Theo truyền thống, lễ Chol Chnam Thmay được tiến hành đồng thời trong từng gia đình và ở tất cả các ngôi chùa Khmer. Trước giờ cử hành lễ, người ta chuẩn bị hai phần lễ vật, một để làm lễ tại gia đình, một để một số thành viên trong gia đình mang đến chùa dâng cúng và cùng nhau đón năm mới. Tại mỗi nhà, người ta dọn bánh trái, hoa quả, nhang đèn lên bàn thờ thiên và cũng đặt thêm một bàn lễ vật nữa ở giữa sân hoặc phía trước nhà. Mọi người đến trước bàn thắp nhang đèn, vái lạy để làm lễ tiễn Chư Thiên (Têwađa) của năm cũ và đón Chư Thiên của năm mới, đồng thời để đón năm mới và cầu xin được bình an, may mắn. Lễ này gọi là Riêl Têwađa. Ở vùng nông thôn Nam bộ, người Khmer thường làm bánh tét (num chruk hay num anhsom), bánh ít (num tiênh hay num kôm), bánh gừng (num khnhây – bánh làm bằng bột nếp pha với đường, nặn thành hình củ gừng rồi chiên cho vàng), bánh bò (num akâu) và các loại mứt… để cúng trong lễ đón Chư Thiên. Sau lễ Riêl Têwađa tại nhà, mọi người sẽ đi đến chùa cùng tham dự các cuộc vui.

Tại chùa, vào giờ cử hành lễ, Ban quản trị chùa cùng với Phật tử tổ chức lễ đón năm mới. Thông thường thì phần lớn gia đình người Khmer đều mang lễ vật đến chùa để cùng nhau đón Chư Thiên và đón năm mới. Tại đây, người ta đặt một bàn dài ra ngoài sân, trên đó bày đủ hoa quả, bánh trái, nhang đèn… do mọi người mang đến và cùng nhau lễ bái, đọc kinh cũng như cầu xin được những điều tốt lành… Dưới sự điều khiển của Achar Maha – cũng là thành viên của Ban quản trị chùa, mọi người xếp thành hàng một, đi vòng quanh chánh điện 3 lần để chào mừng năm mới và nhận thêm một tuổi. Lễ này kéo dài trong khoảng một giờ, sau đó, người ta cùng vào chánh điện để lễ Phật. Trong những năm mà lễ rước Maha Sangran được cử hành vào lúc chiều tối thì sau khi lễ Phật, đêm ấy, mọi người thường ở lại chùa để nghe các vị sư sãi đọc kinh và thuyết pháp. Nghi thức đọc kinh và thuyết pháp gồm : lễ bái Tam Bảo (Phật, pháp, tăng) thọ giới, đọc kinh chúc lành và thuyết pháp. Sau đó là các hoạt động văn nghệ, vui chơi. Thường thì sau lễ cúng ở nhà, nhiều người cũng đến chùa để nghe thuyết pháp, để gặp người thân, bạn bè hoặc để cùng nhua ăn uống, xem văn nghệ… Cũng cần lưu ý là những người giữ thọ giới “bát quan trai giới” cũng như các sư sãi, theo giáo luật, không được tham dự các cuộc vui… Hôm sau, tức là ngày “wonbot”, từ sáng sớm, mọi người đã chuẩn bị để đi chùa lễ Phật, nhất là mang thức ăn dâng cho các sư sãi dùng bởi vì vào các dịp lễ lớn và vào 4 ngày lễ hàng tháng, các sư sãi không phải đi khất thực, mà Phật tử trong khi đi lễ chùa còn mang theo cơm, thức ăn để các sư sãi dùng. Nếu như những gia đình ở gần chùa có thể làm cơm dâng lên sư sãi thì những gia đình khác có thể đem gạo, đường, sữa… để sư sãi dùng dần. Trước khi ăn, sư sãi tụng kinh tạ ơn những người đã làm ra vật thực nuôi sống con người, đồng thời làm lễ đưa vật thực đến cho những linh hồn đang chịu cảnh đói khát. Sau khi dùng cơm xong, sư sãi lại tụng kinh cầu phúc cho tất cả mọi người.    

TS Phan Văn Đốp – Theo sách Tìm hiểu Văn hóa Vĩnh Long

——————————–

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *