3/ Lưới  

Lưới cũng giống như chài, nhiều gia đình sống ven sông rạch thường có loại ngư cụ này. Đặc biệt, có nhiều gia đình chuyên sống về nghề này tạo thành một xóm, gọi là xóm lưới. Tùy theo kích cỡ cá mà người dân tạo ra những loại lưới khác nhau. Ví dụ loại mắt lưới rất nhỏ để bắt cá cơm vào tháng 5 – 10 âm lịch, mắt lưới lớn hơn bắt cá linh vào tháng 8 – 10, mắt lưới lớn hơn nữa bắt cá mè từ tháng 10 – tháng 5 năm sau. Mắt lưới lớn bắt cá cháy vào tháng 2 – 4… Cá cháy là loại cá đặc biệt ở Trà Ôn.

Cá cháy

Trà Ôn cá cháy lạ kỳ

Nấu riu kho mặn món gì cũng ngon.

4/ Đăng

Đăng là một ngư cụ đánh bắt cá phổ biến ở ĐBSCL. Chính vì thế, trong câu ca dao ở vùng này có thể nhận ra 4 loại ngư cụ sau : “Bớ chú Đăng chú đi đâu đó, con mắt chú lờ đờ, chú đạp lọp của tui… ”. (Sơn Nam, 1984 : 98).

Đăng chỉ có tác dụng chận cá hay ví cá. Đi liền với đăng thường là đó – dụng cụ để hứng cá. Vì vậy ở Vĩnh Long thường nghe câu :

Đàn ông như cái đăng

Đàn bà như cái đó.

Đăng được bện bằng tre, cao 2 mét, dài khoảng 2 – 3 mét, gọi là tấm đăng. Khi di chuyển, tấm đăng được cuộn tròn lại. Khi đăng sẽ sử dụng nhiều tấm đăng. Đó cũng được bện bằng tre, có hình trụ tròn, đường kính 0,45 mét, cao 2 mét, có gắn hom dài theo thân để cá vào được mà không ra được. Sau này còn dùng đăng, đó bằng lưới.

Vào những ngày nước kém (mùng 8 – 10 và 23 – 25 âm lịch mỗi tháng), nước ròng, sông rất cạn, người dân đi đăng lúc nước lớn đầy sông và chuẩn bị ròng. Người dân có thể chỉ dùng đăng dọc theo mé sông lúc nước rút, cá tôm mắc cạn, dễ bắt hoặc dùng đó hứng cá tôm chui vào bắt. Hoặc có thể chận ngang mép bờ sông lúc nước ròng, cá chui vào đó thì ngư dân gọi là đặt nò. Đăng lúc này có khi dùng những cây sậy bện chặt. Họ thích sử dụng cây sậy vì xuống nước, cây sậy vẫn tươi và sống nên sử dụng được lâu. Hoặc cũng có thể người dân tạo một khoảng trống cho nước vào, gọi là ụ, dùng cám rang trộn đất ném xuống ụ, dụ cá tôm. Lúc nước sắp ròng, thả cửa xuống chận lại bắt.

5/ Vó  

Vó là một ngư cụ truyền thống của người Việt. Vó được thực hiện dọc theo bờ sông, bao gồm một tấm lưới dày, lớn, được gắn vào hai đoạn cây dài gần 10 mét, đầu mở đầu túm, hình thang. Phần túm có gắn đế tạo đòn bẩy và có cột đá, cây… có ngăn ở phần sau. Khi đặt vó, người dân cho vó xuống nước để cá tôm vào, một lúc sau cất vó lên bắt.

6/ Bung – lờ – lọp

Vào tháng 10 đến tháng 4 âm lịch, vào gần cuối mùa mưa năm trước cho đến cuối mùa khô năm sau là lúc nước cạn, cá trê theo nước ra sông là lúc người dân đặt bung để bắt.

Bung được đan bằng tre và đan khít như đan mê bồ đựng lúa. Bung cao từ 1 – 1,6 mét, đáy 0,7 – 0,8 mét, phần trên túm lại. Trên thân gần phía đáy có khoét một lỗ hình chữ nhật, cạnh 0,25 x 0,1 mét có gắn hom tre túm ở đáy, sau đó cột ở đáy hom một đoạn dây và cột với cần ở trên bung. Khi cá vào, cần bung sẽ lay động.

Mồi để nhử cá trê là mồi chuột. Khoảng 1 – 2 con chuột được nướng và băm nhỏ rồi lấy vải mùng túm lại, bỏ vào bung để cá không ăn được. Cá trên rất mê mồi này nên người dân gọi “mồi thuốc”. Bung được đặt ở mé sông, lúc nước ròng cạn vào buổi chiều, đặt phần hom thẳng góc với đường nước chảy, tức thẳng góc với dòng sông, cho mùi “mồi thuốc” ra ngang chỗ đầu hom. Khi nước lớn ngập bung, cá trê trắng vào, sáng giở bung bắt cá. Đặt bung như thế 1 – 2 ngày rồi dời bung đặt chỗ khác. Trước đây, một người mỗi đêm đặt 2 – 3 cái bung, bắt được 20 – 30 kg cá trê.

Lờ, lọp ngoài việc đặt bắt cá trên ruộng còn có thể đặt dưới sông bắt cá tôm. Cách đặt lờ, lọp sông cũng giống như đặt bung, được thực hiện vào lúc chạng vạng tối, nước cạn. Lờ, lọp được đặt vào những bụi cỏ ven bờ sông. Lúc nước lớn, cá tôm vào và sáng sớm hôm sau đi gỡ lờ, lọp bắt. Người dân có thể cột miếng dừa khô vào lờ để nhử tôm. Một người mỗi đêm đặt vài chục lờ hoặc lọp.

7/ Chất chà – cái bò

Vào mùa khô, nước bắt đầu rút, cá từ đồng ruộng ra sông thì cũng là mùa chất chà. Người ta chất chà thành hình chữ nhật, to nhỏ tùy nơi. Thường có hai cách chất chà : hoặc cắm những chà xuống đất theo thứ tự, hoặc men những nhánh chà lộn xộn vào khuôn bao quanh. Một đống chà trung bình khoảng 600 nhánh. Chất chà dọc theo sông là tạo môi trường cho cá tôm vào trú ngụ để sau đó vây bắt chúng.

Một tháng có hai lần vào ngày mùng 10 và 25 âm lịch, lúc nước kém, người ta giở chà bắt cá. Khi nước vừa đứng (lúc nước chuyển từ lớn qua ròng), người ta dùng đăng – sau này dùng lưới – bao quanh đống chà lại. Nhặt ném những nhánh chà ra, gom đăng hay lưới lại rồi dùng vợt xúc cá,

Ngoài ra, người dân còn sáng chế ra “cái bò”, thật ra chỉ là hình thức chất chà thu nhỏ và có thể di động được. Người ta đóng một máng hình khối, bên trong chất những nhánh chà rồi ngâm “cái bò” xuống sông. Cứ 2 – 3 ngày kéo bò lên bờ một lần, nếu to thì dùng “bá lan” quay, còn nhỏ thì chỉ cột dây kéo bò lên bờ bắt cá.  

TS Đặng Văn Thắng – Theo sách Tìm hiểu Văn hóa Vĩnh Long

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *