Tên ông là Phan Tòng (hay Tùng), tên chữ là Liêm, tự Thúc Thanh. Nhân dân quen gọi ông là cậu Ba nên có sách ghi là Phan Tam. Ông là con thứ ba của cụ Phan Thanh Giản và bà Trần Thị Hoạch (tự Cúc).

Phan Liêm (1833 – … )

Ông sinh ngày 29 tháng 8 năm Quý Tỵ, đời Minh Mạng thứ 14, tức ngày 12/10/1833, tại làng Tân Thạnh, tổng Bảo Thuận, tỉnh Vĩnh Long (nay thuộc tỉnh Bến Tre). Ông có vợ và ba con trai là Phan Thanh Khải, Phan Thanh Khác, Phan Thanh Đàm. Trong các người con của cụ Phan Thanh Giản, chỉ có ông và người em là Phan Tôn luôn gắn liền với nhau trong cuộc đời hoạn lộ cũng như sự nghiệp cứu nước, giúp nước.

Năm 1862, trong lúc cụ Phan Thanh Giản đang ở kinh thành Huế và cũng là lúc giặc Pháp tấn công thành Vĩnh Long, ông cùng người em lo việc tang cho mẹ ở làng Bảo Thạnh. Là người đã từng chứng kiến bước đường quan lộ lắm cảnh thăng trầm của người cha và năm 1867, khi cụ Phan Thanh Giản tuyệt thực uống thuốc độc tự vẫn ở Vĩnh Long, ông cũng là người luôn kề cận bên cha và tâm niệm những lời di huấn của cha mình.

Sau khi cụ Phan Thanh Giản quyên sinh, ông cùng các em vâng lời di chúc, tuyệt đối phủ nhận những lợi lộc của đại diện chính quyền Pháp trao cho, nhận thức trước âm mưu quyết tâm xâm lược của thực dân Pháp, sự bất lực nhu nhược củaq triều đình nhà Nguyễn và đã từng chứng kiến cái chết trăn trở của cha… Chính "những điều trông thấy" đó đã giúp ông có quyết định dứt khoát và nhanh chóng cùng nhân dân Vĩnh Long khởi nghĩa chống thực dân Pháp.

Năm 1868, sau khi an táng cụ Phan Thanh Giản được 3 tháng, Phan Liêm cùng em là Phan Tôn dấy động cuộc khởi nghĩa đầu tiên. Ông đã cử người đi liên lạc, vận động và chắp nối phong trào trên một địa bàn rộng lớn : Trà Vinh, Bến Tre, Sa Đéc. Phong trào do ông lãnh đạo được đánh dấu bằng cuộc tiến công của nghĩa quân vào Hương Điểm (thuộc Bến Tre) ngày 10/4/1868. Trận đánh đã gây trọng thương tên chủ tỉnh người Pháp, giết chết nhiều lính lệ và tay sai. Tuy trận này, các nghĩa sĩ hy sinh rất nhiều (Một thiệt hại không thể bù đắp là Bộ tướng Phan Công Tòng (hoặc Phan Tòng) bị tử trận cùng một số nghĩa binh khác. Nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu đã làm 10 bài thơ viếng Phan Tòng rất thống thiết và bài văn tế các nghĩa sĩ Hương Điểm hy sinh), nhưng đã gây một tiếng vang làm sôi động lòng dân, làm bọn thực dân Pháp phải tìm cách đối phó. Chúng bày mưu cho bọn tay sai đắc lực như Tôn Thọ Tường, Tổng đốc Đỗ Hữu Phương ve vãn chiêu dụ nhưng ông thẳng thắn từ chối. Cuối cùng chúng lại phải dùng quân sự đàn áp. Phan Liêm và em phải lánh sang Gò Công rồi đáp ghe bầu ra Bình Thuận. Bọn thống trị không bắt được hai ông, nhưng chúng cũng đưa vụ án “nổi loạn” ra tòa và đã kết án tử hình vắng mặt hai ông.

Ông ở Bình Thuận một thời gian ngắn. Sau đó, ông ra Huế, đầu quân dưới trướng Nguyễn Tri Phương, cùng trấn thủ thành Hà Nội. Ngày 20/11/1873, thành Hà Nội bị thất thủ do tướng Pháp Francis Garnier lấn chiếm. Tổng trấn Nguyễn Tri Phương bị bắt cùng với một số quan lại giữ thành, trong đó có cả hai anh em họ Phan. Chúng đưa tất cả vào Sài Gòn và sau đó sang Pháp theo lệnh của Bộ trưởng Hải quân Pháp. Một thời gian sau, thực dân Pháp đã trả cả hai anh em ông về nước. Ông Phan Liêm lại ra làm quan với triều đình Huế.

Năm 1881, Tự Đức thứ 34, theo Hoàng triều Giáp Tý niên biểu thì Phan Liêm đã mật trình lên vua một biểu đề ra một số cải cách về giáo dục, thông thương, khai mỏ…. để mở mang kinh tế đất nước. Năm 1886, dưới triều Đồng Khánh, ở tỉnh Thanh Hóa có vụ âm mưu bạo động của trên 300 người đánh lén vào thành. Việc bị phát giác, những người dự định bạo động phải trốn chạy. Nhà vua sai Phan Liêm ra đó với chức Khâm sai đại thần để ổn định tình thế.

Dưới triều vua Đồng Khánh và Thành Thái, ông cũng đã từng giữ chức Thị vệ Đại thần. Ông qua đời dưới triều vua Thành Thái, được an táng ở Huế và được truy tặng Binh bộ Thượng thư.

Cuộc đời Phan Liêm không thuần nhất : ông đã lãnh đạo nhân dân Vĩnh Long nổi dậy chống Pháp, ông cũng đã từng tham gia chiến đấu giữ thành Hà Nội. Đó là những trang sử đẹp của đời ông, chúng ta trân trọng sự đóng góp của ông vào trang sử nước nhà. Bên cạnh đó, ông cũng đã ra làm quan cho triều đình Huế trong một thời gian dài cho đến cuối đời, không đi trọn con đường đấu tranh xả thân nghĩa hiệp như lời di huấn của người cha thanh liêm Phan Thanh Giản trước khi chết vẫn còn mang trong lòng một nỗi đau mất nước.

Thái Chí BìnhTheo sách Nhân vật chí tỉnh Vĩnh Long

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *