NÔNG CỤ LÀM ĐẤT – GIEO CẤY

2. Bàn cào

Bàn cào hay còn gọi là bừa cào, bù cào. Bàn cào có hai loại mà nông dân thường gọi là cào rêcào tay. Bàn cào là một nông cụ luôn đi liền với cái phảng. Đối với Vĩnh Long, bàn cào cũng như phảng có quá trình lịch sử rất lâu dài, từ ngày đầu người Việt vào khai phá cho đến thập kỷ 70 hoặc 80 của thế kỷ XX.

Bàn cào rê có thân dài khoảng 1,4 – 1,8 mét, trên thân có gắn 9 răng dài 0,2 mét, cán dài khoảng 1,2 – 1,5 mét, cán tạo với thân một góc khoảng 60 độ. Bàn cào rê được làm bằng tre hay gỗ, cán thường được làm bằng cây tầm vông.

Bàn cào tay có thân dài 0,4 – 0,6 mét, trên thân có gắn 4 hay 6 răng dài 0,1 – 0,2 mét, cán dài 1,5 – 2 mét, cán tạo với thân một góc 60 độ. Bàn cào tay được làm bằng tre hay gỗ, cán thường được làm bằng tầm vông.

Phát xong, chờ cỏ thúi xác, dùng bàn cào rê gom lại từng giồng nhỏ ngay ngắn để mặt ruộng trống trải (Sơn Nam, 1984 : 97). Nếu ruộng đã có đắp bờ bao thì nông dân sử dụng thêm bàn cào tay. Sau khi dùng bàn cào rê kéo cỏ gom dọc bờ thì dùng bàn cào tay “bắt” từng đoạn ngắn đưa lên bờ.

3. Cày

Do đất ở Vĩnh Long đến đầu thế kỷ XIX “toàn là ruộng bùn sâu, không dùng trâu cày được” nên về mặt lịch sử, so với phảng thì cày sử dụng ở Vĩnh Long có lẽ chỉ có từ thế kỷ XIX, khi người Việt đã cải tạo và sử dụng đất một thời gian. Vì vậy, ở Vĩnh Long không có nhiều loại cày cải tiến từ cày Chăm như ở vùng Cần Đước – Long An : cày đỏi, cày đoạn.

Việc cải tạo từ “ruộng bùn sâu” mà nông dân gọi là “đất trầm thủy”, chỉ dùng phảng phát cỏ rồi cấy thành “ruộng cày trâu” là việc làm không khó. Chỉ cần một khoảng thời gian trên dưới mười năm là có thể thực hiện được. Đó là việc làm thủy lợi của người Việt ở ĐBSCL nói chung và ở Vĩnh Long nói riêng. Người nông dân tiến hành đắp bờ bao xung quanh một khu đất. Khi mùa lúa thu hoạch xong sau Tết thì cho nước trong đồng rút ra hết. Đất “khô nứt nẻ như mu rùa”. Cứ tiến hành liên tục như thế trong vài năm, đất sẽ dần cứng chân và cỏ cũng bớt dần. Từ phát cỏ rồi cấy >> phát cỏ, trục, cấy >> phát cỏ, cày, bừa, trục, cấy >> cày, bừa, trục, cấy… Cũng chính nhờ kinh nghiệm làm thủy lợi cải tạo từ ruộng phát thành ruộng cày mà cho đến nay, đất bưng ở Vĩnh Long không còn nữa. Tất cả đã trở thành ruộng cày.

Ở Vĩnh Long có hai loại cày : cày đỏi và cày bắp.

+ Cày đỏi

Loại cày truyền thống của người Việt ở đồng bằng sông Hồng, sông Mã là chiếc cày chìa vôi, sử dụng một sức kéo. Tiến dần về phía Nam, những nông dân người Việt thế kỷ XVII – XVIII đã tiếp xúc với chiếc cày Chăm, sử dụng hai sức kéo trên vùng đồng bằng hẹp ven biển miền Trung và đã thêm náng kiểu cày chìa vôi cho chiếc cày Chăm truyền thống. Từ đó, chiếc cày Chăm có thêm phần náng cày (Ngô Đức Thịnh – Nguyễn Việt, 1981).

Khi đến khai phá vùng đất mới ĐBSCL, người Việt lại cải tiến chiếc cày Chăm thành cày đỏi cho phù hợp với vùng đất mới. Cày đỏi có phần trạnh dính liền (tay cày) chuôi thân môm cày chứ không lắp rời như cày Chăm 120 cm, bắp cày cắt ngắn 165 cm rồi nối với đỏi dài 180 cm, đỏi nối với ách chứ không nối trực tiếp và cong vút quá ách như cày Chăm.

Với bộ phận đỏi cày độc đáo này, dù trâu cày có bước thấp bước cao qua những vũng lầy, gò đất hay qua những nơi cỏ nhiều, người cầm cày vẫn có thể tùy ý điều chỉnh bằng cách ấn chuôi cày xuống hoặc nghiêng chuôi qua hai bên cho cày ăn đất ở một độ sâu được ấn định trước. Cày đỏi rất thích hợp với vùng đất nhiều cỏ, lầy lội như xã Xuân Hiệp, xã Hòa Bình ở huyện Trà Ôn…

+ Cày bắp

Cày bắp hay còn gọi là cày Miên. Cày Miên là cày sử dụng hai sức kéo, có nguồn gốc của người Khmer. Sở dĩ gọi là cày bắp vì cày có bắp dài nối từ thân cày đến ách trâu hoặc bò. Cày bắp ở Vĩnh Long cũng như ở nhiều tỉnh khác ở ĐBSCL có hai loại khác nhau. Loại cày có chuôi thân là một đoạn gỗ liền nhau thì phần bắp cày dài và vượt quá ách một đoạn cong lên. Loại cày có chuôi thân là hai đoạn rời thì bắp chỉ dài đến ách. Loại cày này có chuôi dài khoảng 0,45 mét, thân cao 0,8 mét, trạnh dài 0,6 mét, thường gắn với tay sắt để lật đất, bắp cày dài 2,9 mét gắn liền với ách đôi.

Cày bắp thường được sử dụng ở những vùng đất cao, đã thuần thục như ở ven các sông lớn hay ở một số xã thuộc huyện Vũng Liêm, Trà Ôn…    

TS Đặng Văn Thắng – Theo sách Tìm hiểu Văn hóa Vĩnh Long

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *