Bưởi Năm roi Bình Minh ngon nổi tiếng khắp Nam bộ. Gần như nguyên cả xã Mỹ Hòa của huyện Bình Minh trồng toàn bưởi Năm roi. Đó là xã cù lao, đầu dưới là cù lao Cồn Ấu, đầu trên là ấp Mỹ An (xóm Chài). Từ xã Mỹ Khánh II trở xuống Mỹ An, Mỹ Phước, Mỹ Thới… là vùng trái cây đặc sản bưởi Năm roi. So với bưởi Biên Hòa, bưởi Bến Tre… thì bưởi Năm roi Vĩnh Long đã vượt lên và khẳng định mình, mặc dù nó mới rộ lên khoảng 30 – 40 năm nay. Đặc biệt, cái tên của nó cũng đầy những giai thoại ly kỳ, hài hước như tính cách của người dân Nam bộ.

Một trong những giai thoại về tên và nguồn gốc của bưởi Năm roi mà chúng tôi nghe được trong những ngày đi điền dã tại Vĩnh Long là do ông Bảy Minh, tức Lưu Cảnh Minh – một chủ vườn trái cây 78 tuổi quê tại xã Mỹ Thuận, huyện Bình Minh – kể.

Cách nay khoảng 30 – 40 năm, ông Hội đồng Qui là điền chủ tại Bình Minh thường bán lúa cho một ông tào kê (chành lúa) người Hoa Phước Kiến. Ngày Tết, ông tào kê này tặng cho ông Hội đồng Qui hai nhánh bưởi giống để trồng, một là giống bưởi Tàu (Trung Quốc), một là bưởi Nhật. Khi hai cây này ra quả, ông Hội đồng Qui ăn thử, nhận thấy bưởi Tàu có vị ngon ngọt, còn bưởi Nhật lạt, không ngon, do đó, ông bỏ luôn cây bưởi Nhật và nhân giống loại bưởi Tàu thêm. Lúc bưởi mới cho trái đợt đầu, còn quý hiếm, lại ngon, thì có một người làm công vác lúa nào đó lén hái trộm ăn nên ông Hội đồng Qui rất giận. Do không ai chịu nhận đã hái bưởi nên ông Hội đồng đánh nhóm người vác lúa, mỗi người năm roi. Từ đó, người ta gọi loại bưởi đó là bưởi Năm roi (31). Thân phụ của ông Bảy Minh là chỗ bạn thâm giao với thầy Ban biện Dực (là em của Hội đồng Qui), được ông Ban biện Dực tặng một nhánh bưởi Năm roi đem về trồng. Dần dần, gia đình ông Bảy Minh chiết giống bưởi này ra trồng được 3 công, thu hoạch rất cao. Thời đó, bưởi Năm roi còn rất ít người biết, thị trường chỉ chuộng nhất là bưởi Biên Hòa vì nó nổi tiếng từ lâu. Thân phụ ông Bảy Minh giới thiệu và bán bưởi Năm roi cho các ông thương lái người Hoa ở Cái Vồn để họ làm quà biếu cho các khách hàng làm ăn của họ mỗi người vài chục trái. Bưởi được mọi người khen ngon nên nó dần dần nổi tiếng và có giá trên thị trường.

Mùa thuận của bưởi Năm roi là tháng 4 âm lịch, đến tháng 10 âm lịch bưởi mới ngon, nhưng do người ta muốn có bưởi bán Tết nên phải trồng mùa nghịch để khoảng 20 – 25 Tết, bán được giá cao.

Bưởi chỉ cho trái khoảng 20 – 30 năm. Mỗi mùa, mỗi cây có độ 200 trái. Thời giá hiện nay khoảng 20.000 đồng một cặp bưởi. Như vậy, một cây bưởi bán trái cũng được vài triệu đồng.

Được gặp một chủ vườn có 3 công bưởi Năm roi tại xã Mỹ Hòa, huyện Bình Minh là ông Nguyễn Văn Na, ông cho biết mình trồng bưởi có kinh nghiệm trên 20 năm. Vườn bưởi của ông cũng được trồng từng ấy năm, mỗi công 42 cây, vườn có tất cả 126 cây bưởi. Bình quân, mỗi cây bưởi cho khoảng 10 chục quả (140 trái). Ngồi trong vườn bưởi nhà ông vào buổi chiều, hoa bưởi thơm ngào ngạt; đất cù lao yên ắng, xa xa, tiếng nước vỗ bờ mỗi khi có xuồng máy chạy qua. Trái bưởi Năm roi nhà ông bắt đầu phát triển, mọc la đà, sum xuê. Theo ông Na, trồng bưởi Năm roi vùng cù lao này cần nhiều kinh nghiệm, nếu không cũng dễ mất trắng. Trong kỹ thuật đào mương lên liếp để trồng bưởi thì mương cần sâu khoảng một mét, ngang chừng 2,5 mét. Bình thường mở bộng cho nước vào mương lé đé. Đến mùa mưa không những đóng bộng lại không cho nước vào, mà còn phải mở bộng cho nước mưa chảy bớt ra sông. Nếu để ứ nước thì sẽ hư rễ bưởi. Chủ vườn bón phân urê cho cây. Khi ra hoa thì tiếp tục bón phân mỗi nửa tháng. Chỉ đến khi cây có trái mới tưới nước ướt gốc và vô phân bò. Vùng này, bưởi Năm roi cho trái một mùa, mỗi năm thu hoạch vào tháng tám. Theo ông, về kỹ thuật chiết cây cũng là cả một đời đúc kết kinh nghiệm, nếu không thì bưởi cho trái không tốt, cây không thọ. Phải đợi cây trồng có trái được ba năm thì chiết mới thích hợp, cây sẽ được cao tuổi và phát triển tốt.

Nếu chiết cành ở ngọn sẽ cho cây bưởi thấp là đà, không có chồi, không đủ rễ trồng. Còn chiết nhánh con thì cây bưởi ra sung, lâu năm, mạnh mẽ vì mới chỉ một đời, như thế tốt hơn chiết nhánh mẹ vì đã hai đời, chỉ trồng được khoảng 40 năm. Thông thường, bưởi chiết vào tháng ba, đến tháng chín nước giựt xuống là có thể cắt và xuống đất trồng. Đến 25 tháng giêng kể như dứt vườn.

Theo ông Na, huyện Bình Minh có nhiều chủ nhà vườn trồng bưởi Năm roi rất thành công như ông Tô Văn Nho tại ấp Mỹ Lợi. Ông Nho đạt được giải A, được thưởng HCV 3.000.000 đồng trong Hội thảo vườn cây đặc sản tại Cần Thơ. Cây bưởi của ông Nho trồng trên 20 năm mà tán cây tròn đều, lá vẫn còn sung, xanh biếc, không bị bạc, không bị bệnh vàng lá, trái bưởi to, cành trơn bóng. Chỉ một công mà ông thu hoạch được khoảng 80 triệu đồng, năng suất 300 trái/ năm rất ổn định, khả năng nhân giống rất tốt. Ngoài ra còn có ông Tư Phương (ấp Mỹ Phước II) trồng 30 công bưởi Năm roi đều thành công. Ông Năm Khanh trồng thành công 7 công bưởi, có áp dụng nhiều kỹ thuật mới… Riêng vườn bưởi của ông Nguyễn Văn Na mỗi công thu được chừng 13 triệu đồng. Nhờ trồng bưởi Năm roi mà ông cất được ngôi nhà ngói rộng rãi, lót gạch bông mát rượi.

Theo đánh giá trong Hội thi cây có múi giống tốt (32) tại Trung tâm Giống cây trồng Long Định ngày 6/12/1996 do Trung tâm cây ăn quả Long Định kết hợp với Cục Khuyến lâm và Khuyến nông do Trung ương Hội làm vườn Việt Nam tổ chức thì bưởi Năm roi của xã Mỹ Hòa, huyện Bình Minh, Vĩnh Long được chọn là ngon nhất : trái bưởi Năm roi hình quả lê, thân tròn, đầu hơi thon và có núm, lúc chín khá to, màu xanh vàng tươi, trung bình mỗi trái nặng 1,8 kg. Bưởi hái xong để khoảng 10 – 20 ngày sắc lại ăn mới ngon. Bưởi Năm roi Vĩnh Long bóc ra có múi đầy đặn, mọng nước nhưng lại rất ráo và tróc, không có hạt, hương vị rất thơm, ngọt thanh. So với bưởi Bến Tre, bưởi Biên Hòa thì bưởi Năm roi Vĩnh Long cho tới nay đã vượt lên và khẳng định mình, vang danh trên thị trưởng hoa quả của Nam bộ và của cả nước.

TS Phan Thị Yến Tuyết – Theo sách Tìm hiểu Văn hóa Vĩnh Long

—————————————

(31) Người dân ở Bình Minh còn kể một giai thoại khác khá hài hước. Có một thanh niên đem lòng yêu thương cô con gái một ông chủ vườn ở Bình Minh. Ông chủ vườn này mới trồng được giống bưởi ngon. Một đêm, chàng trai hẹn với cô gái ngoài vườn để tâm sự nhưng chẳng may, khi anh chàng đang lò dò đi tìm cô gái trong vườn thì gặp ông chủ vườn. Anh chàng thà nhận đại là nghe nói bưởi ngon, vào vườn để hái trộm bưởi còn hơn là để ông chủ vườn biết là có hẹn với con gái ông thì sau này sẽ không hy vọng được ông gả con gái. Do đó, anh chàng bị chủ vườn đánh năm roi vì tội hái trộm bưởi. Từ đó, người ta gọi vui giống bưởi đó là bưởi Năm roi. Chính vì vậy mà có câu ca dao ở địa phương :

Thà rằng nhận bưởi Năm roi

Còn hơn anh ở vậy lẻ loi một mình.

(32) Đức Dân, Bưởi Năm roi – đặc sản Vĩnh Long, báo Xuân Tiếp thị 1997, trang 37

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *