Vào dịp Tết, người dân miệt vườn Vĩnh Long chuẩn bị rất kỹ. Họ sắm nhiều thức ăn có thể để dành cả tháng, nhất là những người dân vùng cù lao xa chợ. Nhà nào cũng kho nồi thịt kho tàu to tướng với những khúc thịt đùi nạc, mỡ dày, chắc và thả vào nồi nước dừa xiêm đó không biết cơ man nào là trứng vịt rồi nấu cho tới khi cả thịt lẫn trứng trở nên nâu bóng, thơm ngào ngạt. Dưa giá được làm sẵn từng vịm to. Gà hầm măng, gà xào măng, thịt heo ram để làm món bì cuốn luôn có sẵn trong chảo to, ăn tới đâu xắt tới đó. Bánh tráng xếp từng chồng. Tôm khô – củ kiệu đầy ắp, lạp xưởng, nem chùm treo đầy mấy cây đinh trên tường, khô cá thiều ướp đầy tiêu treo lủng lẳng, bánh phồng tôm đựng đầy bao. Hàng lô hàng lốc mứt dừa, mứt gừng, mứt bí, mứt khoai lang, mứt chùm ruột, mứt chuối khô ngào đường với đậu phộng và dừa. Bánh tét nhân mặn, nhân chuối treo từng chùm, bánh ít nhân đậu, nhân dừa đựng cả thúng… Mồng 3 Tết, nhà nào cũng thịt gà tiễn đưa ông bà. Mùng 4 Tết cúng vườn, cúng chuồng rất long trọng. Chủ vườn dán lá vàng lá bạc lên một số cây tượng trưng rồi cúng gà, xôi, trầu rượu để cầu cho vườn tược sum xuê, nhiều hoa lợi.
Mồng 5 tháng Năm Tết Đoan ngọ, nhà nào cũng làm gà, vịt cúng, đặc biệt là làm bánh xèo, đem bếp ra ngoài sân nấu nướng. Nhất định phải có cơm rượu. Theo tục cũ, họ lấy tàu cau bện 9 lỗ, mỗi hàng 3 lỗ, lấy miếng xương rồng và thêm 3 trái cau tầm vông xỏ xâu treo trước cửa thay bùa Thái thượng Lão quân…
Rằm tháng Giêng, tháng Bảy, tháng Mười, nhà nào cũng nấu chè xôi cúng Thượng ngươn, Trung ngươn và Hạ ngươn. Đặc biệt rằm tháng Bảy Trung ngươn là cúng cô hồn, nhà nào cũng cúng bánh cấp, cũng làm bánh ú lá tre gói bằng lá tre lùn.
Trong đám tuần, họ mới cúng bánh cúng, bánh cấp. Đám giỗ bao giờ cũng có mấy chục loại bánh ngọt, không thể thiếu bánh tai vị của Vĩnh Long xưa. Đó là loại bánh có hình bông hoa 5 cánh, ở giữa nhân đậu xanh, bên ngoài là bột bánh bao chỉ. Ngoài ra còn có xôi vị cắt miếng chả, bánh đúc, bánh thuẫn, bánh da lợn, bánh bò nướng, bánh bò tươi hình con bướm, bông hoa đủ màu… Đặc biệt không thể thiếu món bánh tét, bánh ít truyền thống.
Trong nhà của những phụ nữ đảm đang, khéo léo ở Vĩnh Long lúc nào cũng có sẵn bột gạo, bột nếp. Nhiều người phụ nữ chỉ lo nội trợ trong nhà nên việc bếp núc, nữ công gia chánh rất khéo léo. Họ tự làm sẵn bột để làm bánh như lóng bột bằng nước trái thơm, ép cho bột được trong và dai để làm bánh cho ngon, sau đó bồng bột thật khô, mịn, để dành sẵn. Bất cứ lúc nào trong nhà cần làm bánh là đã có sẵn tất cả bột, đường, va-ni, các loại khuôn bánh… Tập quán của người dân Vĩnh Long cũng như ở Nam bộ thích ăn bánh, chè sau giấc ngủ trưa. Vào ngày lễ, Tết, chủ nhật… những nhà có con gái lớn thường thích tụ họp nhau lại làm bánh, nấu chè để cả nhà cùng ăn vui vẻ.
Vùng Vĩnh Long có một loại bánh ngọt đặc biệt là bánh lá. Khi thấy thèm ăn bánh này, người ta xách rổ ra vườn hái một mớ lá mít, nếu không có thì hái lá dừa, đem vô nhà rửa sạch, xong làm bánh. Bột gạo loại ngon, dai luôn có sẵn trong nhà, chỉ lấy ra nhào bột với nước cốt lá dứa, nước cốt dừa và đường cho vừa ngọt vừa béo, sau đó nắn, miết bột đó lên mặt lá mít hoặc lá dừa y theo hình dạng chiếc lá, xong xếp vào xửng hấp cách thủy. Trong lúc chờ bánh chín, người ta thắng nước cốt dừa cho đặc lại, béo ngậy. Lúc bánh chín, mỗi người cầm từng chiếc lá dừa dài sọc hoặc chiếc lá mít dầy láng trong tay, gỡ bánh ra rồi chấm vào chén nước cốt dừa, vừa ăn vừa ngồi chơi trò chuyện với nhau thật là vui và đầm ấm.
Phụ nữ Nam bộ rất thích làm bánh. Trước đây, hầu như nhà nào cũng có xửng hấp bánh thuẫn, cũng có khuôn để làm bánh phục linh, bánh kẹp, bánh bông lan, bánh khọt… Khuôn bánh phục linh bằng gỗ tốt, mỗi khuôn có tay cầm, chạm khoảng 4 – 8 khuôn bánh hình hoa cúc, hình quả trám, hình trái tim… Bột rang chín nhồi với nước cốt lá dứa và nước cốt dừa, rất thơm, xong miết vào khuôn. Sau đó, người ta cầm cán gõ một cái nhẹ thì 8 cái bánh nhẹ nhàng rơi ra, chỉ xếp ra dĩa là ăn ngay, vừa thơm vừa béo… Người dân Vĩnh Long cũng thích ăn bánh lọt nước đường. Họ nhào bột với lá dứa cho màu xanh lục nhạt, đổ bột lên khuôn thiếc đục lỗ, xong lấy cây chà. Bột đang nóng theo lỗ lọt xuống chậu nước lạnh thì sẽ đặc lại ngay. Sau đó vớt bánh lọt bỏ vào ly, thắng nước đường và nước cốt dừa chan vào, ăn thật là ngon và thơm, béo…
Hiện nay, Vĩnh Long đã phát triển một hệ thống các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp sản xuất thực phẩm không những đủ cung cấp cho nhu cầu trong tỉnh, mà còn cho các nơi khác và xuất khẩu như làm nấm rơm muối xuất khẩu với sản lượng từ 700 – 1.000 tấn nấm rơm muối mỗi năm. Ngành này sử dụng được lao động nhàn rỗi ở nông thôn và tận dụng được rơm thừa. Hột vịt muối của hai công ty Vĩnh Long, Phương Tường cũng xuất khẩu khoảng 50 – 60 triệu quả mỗi năm, chủ yếu cho các nước khu vực Đông Nam Á.
Nhiều lò, xóm nghề chế biến thực phẩm lâu đời, nổi tiếng của Vĩnh Long như các xóm nghề làm nước chấm, tương chao, tàu hũ ky tại các xã như Mỹ Hòa, Thành Lợi, Tân Quới ở huyện Bình Minh; xóm nghề hủ tiếu, bún ở Long Hồ; xóm nghề làm bánh bao chỉ, kẹo đậu phộng, kẹo mạch nha, bánh kẹo các loại… Đa số các lò này của người Hoa tại TXVL và các thị trấn lớn của tỉnh như lò bánh Tân Quang chuyên sản xuất bánh trung thu, từng đoạt HCV tại Hội chợ toàn quốc. Hoặc như xóm nghề làm bột khoai mỳ, làm bánh kẹp tại ấp Nhà Thờ, xã Tường Lộc, huyện Tam Bình. Tại đây, từ lâu đời có một xóm khoảng 50 hộ chuyên làm bột mỳ bằng bột củ khoai mỳ, làm bánh kẹp… Riêng bánh giấy thì mới có khoảng vài chục năm nay. Do có nguyên liệu bột mỳ, bà con sáng kiến chế ra bánh kẹp, bánh giấy, trên cơ sở đó mà chế ra. Bánh giấy, một loại bánh tròn đường kính khoảng 20 cm, màu trắng, mỏng, xốp, nhạt. Bánh xếp thành từng xấp bán cho trẻ em ăn. Sau đó, người ta thấy bánh dai, ngon, có thể thay bánh phồng để gói xôi cho nếp không dính tay, do đó, người dân tại đây phổ biến làm và dần dần, họ phát triển cách thức chế biến theo khẩu vị của người tiêu dùng. Bánh được làm hai loại : loại bánh lạt không có đường và mè, dùng để gói xôi; loại bánh mặn có thêm hành lá, mè, nước cốt dừa để ăn chơi. Nguyên vật liệu để làm bánh này gồm bột khoai mỳ, bột gạo, nước cốt dừa, lòng trắng trứng, mè, đường, muối, hành, bột nổi, bột sô-đa. Bánh lấy từ khuôn ra, xếp vào bao nilon thành từng “cây”. Trung bình, một kg bột khoai mỳ làm được 11 cây bánh, mỗi cây bánh có 13 cái bánh, đường kính 22 cm. Còn loại bánh nhỏ hơn với đường kính 16 cm thì một kg bột khoai mỳ làm được 14 cây bánh, cứ 10 cây xếp vào một bao.
TS Phan Thị Yến Tuyết – Theo sách Tìm hiểu Văn hóa Vĩnh Long