí (Huard et Durand, 1954 : 119) và phạng để chặt cỏ. Người Việt ở Trung bộ còn có cây phảng dùng để phát cỏ và cây rựa dùng chặt cỏ, cây bụi. Từ phạng đến phảng ở Bắc Trung bộ đến Trung bộ không phải chỉ là sự chuyển cách đọc, mà đã có sự cải tiến về mặt hình dáng : phảng đã có lưỡi dài hơn phạng, cán phảng ngắn hơn cán phạng… Khi vào khai hoang vùng đất mới ĐBSCL, người Việt mang theo vào đây cả phạng, phảng và rựa. Đó là những dụng cụ chính dùng phát hoang, chặt cây bụi, phát cỏ. Cây phạng còn có thể bắt gặp ở vùng Hóc Môn, Củ Chi với lưỡi dài, cán dài, cán tạo với mặt lưỡi một góc 60 độ. Nhưng qua quá trình khai phá ở Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long… người Việt đã sáng tạo thêm các loại phảng và đặt những tên gọi khác nhau : phảng gai, phảng giò nai, phảng cổ cò, phảng nắp, phảng cổ lùn với lưỡi ngày càng dài ra, góc cổ giữa cán và lưỡi ngày càng thu hẹp dần, cổ phảng “đột biến” rất dài ở phảng giò nai rồi ngắn dần lại. Đồng thời, theo chức năng sử dụng mà phảng ngày càng mang tính chất “chuyên dùng”, hoặc phát hoang, hoặc chặt cỏ bờ, hoặc phát cỏ, chế (phát cỏ lưa thưa), phát rạ trên ruộng. Có thể Vĩnh Long là một trong những nơi chứng kiến quá trình phát triển của cái phảng ở ĐBSCL : phảng gai – phảng giò nai – phảng cổ cò – phảng nắp – phảng cổ lùn. Nếu theo ghi nhận của Huỳnh Tịnh Paulus Của (1896) thì phảng cổ lùn chỉ có từ sau năm 1896. Người Khmer ở Vĩnh Long cũng như ở một vài tỉnh khác có sử dụng phảng nắp và phảng cổ lùn và họ gọi là “dao”.
Phát ruộng bằng phảng |
Ngày nay ở Vĩnh Long, cây phảng rất ít khi được sử dụng. Một số nơi như ở cù lao Quới Thiện, Thanh Bình còn dùng phảng phát cỏ lát để dệt chiếu, còn thì đa số nông dân cất phảng để làm kỷ niệm. Nhưng những bậc lão nông tri điền vẫn còn nhớ một thời đã sử dụng cây phảng, đặc biệt là phảng nắp và phảng cổ lùn. Nếu người thuận tay phải thì tay phải cầm phảng, tay trái cầm cù nèo (khác loại phảng gai, phảng giò nai, phảng cổ cò phải cầm phảng cả hai tay), chân trái phía trước, chân phải phía sau. Tay phải vung phảng lên phát qua một nhát, tay trái quơ cù nèo gạt cỏ sang một bên, đồng thời di chuyển chân phát tiếp. Một công đất thường phải phát trong một “buổi đứng” – từ hừng sáng đến hơn 12 giờ trưa mới xong, sau đó nghỉ luôn buổi chiều vì không còn sức nữa (Sơn Nam, 1984 : 96). Do việc phát đòi hỏi sức và thế, vừa phải phát nhanh vừa phải “phát chín” chứ không được “phát sống” hay “phát hàm chó” (Bùi Huy Đáp, 1985 : 114) nên người phát phải có kỹ thuật, từ cách đứng cách bước cho đến cách vung phảng – “phát thế” (Sơn Nam, 1958). Ngoài ra, việc mài phảng cũng cần có kỹ thuật, không mài như mài dao, mà mài như mài đục, một mặt phẳng một mặt vát, hoặc mài phảng phải thẳng góc theo chiều dài của đá mài sao cho có những đường răng cưa nhỏ li ti ở mép lưỡi, có “chơn chấu” thì phát mới ngọt…
TS Đặng Văn Thắng – Theo sách Tìm hiểu Văn hóa Vĩnh Long