Man : Bình Khê Man ở Phường I – TXVL. Có tác giả giải thích là “man di, mọi rợ”, nên những địa danh có tên Man được hiểu là xóm của người mọi. Thật ra, Man có âm biệt hóa là Vạn, để chỉ những xóm cư dân sống bằng nghề đánh bắt cá. Tên Bình Khê Man cho thấy cư dân nơi này có nguồn gốc từ Bình Định. Họ đã mang tên của quê hương cũ để đặt tên cho vùng đất mới.

Bến Vược : Một địa danh thuộc xã Bình Hòa Phước. Vược là con cá chẻm lớn, khoảng 2 – 3 ký trở lên. Địa danh này có lẽ cũng được đặt tên theo cùng một nguyên tắc với một di tích lịch sử cách mạng nổi tiếng ở Tây Ninh, được ghi chính thức là Bến Dược và đã có không ít tranh cãi về nguồn gốc của địa danh Bến Dược.

V. KẾT LUẬN

Nhìn chung, tiếng nói ở Vĩnh Long về cơ bản không có sự khác biệt đáng kể so với tiếng nói được sử dụng rộng rãi ở khu vực Nam bộ ngoài một vài đặc điểm riêng của địa phương. Những đặc điểm riêng này là kết quả của sự biến đổi ngôn ngữ trong điều kiện lịch sử – văn hóa đặc thù của Vĩnh Long. Đó là thứ tiếng Nam bộ có sự pha trộn giữa tiếng nói miền Tiền Giang với tiếng nói miền Hậu Giang và một phần với tiếng nói khu vực Bến Tre.

Cũng như các tiếng địa phương khác, trong tiếng địa phương Vĩnh Long tồn tại nhiều dạng ngôn ngữ khác nhau : ngôn ngữ của tầng lớp bình dân, của những người nông dân khác với tiếng nói của những người có một trình độ học vấn nhất định. Ngôn ngữ của những người nông dân phản ánh khá đầy đủ những đặc điểm ngôn ngữ của địa phương mình. Trong khi đó, ngôn ngữ của những người có học – mặc dù ít nhiều còn mang âm hưởng của tiếng địa phương – chủ yếu là thứ tiếng Nam bộ chuẩn. Ngoài ra, ngôn ngữ của bà con ngư dân, nông dân sống ở những làng ven sông, sinh sống chủ yếu bằng nghề chài lưới, đánh bắt cá vẫn còn lưu giữ một số đặc điểm của tiếng địa phương Nam Trung bộ (Quảng Ngãi – Bình Định). Tiếng nói ở khu vực này phần nào đồng nhất với một phương ngữ tiếng Việt hãy còn ít được nghiên cứu đến. Đó là tiếng nói vùng Duyên Hải, trải dài từ các khu vực ven biển miền Trung đến các vùng ven biển miền Nam.

Một đặc điểm nữa không thể không đề cập đến là ở những khu vực có người Khmer sinh sống. Cùng với sự hình thành từ lâu đời những cộng đồng song ngữ Việt – Khmer, tiếng Việt ở đó cũng ít nhiều chịu ảnh hưởng của tiếng Khmer, đặc biệt là về phương diện từ vựng. Tất cả những điều vừa trình bày ở trên làm cho tiếng nói ở Vĩnh Long có một diện mạo riêng so với những nơi khác như Tiền Giang hay Cần Thơ.

Trên nền tảng là tiếng Việt miền Nam Trung bộ, tiếng Vĩnh Long như thể hiện sự đa dạng và thống nhất về văn hóa của địa phương so với các địa phương khác của Nam bộ nói riêng và của cả nước nói chung.   

TS Nguyễn Văn Huệ – Theo sách Tìm hiểu Văn hóa Vĩnh Long

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *