8/ Câu

Trên các sông rạch ở Vĩnh Long có rất nhiều kiểu câu. Có thể kể một số kiểu câu như câu tôm, câu phao, câu diềm, câu cần, cầu cắm…

+ Câu tôm

Câu tôm là nghề câu khá phổ biến ở Vĩnh Long. Người đi câu sử dụng xuồng hay tam bản có mui che mưa nắng, bên trong có đèn mỏ đốt dầu, phía sau có bánh lái nước gắn cặp be bên phải, ở phía trước có gọng để rọng tôm. Đi câu tôm vào con nước lớn đầy sông, vào con nước lúc chiều tối và gần sáng. Người đi câu ngồi trước mũi, dùng mái dầm bơi đến một nơi yên vắng bên bờ sông, cắm sào cho xuồng dừng một chỗ, ngồi câu. Câu tôm không có lưỡi, mà chỉ dùng cần câu buộc dây cột thân con ốc sên rồi thả xuống mé sông. Đợi tôm (tôm càng, tôm trứng… ) đến ăn, mê mồi, người đi câu kéo cần lên một đoạn, tôm mê ăn lên theo, rồi dùng vợt đưa xuống sông hứng lấy tôm. Trước đây, một đêm trung bình câu được vài ký tôm.

Cá mè vinh

Gần giống như câu tôm là câu cá mè vinh hoặc đi hớt cá mè vinh. Người đi câu dùng các chùm lúa ngậm sữa (lúa chưa chín, hạt còn mềm) hay đùm lá bí cột vào một dề lục bình cắm cọc ở bờ sông hoặc cột vào một nhánh bần ven sông nhử cá lại ăn. Người ta làm như thế ở nhiều nơi trên sông. Đợi một lúc, bơi xuồng hay tam bản nhè nhẹ đến, dùng vợt hớt (xúc) cá hoặc chỉ để một chùm nhử cá rồi dùng cần câu móc mồi hạt lúa, móc cọng bí, móc lá xà lách… câu cá mè vinh, cá he, cá ngựa… đến ăn.

+ Câu phao

Có thể ghi nhận hai loại câu phao khá đặc biệt ở đây là câu cá bông lau và câu cá mè rổ. Câu cá bông lau được thực hiện từ tháng 11 – tháng 3 âm lịch năm sau, tức là vào mùa gió chướng – gió đông nam từ biền thổi vào. Người ta dùng một đoạn rễ cây bần từ 30 – 40 cm, đường kính 4 – 5 cm, sơn màu từng đoạn đen – trắng – vàng… làm phao. Ở đầu nhỏ có cột một đoạn dây dài nhuộm đen, có lưỡi câu. Mồi câu cá bông lau là mồi thuốc như cá ương băm nhuyễn trộn bông gòn hoặc thịt chó để sình thối 7 – 8 ngày. Người đi câu bằng xuồng tam bản, đem khoảng từ 100 – 200 phao câu, thả trôi từng phao thành hai đoạn trôi sông, trên dòng nước lớn. Khi cá ăn sẽ lôi một đầu phao chìm xuống, đầu kia đưa lên khỏi mặt nước. Người đi câu bơi xuồng đến, dùng móc móc lấy phao, kéo lên bắt cá. Cá bông lau nước ngọt là loại cá khá lớn. Trung bình khoảng từ 2 – 6 kg. Vào mùa mưa, cá từ Biển Hồ xuống tập trung nhiều ở Vàm Nao, nơi tiếp giáp giữa sông Hậu và sông Vàm Nao (An Giang). Ở Trà Ôn, đoạn tiếp giáp giữa sông Hậu và sông Mang Thít, cá cũng tập trung nhiều và nghề câu cá bông lau đã hình thành ở đây.

Câu cá mè rổ mang rỗ cũng là loại câu phao, nhưng vì cá mè rổ nhỏ như cá rô biển nên phao nhỏ, dây nhỏ, ngắn, lưỡi nhỏ, câu mồi tép. Câu cá mè rổ thường ở dọc sông Mang Thít, đoạn sông nối sông Tiền và sông Hậu. Người đi câu thả vài chục phao lúc nước lớn và cũng bơi xuồng theo dàn câu bắt cá.

+ Câu diềm

Câu diềm là loại câu giăng diềm dưới mặt nước. Người ta dùng một đoạn dây dài từ 50 – 200 mét. Hai đầu dây có phao, trước kia dùng khoảng 4 – 5 rễ bần bó lại, gần đây dùng bình nhựa. Phần dưới có neo giữ chặt dây câu và cách một đoạn dài có neo dằn. Trên dây câu, cứ 2 mét cột một đoạn dây 0,9 mét, có lưỡi. Câu diềm lúc nước lớn hay nước ròng đều có thể câu được. Có thể thả câu ngang sông hay dọc theo dòng sông và khoảng một giờ là thăm câu bắt cá, móc mồi. Tùy theo loại cá mà có mồi câu khác nhau : mồi bà chằn – mồi tép câu cá bông lau, mồi còng câu cá ngát, mồi tép câu cá chẻm, mồi cơm mẻ trộn cám câu cá tra, mồi ốc – tép để sống câu cá ba sa. Các loại cá này có con to khoảng 20 kg.

Câu cần có loại cần lớn, dây câu dài như câu rê trên ruộng để câu cá lăng ở sông. Đây là loại câu đặc biệt. Người đi câu thường đứng trên cầu lúc nước lớn, thả lưỡi câu không có mồi nhưng cột gần lưỡi hình một con cá nhỏ làm từ miếng kim loại trắng (tôn, nhôm… ). Khi nước chảy, miếng kim loại lắc lư như cá đang bơi. Cá lăng thấy thế, đớp ăn, bị mắc vào lưới.

Nhưng câu cần còn có loại câu nhỏ như câu cá rô trên ruộng, nhưng ở sông là câu cá bống dừa theo những bẹ dừa nước ven sông, câu cá lòng tong, cá linh… Mồi câu là trùn hoặc tép.

+ Câu cắm   

Câu cắm ở sông, cần câu dài và to hơn câu cắm ở ruộng, thường khoảng một mét. Người đi câu bơi xuồng cắm ở bờ sông nhỏ, rạch là ở những nơi có nước ruộng chảy xuống. Mồi câu là trùn, tép, bắt cá trê, cá lăng, cá bống dừa…

9/ Móc cá chạch

Móc cá chạch được thực hiện vào lúc nước ròng. Người đi móc thường buộc chiếc xuồng bên mình, đứng dưới dòng nước. Ngư cụ để bắt cá là bù cào. Có hai loại : loại cào chiếc có một răng sắt uốn cong, cán gỗ, hai tay cầm móc theo thế bơi xuồng, một tay ở đầu bù cào, một tay gần giữa thân, móc xuống đất từ trước ra sau. Khi dính cá, người ta gõ móc vào xuồng, cá sẽ rơi xuống. Loại bù cào có nhiều răng, trước đây có 4 hay 6 răng, gần đây có vài chục răng rất khít nhau. Bù cào nhiều răng có kiểu dáng như bù cào cỏ trên ruộng, một cán bằng cây tầm vông dài khoảng 3 –  mét, gắn thẳng góc vào một đoạn gỗ dài 0,4 – 0,5 mét, đoạn gỗ này có gắn răng. Khi móc cá, người ta cầm hai tay đưa bù cào ra phía trước, móc giật mạnh về phía sau. Khi dính cá, người ta đưa móc gõ lên xuồng, cá rơi xuống.

TS Đặng Văn Thắng – Theo sách Tìm hiểu Văn hóa Vĩnh Long

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *