Sau cô thôn mẹ già đầu bạc phếu
mắt mù lòa vì nỗi khóc thương con
đứa trẻ đói, mút mãi bầu ngực héo
quả phụ bi thương, năm tháng mỏi mòn…
Không chỉ phản ánh những đau thương của người dân bản xứ, bằng cảm quan nhạy bén, ngòi bút của Mặc Khải còn động chạm đếnnhững mất mát thiệt hại của chính đội quân viễn chinh Pháp. Ở vào thời điểm khác, có thể ta thấy đó chỉ là sự phản ánh một hiện thực khách quan, nhưng giữa lòng cuộc chiến, những tác phẩm như bài “Mồ ai đây?” chắc chắn có một giá trị đấu tranh tư tưởng khơng nhỏ.
Đau xót quá những chàng trai đất Pháp
đất Việt Nam, đâu phải nước nhà anh
quê chúng ta cách trùng dương bão táp
ai bắt anh sớm hủy kiếp phù sinh?
Song song với việc tố cáo chiến tranh, bằng tấm lòng yêu nước nồng nàn, khát vọng tha thiết với hòa bình, độc lập dân tộc, Mặc Khải đã luôn dùng ngòi bút của mình để động viên, cổ vũ tinh thần chiến đấu của mọi tầng lớp nhân dân, không phân biệt là thanh niên trai tráng vùng nông thôn hay những thi sĩ đã quen sống trong những tháp ngà chốn thị thành. Đó là những vần thơ rất đẹp và tràn đầy âm hưởng của những thiên anh hùng ca cách mạng.
Ta mặc lại chiếc áo xưa tơi tả
áo của ngày kháng chiến vẫn còn đây
vai bạc màu với đôi tay chằm vá
dấu cháy còn đen nám ở đôi vai.
Ta cầm lại thanh tầm vông vót nhọn
bước hiên ngang như thuở máu sôi lòng
đời gian khổ nhưng ý ta đã chọn
đem ngày xanh dâng hiến cho non sông.
Sau “Sông nước Cổ Chiên”, Mặc Khải tiếp tục cho ra đời tập “Phấn nội hương đồng”, một tuyển tập gồm 34 bài thơ, 34 bức tranh đồng quê êm đềm. Nếu “Sông nước Cổ Chiên” được xem là bản hùng ca kháng chiến thì “Phấn nội hương đồng” có thể ví như một khúc trữ tình ngọt ngào say đắm, trong đó chủ yếu ngợi ca cảnh thiên nhiên tươi đẹp và đời sống nơi thôn dã chan hòa, đầm ấm. Này đây là những bức tranh quê :
Nước bàu sen rộng
đôi ngỗng trắng phau
mã đề xanh mướt đáy ao
ròng ròng len lỏi rong màu xanh nâu.
Ao trong ấu trổ xanh tươi
vông đồng bông thắm rắc đầy lối quê
mùa lúa chim sẻ lại về
bồ câu cũng đến ngoài hè xôn xao…
Không chỉ được chấm phá bởi những màu sắc xinh tươi, những bức tranh thiên nhiên trong thơ Mặc Khải còn được miêu tả bởi những giác quan ngày càng trở nên nhạy cảm hơn, tinh tế hơn, nên chúng cũng ngày càng trở nên sinh động hơn và gần gũi hơn với tâm hồn người đọc.
Dãy lu nằm sưởi ánh nắng ban trưa
và sau bếp thoảng mùi cơm chín tới…
Tôi mơ thấy tiếng chuông chùa lanh lảnh
tiếng gió đàn buổi sáng lướt ven sông
trên sóng lam, hơi nước mờ ảo ảnh
hồn bay cao, cao vút giữa trời trong.
Tôi trở về tìm bóng mây thuở trước
in vào trong gương nước buổi chiều thu
tôi về tìm mương rãnh, chiếc cầu cau
nghe cúm núm, quốc kêu theo mé nước…
Ở “Phấn nội hương đồng” có một mảng thơ rất hay nếu không muốn nói là hay nhất, đặc sắc nhất trong toàn bộ thi phẩm, đó là mảng thơ miêu tả cảnh sinh hoạt đời thường chốn thôn quê. Thật ra, đó chỉ là những hiện thực hết sức mộc mạc, đơn giản và quen thuộc, nhưng do được miêu tả bởi một bút pháp trữ tình và lãng mạn nên những bài thơ ấy có sức truyền cảm, sức lay động mạnh mẽ. Nếu là người xuất thân từ nơi đồng quê, đọc những bài thơ này, chắc rằng, bạn sẽ không khỏi chạnh lòng nhớ thương bởi quá khứ, bởi những hồi ức êm đẹp về một thuở xa xưa. Còn nếu là người của chốn phồn hoa, bạn cũng sẽ cảm thấy xao xuyến trước một thứ hạnh phúc chân quê nhưng đằm thắm. Nhà thơ Truy Phong từng nhận xét : "Thơ Mặc Khải không mang lại những rung động thoáng qua, cũng không phải là một loài hoa sớm nở tối tàn, chỉ gieo hương trong khoảnh khắc. Thơ ông bộc bạch nhưng thâm thúy sâu xa. Sức chứa đựng trong thơ ông dồi dào khiến phải suy nghĩ và thấm thía về những điều ông nói".
Cơm chín tới than còn reo lách tách
trăng làm đèn, này chén đá, đũa tre
chuyện trên nguồn xin anh kể em nghe
đời có ngọt như tô canh cá lóc…
Sông đầy dẫy cá he, cá cóc
mương ấu xanh lềnh ốc bươu đen
mưa chiều khơi nhạc nhóc nhen*
thú vui quên tiếng sáo kèn ngoài kia…
Dựng mái lá bên bìa rừng sậy
trời thênh thang mở lối trăng soi
chồng cày vợ cấy đủ đôi
nàng đi câu cá, ta ngồi nò đêm.
Đời bình lặng bên thềm mộng đẹp
cơm gạo thường, mắm tép, dưa môn
bếp hồng lửa ấm hoàng hôn
nhớ người lạc giữa phố phường ngoài kia…
Trong những áng văn thơ đồng quê của Mặc Khải còn có một điều rất thú vị, đó là ông đã đưa vào đây khá nhiều sản vật và các đặc sản của quê hương. Đọc những bài thơ của ông viết về đề tài này, chúng ta có thể dễ dàng hình dung thấy thú ẩm thực của người dân lao động vùng sông nước phương Nam. Ngay trong văn xuôi, việc miêu tả thú ẩm thực cũng đã là điều khó, mà đưa được vào trong thơ như Mặc Khải mới lại càng hay.
Vườn ngoại trồng mận da người thơm ngọt
dừa Tân quan quài trái đụng bờ mương
cam hồng mật vỏ mỏng ngọt như đường
trên cành quít chim chìa vôi thánh thót…
Ra đồng đốt đuốc nôm chim
rạ khô sột soạt, sao chìm bưng ao
võ vẽ, chàng nghịch, ốc cao**
lúa thơm, chim mập, thịt xào bầu non
tôm nướng trộn gỏi bồn bồn
vắt thêm chanh giấy, mắm hòn***, rau răm
uống vào ly rượu mít ngâm
hơi men làm thấy bốn năm mặt trời…
Cá dồ nấu món măng chua
xoài bằm với cá rô kho thơm lừng
cá chạch kho với lá gừng
thơm tho mùi rạch, mùi bưng sen hồng…
Xét về mặt phong cách, thơ Mặc Khải là sự kết hợp hài hòa giữa những ảnh hưởng của phong trào thơ mới với những thể thơ truyền thống. Riêng ở “Phấn nội hương đồng”, Mặc Khải đã vận dụng rất nhuần nhuyễn thể thơ lục bát vào trong các sáng tác. Thêm vào đó, được thấm đẫm chất trữ tình lãng mạn nên những bài thơ lục bát của ông hiện lên đẹp như những vần ca dao. Hàng loạt bài thơ như “Rạch Cái Tranh”, “Rạch Long Hồ”, “Sông Cổ Chiên”, “Đò đạp xưa”, “Lòng bà ngoại”, “Tiếng hát trưa hè”, “Đêm mưa”, “Điệu ca sao”… là những tác phẩm tràn đầy những âm hưởng ngọt ngào của ca dao.
Mưa hè tuôn giọt
tưới ngọt đất lành
mưa về cho lúa trổ xanh
chanh giấy quằn trái, cam sành đơm hoa
rạch sông nước quyện phù sa
chòm tre măng mọc, luống cà trổ bông
mưa về, ao đỏ ròng ròng
vàng bông điên điển, sen hồng đầy lung…
Cũng giống như trong thơ văn, giữa đời thường, Mặc Khải là người sống rất chân thành và nhiệt huyết. Anh Nguyễn Sinh Từ, ở Hòa Ninh – Long Hồ, là con trai ông Lương Tử Mạnh, một người bạn cố tri của Mặc Khải. Cho đến nay, anh Nguyễn Sinh Từ còn lưu giữ được một số di bút của nhà thơ, trong đó Mặc Khải bày tỏ cũng những nỗi niềm, những khát vọng mà ông từng gửi gấm vào trong thi ca. Trong lá thư đề ngày 26/2/1970 gửi cho ông Lương Tử Mạnh, Mặc Khải viết : "Đất nước chưa thanh bình, biết ngày nào tôi được về xứ và chúng mình sống lại vui vẻ như ngày thơ ấu". Cũng trong lá thư này, ông còn bộc lộ mối quan tâm, lo nghĩ của ông đối với những thế hệ cầm bút kế tiếp, thể hiện sâu sắc ý thức trách nhiệm và tấm lòng của ông đối với tương lai, vận mệnh của đất nước. Lá thư có câu : "Mình nên hỏi chúng nó : viết để làm gì, viết cho ai đọc, hiện tình đất nước ở vào tình trạng nào" v.v… Với quê hương Vĩnh long, chiếc nôi dịu êm đã đưa ông đến với những vần thơ trữ tình đằm thắm, Mặc Khải cũng luôn dành riêng một tình yêu thương đậm sâu, thể hiện qua sự quan tâm đến đời sống của giới văn nghệ sĩ và tình hình sáng tác văn học nghệ thuật tại địa phương…
Là một người trí thức yêu nước đã trải phần lớn cuộc đời qua hai cuộc chiến tranh giữ nước của dân tộc, Mặc Khải hẳn rằng đã không tránh khỏi những bôn ba thăng trầm, những thử thách sóng gió bởi thời cuộc. Song, điều đáng quý nhất là ở bất kỳ hoàn cảnh nào – cầm súng chiến đấu ngoài chiến trường hay cầm bút tranh đấu trên mặt trận văn hóa tư tuởng – thì Mặc Khải cũng vẫn trung thành với lý tưởng và hoài bão từ thuở thanh niên. Sáng tác của ông đã có những ảnh hưởng tích cực đến phong trào sáng tác của giới văn nghệ sĩ trẻ ở miền Nam trước năm 1975. Với nền nghệ thuật của Vĩnh Long nói riêng, những tác phẩm của ông đã góp phần tạo nên sự phong phú, đa dạng, làm tươi mát thêm cho vườn hoa nghệ thuật của tỉnh nhà và làm giàu thêm cho truyền thống đất học của Vĩnh Long. Trong tiếng Hán, Mặc có nghĩa là mực. Mặc Khải có nghĩa một người cầm bút tên Khải. Cuộc đời và sự nghiệp, tấm lòng và tài hoa mà ông cống hiến cho nền văn học của nước nhà chứng tỏ rằng Mặc Khải đã không làm hổ danh cái tên ấy.
Thu Hà
——————
* nhóc nhen : một loại nhái nhỏ ở vùng thôn quê
** võ vẽ, chàng nghịch, ốc cao : tên các loại chim đồng
*** mắm hòn : nước mắm Phú Quốc