Cũng như ở trên ruộng, ở dưới sông, người nông dân Vĩnh Long cũng như nông dân ở nhiều nơi khác có thể bắt cá mà không cần dùng ngư cụ. Họ có thể đi mò cá, tép… dọc theo mé sông ở những đám lá dừa nước, gốc – rễ cây… Khi bắt được cá, họ lận vào lưng quần, hoặc có khi đem theo giỏ đựng cá làm từ quả bầu thúng phơi khô, thả nổi trên mặt nước, bên trong để ít nhánh cây có lá cho cá tép khó nhảy ra ngoài rồi dùng một đoạn dây cột quả bầu vào thân người. Họ cũng có thể lặn sâu xuống những gốc cây dưới lòng sông để mò bắt cá tôm… Người dân cũng có thể đi dọc theo bờ sông tìm bắt cá chạch. Khi nước ròng, cạn, cá chạch ở bờ sông thường rút vào hang, để lú miệng nhọn lên trên. Người đi bắt cá có thể dùng hai tay móc cục đất có hang cá lên bắt hoặc dùng dao chặt xuống đất đoạn ngang thân cá rồi bắt cá lên…
Về việc sử dụng ngư cụ dùng dưới sông thì ngoài nhiều gia đình nông dân có một vài loại ngư cụ để bắt cá dùng trong gia đình, ở Vĩnh Long còn có một vài xóm cùng một kiểu đánh bắt cá như xóm chài, xóm đáy, xóm lưới. Các xóm chuyên nghề cá này thể hiện việc làm ăn lớn, tập trung, nhưng điều quan trọng hơn là ghi dấu chặng đường khai phá sớm ở vùng đất Vĩnh Long của những ngư dân từ miền Bắc, miền Trung vào.
1/ Chài
Một số gia đình có nhiều loại chài để bắt tôm cá được nhiều hơn, có tính chuyên nghiệp hơn. Đặc biệt, có nhiều gia đình chuyên làm nghề chài, sống tập trung thành xóm… và được gọi là xóm chài hay xóm vạn chài. Các gia đình nông dân ở ven sông rạch gần như nhà nào cũng có chài để bắt cá tôm. Có xóm chài ở Phường 2 – TPVL hay xóm chài ở ấp Thuận Tiến – xã Thuận An – huyện Bình Minh mới thành lập vào những năm 70 của thế kỷ XIX. Hiện nay, xóm chài ở Phường 2 không còn hoạt động, nhưng ở đây vẫn còn miếu thờ bà Thủy và đường Xóm Chài. Từ xóm chài, người dân đi chài ở nhiều nơi trên ghe 15 – 20 giạ, dài 10 – 12 mét, với 2 – 3 người. Họ đi chài quanh năm. Những tháng 6, 7, 8 âm lịch, đi chài ở sông rạch nhỏ vì cá theo nước lên ruộng. Những tháng còn lại, chài ở sông lớn do cá theo nước ra sông. Mỗi tháng từ 7 – 10 và 20 – 25 âm lịch là lúc nước kém, chài được nhiều cá tôm. Trong năm thì từ tháng 9 – tháng 5 là mùa chài. Đặc biệt ngày 25/9 và 25/10 hàng năm bắt được rất nhiều tôm, ngư dân gọi là ngày “tôm chạy”.
Đi chài được thực hiện lúc nước ròng xuống gần thấp nhất và nước bắt đầu lớn. Còn chài dọc theo bờ sông thì thường là lúc nước lớn. Ở Vĩnh Long cũng như những nơi khác ở ĐBSCL, người dân thường căn cứ vào mắt chài, chia chài ra làm hai loại : chài dày và chài thưa. Chài dày có mắt khoảng 1 – 2 cm, chài dày 5 – 6 mét, dây dụi dưới 10 mét, dùng bắt tép, cá nhỏ… Chài thưa có mắt khoảng 3 – 4 cm, chài dày 7 – 15 mét, dây dụi dài 20 mét, dùng bắt tom cá lớn : tôm càng, cá bông lau, cá cóc, cá út, cá hô… Về mặt sử dụng thì chài dày thường được vãi hơn là rà (rê). Ngược lại, chài thưa thường được rà hơn vãi.
Chài dọc theo bờ sông bắt tép lúc nước lớn. Người dân dùng cám rang nhồi đất ném xuống sông, mỗi chỗ 2 – 3 cục. Đợi khoảng 10 phút, dùng chài vãi úp bắt tép.
Đi chài thường có hai người, người sau lái, bơi hay chèo giữ xuồng, tam bản, ghe cân bằng. Chài vãi thì người trước mũi “bắt chài” : tay phải phăng từ dây dụi xuống đáy chài, chỉ chừa lại một đoạn dài khoảng một mét, kéo một mí chài máng trên cùi chỏ tay mặt, tay trái cầm một mí ngay túi chài (dùng thay bọc chài, có kẹp chì). Sau đó, lấy đà vãi mạnh chài ra trước mũi xuồng, đợi chài chìm đến đáy sông mới kéo gom chài lên. Chài rà thực hiện dễ hơn. Sau khi cho xuồng ngang sông, người trước mũi nắm mí chài thảy lại cho người sau lái hoặc “bắt chài” vãi nhẹ cho người sau lái nắm, hai người chỉ căng một đoạn trên xuồng, phần còn lại rà dưới đáy sông. Hai người đều bơi cho xuồng đi theo dòng nước một đoạn ngắn thì cả hai đều buông chài xuống. Đợi chài chìm xuống đáy, kéo gom chài lên.
2/ Đóng đáy
Khác với chài, nghề đóng đáy không phải gần như phổ biến ở các gia đình sống ven sông rạch, mà trong một đoạn sông dài vài cây số chỉ có một, hai gia đình làm nghề nông và gần như có tính chuyên nghiệp, hoặc nhiều gia đình sống tập trung thành một xóm – xóm đáy – như xóm đáy ở Phường 9 – TPVL, ở ấp Mỹ An, ấp Mỹ Hưng 1, Mỹ Hưng 2 – xã Mỹ Hòa – huyện Bình Minh… Những ngư dân sống ven sông làm nghề chài nghề đáy biết rất rõ về con nước và cá tôm.
“Cận thủy tri ngư lánh
Cận sơn thức điểu âm”.
Đóng đáy ở Vĩnh Long phổ biến là được thực hiện lúc nước ròng chảy ra, nước lớn chảy vô thì không đóng đáy. Do nằm giữa sông Tiền và sông Hậu nên đóng đáy ở Vĩnh Long không chỉ thực hiện ở rạch, sông nhỏ, sông con, mà cả ở sông lớn, sông cái, sông Tiền, sông Hậu. Ở sông, rạch nhỏ chỉ đóng một miệng đáy ở giữa sông, nhưng ở sông lớn thì ngang sông đóng nhiều miệng đáy. Chẳng hạn, đoạn sông Cổ Chiên người dân đóng 16 miệng đáy, mỗi miệng đáy rộng 12 mét, tạo thành một hàng đáy giăng ngang sông rộng 192 mét. Hàng đáy đầu cách một bên bờ 40 mét, miệng đáy được đương rất to bằng chỉ gai, túm lại gần ở phần đáy. Cuối miệng đáy có gắn đú để hứng cá. Đú có chu vi 0,8 mét, dài 6 mét, xưa đương bằng tre, nay dùng lưới. Ở những sông rạch nhỏ, người dân cắm cọc ở lòng sông giữ miệng đáy, còn ở sông lớn thì thả bè tre và sau này dùng phao bằng thùng phuy. Riêng neo giữ bè cũng làm bằng gỗ khá lớn, phần đốc neo dài 4 mét, giá neo 2 mét và kiếng neo 3 mét. Đóng đáy ở sông lớn có hai loại : loại đáy nổi cách mặt nước khoảng 7 mét và đáy ngập cách đáy sông khoảng 7 mét. Đáy nổi bắt cá lòng tong, cá cơm, cá mè, cá ngựa, cá hú, cá ba sa, cá út… nói chung là cá và tép. Đáy sập bắt cá lưỡi trâu, cá phèn, cá ngát, tôm…
TS Đặng Văn Thắng – Theo sách Tìm hiểu Văn hóa Vĩnh Long