Trước khi tìm hiểu về ngư cụ cần quan tâm đến yếu tố nước ở Vĩnh Long bởi nước là môi trường sống còn đối với cá.

Vĩnh Long, cũng như những nơi khác ở ĐBSCL, mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 11, những tháng còn lại là mùa khô. Lượng mưa ở Vĩnh Long cũng không đều nhau : lượng mưa ít từ – trên 500 mm – ở phía Bắc (thị xã, huyện Long Hồ) cho đến những nơi mưa nhiều – trên 2.000 mm – ở phía Nam của tỉnh (Trà Ôn, Bình Minh, Vũng Liêm) (Lê Bá Thảo, 1986 : 40).

Nhưng ở Vĩnh Long do nằm giữa hai con sông lớn là sông Tiền và sông Hậu nên nước không phải chỉ do mưa tại chỗ, mà còn do ảnh hưởng từ nước của hai con sông này. Những năm có nước lũ thì ở đây chỉ bị ngập khoảng từ 0,4 – 0,9 mét, tùy nơi thời gian bị ngập nước cũng ngắn hơn và nước lũ thoát cũng nhanh hơn. Mặt khác, tuy ở gần biển, có ảnh hưởng phần nào của mùa gió chướng, nhưng vẫn nằm ngoài đường ranh mặn nên có nước ngọt quanh năm (Lê Bá Thảo, 1986 : 125).

Ở Vĩnh Long cũng có chu kỳ nước trong tháng do ảnh hưởng của mặt trăng. Tính theo âm lịch thì khoảng ngày mồng một và ngày rằm (ngày 15) là lúc nước rong (nước lên) và khoảng giữa hai đoạn trên là nước kém, trong đó kém nhất là ngày 10 và 25 (nước xuống). Ngoài ra, nước ở Vĩnh Long còn bị ảnh hưởng của chế độ bán nhật triều của biển Đông : trong một ngày và đêm, hay tính chính xác là trong 24 giờ 57 phút có hai lần nước lớn và hai lần nước ròng (Phan Hữu Trinh, 1988 : 80). Giữa nước lớn và nước ròng, một khoảng vài phút nước đứng. Thời gian nước lớn và ròng trong ngày cũng không giống nhau. Theo kinh nghiệm của ngư dân như sau : ví dụ ngày rằm (ngày 15 âm lịch) là nước lớn nhất trong tháng, nước bắt đầu lớn khoảng một giờ khuya và một giờ trưa. Ngày hôm sau (16 âm lịch), nước sẽ lớn muộn hơn khoảng sau một giờ, tức nước lớn khoảng hai giờ khuya và hai giờ trưa, và như thế, khoảng cách nước lớn các ngày khác nhau sau đó sẽ rút ngắn thời gian lại mà ngư dân gọi là “nước xoay”. Thời gian đó, theo ngư dân, từ khoảng một giờ xuống dần khoảng 35 phút.

Về cá, từ thời Nguyễn cũng ghi nhận được 36 loại cá tôm của tỉnh Vĩnh Long (lúc đó bao gồm cả tỉnh Trà Vinh và tỉnh Bến Tre) như hoa lê ngư (cá trâu hay cá lòe), quá sơn ngư (cá rô), giác ngư (cá trê), úc ngư (cá vé), lăng ngư (cá lăng), lô hoa ngư (cá bông lau). phạn ngư (cá cơm), hải mã (cá ngựa), hoàng thiện (con lươn), xích hà (tôm đỏ), ngân hà (tôm bạc), thanh hà (tôm xanh), bạch hà (tôm trắng), thiết hà (tôm đen), thổ hà (tôm đất) (Đại Nam nhất thống chí, 1973 : 75 – 77).

TS Đặng Văn Thắng – Theo sách Tìm hiểu Văn hóa Vĩnh Long

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *