8/ Câu
Câu ở Vĩnh Long rất nhiều dạng. Ở đây có câu cột, câu giăng, câu cắm, câu cần, câu rê, câu lươn, câu ếch… và cũng tùy theo lưỡi câu, mồi câu mà sẽ bắt những loại cá khác nhau. Câu cột là loại câu đơn giản nhất, chỉ có lưỡi và một đoạn dây 40 cm, để một đầu cột lưỡi câu, đầu kia cột vào thân lúa. Đi câu trước khi trời tối. Phần lưỡi câu được móc mồi ốc (ốc bươu xắt ở phần mặt cứng thành những lát nhỏ) để bắt cá lóc hoặc móc mồi trùn, mồi tép để bắt cá lóc, cá trê, cá rô… Người đi câu đi theo khoảng trống của hai hàng lúa cấy, cứ khoảng 8 hay 10 bụi lúa cột một lưỡi vào thân lúa và cứ thế cho đến lưỡi sau cùng. Một người có thể đi câu với vài chục hay vài trăm lưỡi câu. Đi thăm câu, gỡ bắt cá, móc mồi một đêm vài lần. Chẳng hạn lúc 5 – 6 giờ chiều đi câu, 8 – 9 giờ tối, 11 – 12 giờ khuya thăm câu, 7 – 8 giờ sáng bắt cá, cuốn câu về.
+ Câu giăng
Về hình thức, câu giăng cũng gần giống như câu cột, chỉkhác là thay vì một đầu cột vào thân lúa thì cột vào một đoạn dây dài, cách 100 – 120 cm cột một lưỡi với một đoạn từ dây giăng đến lưới khoảng 45 cm gọi là dây dạo. Câu giăng có thể thả trong ruộng lúa, nhưng ưu điểm của câu giăng là có thể sử dụng khi lúa còn non, thân yếu, không thể cột lưỡi vào được hoặc ở những ruộng không có lúa để cột.
+ Câu cắm
Câu cắm là loại câu để bắt cá lóc, cá trê, cá rô… như câu cột và câu giăng và cũng dùng mồi là ốc, trùn, tép… Điểm khác là câu cắm có thể sử dụng mồi nhái hay cá con. Mồi chạy là loại cá lóc rất thích ăn.
Câu cắm có thân là một đoạn nan tre, dài khoảng một mét, phần dưới vót nhọn để cắm xuống đất theo chiều nghiêng, phần đầu trên có một đoạn khoảng 0,2 mét vót mỏng, có thể uốn cong để cột một đoạn dây dài 0,6 mét, đầu kia cột lưỡi câu rồi móc vào thân câu. Như vậy, thân và dây lưỡi có một khoảng hở ở đầu cong cần câu. Khi đi câu, người ta cho tay trái vào đoạn hở rồi quàng vào vai trái. Đi dọc theo bờ ruộng hoặc đi giữa hai hàng lúa cấy, với một đoạn khoảng 4 – 5 mét, cắm một cần câu xuống rồi móc mồi thả xuống nước… Đi câu với quy trình như câu cột.
+ Câu cần
Câu cần là loại câu chuyên để câu cá rô. Câu có thân là một đoạn cây trúc dài khoảng 3 – 5 mét, đầu nhỏ có cột một đoạn dây dài 2 mét, đâu dây kia có lưỡi câu, trên lưỡi khoảng 0,3 mét có cột một phao nổi, thường là một đoạn nhỏ làm từ rễ bần.
Đi câu cần vào buổi sáng sớm ở những ruộng lúa non, vào những ngày đầu hoặc giữa âm lịch, nước dâng cao. Mồi câu là trùn, tép, nhưng mồi trứng kiến vàng là mồi cá rô ưa thích.
+ Câu rê (câu nhấp)
Câu rê là loại câu cá lóc. Câu có cần làm bằng trúc, dài khoảng 5 mét, phần dưới cần có gắn nạng để chịu đau vào đùi. Đầu cần có cột một dây dài 5 mét, đầu kia có buộc lưỡi câu. Khi đi câu, lưỡi được móc mồi nhái, rồi quăng lưỡi ra xa, trong ruộng lúa, ao… Xong, rê dần lại. Cá lóc thấy nhái nhảy trên mặt nước rượt theo đớp mồi.
Đặc biệt, khi thấy có bầy cá ròng ròng (cá lóc con), người đi câu biết sẽ có cá ba và mẹ theo giữ bầy con. Họ cột một lưỡi câu rê vào chân một con vịt con, dài quá chân vịt 0,03 mét rồi thả vịt con vào bầy cá ròng ròng, với thế hơi hỏng trên mặt nước. Cá lóc thấy vịt đến quấy phá cá con nên táp vịt và bị dính lưỡi câu. Câu bằng mồi vịt có thể bắt cả cá lóc ba lẫn cá lóc mẹ.
+ Câu lươn
Là loại câu chuyên để bắt lươn. Người ta dùng một đoạn cây sậy dài 0,4 mét, sau đó cột một đoạn dây dài 0,7 mét, đầu kia cột một lưỡi câu móc mồi cá thòi lòi cắt khúc. Người đi câu đến những ao, đìa… có nhiều cỏ, rau mác, lục bình… vén sang một bên rồi thả lưỡi câu xuống. Khi lươn ăn mồi, kéo đoạn sậy đi theo. Do cây sậy nổi trên mặt nước, người đi câu theo dấu cây sậy, một lúc sau chờ lươn mắc câu, đau đớn mới có thể kéo lươn lên bắt được. Cũng có thể câu lươn ở hang dọc theo bờ ruộng. Khi phát hiện có hang lươn, người đi câu dùng cây sậy đẩy lưỡi câu có mồi cá vào trong rồi chắt lưỡi gọi lươn. Khi biết lươn đến ăn, do đụng đầu cây thì rút nhẹ cây sậy lên. Khi lươn ăn mồi phải nương dây câu theo cho lươn cựa quậy. Một lúc sau, lươn thấm mệt, đau đớn mới kéo lươn ra khỏi hang để bắt.
+ Câu ếch
Ở những ruộng, đìa, mương… có nhiều ếch. Người đi câu dọn một khoảng trống có đường kính khoảng 0,3 mét rồi thoa sình lên. Sau đó dùng một đoạn tre dài 0,25 mét, một đầu có cột một đoạn dây rồi cắm sâu xuống gò đất mới tạo và cũng thoa sình lên đoạn dây. Đầu dây kia có lưỡi câu móc mồi cá khô nhỏ. Ếch lân gò đất ăn mồi, mắc câu.
TS Đặng Văn Thắng – Theo sách Tìm hiểu Văn hóa Vĩnh Long