Thả đèn bay |
Lễ được tổ chức trong khoảng tháng 3, tháng 4 âm lịch với ý nghĩa cầu cho dân cư trong phum sóc được bình an và cho mưa thuận gió hòa. Lễ được cử hành tại một rạp lễ dựng trên một khoảng đất trống, rộng rãi trong phum và nghi thức quan trọng nhất, khởi đầu lễ là cúng thần bảo hộ của phum (Neak ta) tại miếu Neak ta. Thờ Neak ta là một loại tín ngưỡng của người Khmer và chúng ta có thể gặp miếu thờ Neak ta ở hầu hết các phum sóc của người Khmer.
Tại các phum trong huyện Vũng Liêm có 3 miếu thờ ông Tà (Kơdhum Neak ta) tại Soaikha, Kadal (cho cả Tabôn) và phum Chơn. Cũng cần lưu ý là phum Phnơl trước kia cũng có miễu ông Tà nhưng ở địa điểm cũ nằm trên địa bàn xã Trung Hiệp và gần nơi cư trú của người Kinh và hiện lại do người Kinh thờ cúng. Riêng tại các phum người Khmer ở xã Loan Mỹ hiện chỉ còn hai miễu Niek ta tại ấp Đại Thọ (người dân thường gọi Niek ta Cây trôm/ Niek ta Somrôn) và Niek ta Cây da/ Niek ta Đơmchrei (người Việt tại địa phương gọi là Ông Tà đầu lộ). Phum Tổng Hưng còn Niek ta Camrieng (ông Tà Gò răng). Các Niek ta thuộc các phum còn lại của xã Loan Mỹ đã mất trong những năm mới giải phóng do chủ trương xóa bỏ mê tín dị đoan. Các miếu Niek ta ở Đại Thọ là do dân chúng mới khôi phục lại từ năm 1995.
Lễ cầu an (kumsan phum srok) có thể được tổ chức trước hoặc sau cây mưa đầu tiên trong năm, nhưng theo người Khmer thì sau lễ này, người ta sẽ đón được cây mưa đầu tiên (vào những năm hạn hán, người Khmer cũng làm lễ cúng Neak ta để cầu mưa). Lễ cầu an kéo dài trong 3 ngày với nhiều hoạt động vui chơi như múa ram wơn. Ở bình Minh có thả đèn bay (thường thì ở Phù Ly, mỗi lần thả có từ 5 – 6 đèn)…
TS Phan Văn Đốp – Theo sách Tìm hiểu Văn hóa Vĩnh Long