Phạm Hùng, tên thật là Phạm Văn Thiện, sinh ngày 11/6/1912, con của ông Bộ Tùng, quê xã Long Hồ – huyện Châu Thành, nay là xã Long Phước – huyện Long Hồ – tỉnh Vĩnh Long.
Đồng chí Phạm Hùng (1912 – 1988) |
Phạm Hùng là người anh cả trong một gia đình đông anh em nên thường được gọi là anh Hai Hùng. Thuở nhỏ, Phạm Hùng học tại trường Ngã tư Long Hồ, khoảng từ năm 1918 đến 1926. Ngay từ thời này, Phạm Hùng đã ham thích võ. Ngoài thời gian học ở trường và phụ giúp gia đình, Phạm Hùng thường lén đi học võ. Sở thích này đã tạo nên ở Phạm Hùng một tinh thần thượng võ, một sức mạnh ý chí và sự dũng cảm trong hành động. Về sau, chính tinh thần và ý chí này đã giúp Phạm Hùng rất nhiều trong quá trình đấu tranh cách mạng, đặc biệt giai đoạn ở tù và những lúc phải giải quyết các vấn đề khó khăn trong những giai đoạn có tính chất bước ngoặt của phong trào cách mạng.
Năm 1927 (lúc 15 tuổi), Phạm Hùng lên học tại “Collège de Mỹ Tho”, một trong những trường lâu đời nhất của Lục tỉnh Nam kỳ và có phong trào đấu tranh của học sinh cao nhất bấy giờ. Thời gian này, Phạm Hùng ở nhà ông Út Lân tại xã Vĩnh Kim – huyện Sầm Giang, nay là huyện Châu Thành – tỉnh Tiền Giang.
Ba năm sau, khi đang học năm thứ ba bậc trung học, Phạm Hùng bị nhà trường thực dân tạm thời đuổi 3 tháng vì “hành vi vô kỷ luật” ngày 6/10/1930. Ngay sau đó, ngày 11/10/1030, Hội đồng kỷ luật của Collège de Mỹ Tho lại tiến hành xét trường hợp của Phạm Hùng rồi quyết định đuổi và xóa tên học sinh Phạm Văn Thiện trong sổ bộ nhà trường (theo QĐ số 2782 do Thống đốc Nam kỳ ký ngày 20/10/1930).
Toàn bộ nguyên nhân đưa đến quyết định này của nhà trường thực dân Pháp lúc đó thật dễ hiểu. Bởi vì không đầy một năm sau đó, ngày 01/5/1931 (ngày Quốc tế Lao Động), Phạm Hùng từ cuộc mít-tinh tại ven đồng Tam Hiệp – Mỹ Tho đã lãnh đạo cuộc biểu tình, nổi dậy của hơn 3.000 người và xử án tên Hương quản Trâu.
Đây là cuộc biểu tình ban ngày đầu tiên ở Mỹ Tho và người trực tiếp xử án Hương quản Trâu bấy giờ là Phạm Hùng, người thanh niên 19 tuổi. Thực dân Pháp vây ráp, khủng bố nhân dân, quyết bắt cho được người lãnh đạo cuộc biểu tình. Trước tình hình nhân dân bị khủng bố như vậy, Phạm Hùng quyết định thoát ly. Nhưng trên đường đi (khoảng hai tuần sau khi cuộc biểu tình nổ ra), Phạm Hùng bị bắt tại chợ Bưng – huyện Châu Thành – Mỹ Tho.
Thực dân Pháp giải Phạm Hùng đi đủ các khám. Khoảng cuối năm 1932, Phạm Hùng bị Tòa đại hình của thực dân Pháp ở Sài Gòn kêu án tử hình vì tội “biểu tình có giết người, đột phá và quấy rối trị an” và bị giải về xà lim án chém. Năm ấy, Phạm Hùng vừa tròn 20 tuổi.
Tại xà lim án chém của Khám Lớn Sài Gòn, nơi trước đó Lý Tự Trọng đã ở và đã hiên ngang lên máy chém, ban đầu, Phạm Hùng bị giam với ba người tù tử hình thường phạm. Đó là Thanh, Rỗ và Một Dặm đều can tội giết người. Trước khi Phạm Hùng đến, cả ba trong những cơn chán chường đầy phẫn nộ vì nghĩ rằng trước sau gì cũng bị giết nên thường mắng chửi, đánh bọn ma tà, gác điêng đến nỗi bọn này rất căm ghét. Khi đến ở chung, Phạm Hùng đã giải thích, phân tích và giáo dục họ : “ …Dầu thế nào, con người vẫn là con người. Con người mình đừng để bọn thực dân nó khinh. Mình chết, nó cũng không khinh được…. ”. Và từ đó, khi được cử làm người đại diện giao thiệp với bọn cai tù, Phạm Hùng đã tổ chức lại toàn bộ sinh hoạt của xà lim : nhường cơm cho các trẻ em bên khám tù phụ nữ, mượn sách và đọc cho ba người bạn tù nghe, dạy họ học rồi tập diễn tuồng trong tù với đôi chân bị cùm. Chính vì vậy, bọn ma tà, gác điêng ngạc nhiên đến cảm phục. Có lúc, Phạm Hùng đã khẳng định lại với một gác điêng tên là A-lếch-dăng : “ …Chắc chắn, các anh không còn, mà chúng tôi thì độc lập, chủ nghĩa cộng sản thực hiện ở đất nước tôi… ”. Chính A-lếch-dăng về sau gặp lại Phạm Hùng ở Côn Đảo. Một Dặm, rồi sau đó Thanh, Rỗ lần lượt lên máy chém. Trước khi đi, Một Dặm còn nói lời từ biệt. Còn Thanh, Rỗ trước khi chết hô vang khẩu hiệu : “Đả đảo đế quốc Pháp”, “Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm”.
Về sau, trong xà lim án chém này có thêm hai đảng viên là Ó và Cẩu. Cả ba chờ đến sáng thứ bảy và đã bàn bạc, sắp xếp cho ngày lên máy chém : lần lượt sẽ là Cẩu, Ó rồi Phạm Hùng. Lời của Cẩu và Ó nói với Phạm Hùng : “Lên cuối cùng, phải chính mắt nhìn những người bị chém trước, anh bằng chết mấy lần đấy”.
Trong cái bình thường kia, rõ ràng đã chứa đựng biết bao dũng khí và tấm lòng đối với đồng chí của mình.
Từ xà lim án chém này, Phạm Hùng lại bị giải đến phiên tòa xử “Vụ án Đảng Cộng sản Đông Dương”. Đây là phiên tòa đại hình đặc biệt ở tại Sài Gòn kéo dài 7 ngày liền (từ 2/5/1933 đến 9/5/1933), xử 120 bị cáo là đảng viên Đảng Cộng sản. Cùng ra phiên tòa lần này với Phạm Hùng có rất nhiều đảng viên lãnh đạo nổi tiếng : Ngô Gia Tự, Phạm Văn Phương, Lê Văn Lương, Lê Quang Sung… Tất cả đã biến phiên tòa thành phiên tòa buộc tội thực dân Pháp. Phạm Hùng đã dõng dạc : “Luật pháp các ông kỳ thật. Tôi có mỗi một cái đầu đã bị án chém này, các ông muốn chém nữa thì còn đầu đâu mà chém?”
Trong phiên tòa này, Quốc tế Cứu tế đỏ, Đảng Cộng sản Pháp đã mượn Căng-xen-lơ-ri, một luật sư tiến bộ ở Sài Gòn bấy giờ đến bênh vực cho các bị cáo. Nhưng bản án vẫn không thay đổi. Phạm Hùng vẫn là một trong đám người bị kêu án tử hình (án tử hình lần thứ hai). Ngay sau đó, Phạm Hùng trở về nhà lao án chém. Lần này, ngoài Ó, Cẩu, Thanh, Rỗ (Một Dặm đã lên máy chém rồi) còn thêm Lê Văn Lương và Lê Quang Sung.
Thời kỳ này, Đảng Cộng sản Pháp mở cuộc vận động rầm rộ đòi ân xá “10.000 chính trị phạm ở Đông Dương”, đặc biệt đòi bỏ mấy án tử hình. Nhiều nghị sĩ Đảng Cộng sản Pháp đã đấu tranh ở Nghị viện và nhân dân, công nhân Pháp đấu tranh không mệt mỏi đòi giảm án cho các bị cáo “vụ án Đảng Cộng sản Đông Dương”. Do đó, Phạm Hùng lại tiếp tục ở xà lim án chém hơn 7 tháng nữa. Cuối cùng, Phạm Hùng bị đày đi Côn Đảo cùng với rất nhiều đồng chí khác (khoảng 89 người) trên con tàu Ac-măng Rut-xô vào đầu tháng 1/1934.
Từ tháng 1/1934 đến tháng 9/1945 là thời gian Phạm Hùng ở tại Côn Đảo.
Hơn 11 năm tại Côn Đảo, Phạm Hùng ở banh 1 cùng với Ngô Gia Tự, Phạm Văn Khương, Nguyễn Chí Diễu… và thường liên lạc với bác Tôn Đức Thắng. Phạm Hùng tham gia bút chiến trên tờ nội san “Ý kiến chung” và chủ trương ra thêm tờ báo của quần chúng “Tiến lên”.
Mỗi lần kẻ thù khủng bố, đàn áp khám, đánh đập tù chính trị, Phạm Hùng đều chắn giữ cửa, đưa lưng chịu đòn đỡ cho anh em yếu phía trong, đồng thời đã từng trừng trị tên cặp rằn lưu manh bấy giờ là Tư Nhỏ. Sổ tù của Phạm Hùng chi chít dấu đỏ án phạt của Chúa đảo là do những lần đấu tranh quyết liệt bảo vệ Đảng, bảo vệ đồng chí.
Lẽ ra, đầu năm 1935, Phạm Hùng vượt ngục, vượt biển trở về đất liền để gây phong trào lại, nhưng cuối cùng, Chi ủy nhà tù cân nhắc và yêu cầu Phạm Hùng nhường lại cho Tô Châu (lãnh tụ của Việt Nam Quốc dân đảng, người mưu sát toàn quyền Pa-xki-ê, về sau xin gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương và được kết nạp tại nhà tù Côn Đảo).
Sau ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, Phạm Hùng được cử làm lãnh đạo Ủy ban phòng thủ Côn Đảo, đề phòng thực dân Pháp chiếm lại đảo. Và sau Cách mạng tháng Tám, Phạm Hùng trở lại đất liền (Đảng và Chính phủ đưa tàu ra đón) vào đúng lúc thực dân Pháp khởi hấn ở Sài Gòn ngày 23/9/1945. Cuộc chiến đấu mới lại bắt đầu. Bởi vì theo Phạm Hùng : “Người cộng sản phải về ngay để tiếp tục chiến đấu cách mạng chứ không phải về để hưởng thụ”. Cùng về đất liền lần ấy còn có bác Tôn Đức Thắng, đồng chí Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh (tức Mười Cúc)…
Ngay năm ấy, Phạm Hùng được bầu vào Xứ ủy Nam bộ. Theo bài báo “Chia tay anh Hai Phạm Hùng” của Trần Bạch Đằng viết về những kỷ niệm với Phạm Hùng đăng trên tờ “Sài Gòn giải phóng” ngày 13/3/1988 thì vào cuối năm 1945 (có lẽ là đầu năm 1946 theo tiểu sử đồng chí Phạm Hùng đăng trên báo Nhân dân số ra ngày 12/3/1988), Phạm Hùng được Đảng phân công vào hai chức vụ quan trọng : Bí thư Xứ ủy và Giám đốc Quốc gia Tự vệ cuộc Nam bộ (Công an). Trong lần gặp gỡ tại Chợ Đệm lần ấy, ngoài việc lắng nghe và giải quyết những vấn đề trong báo cáo công tác Thành ủy của Trần Bạch Đằng, Phạm Hùng có giải quyết sự kiện “Mặt trận tiền tuyến miền Tây bắt nhà báo Nam Đình” bằng cách viết giấy để Trần Bạch Đằng chuyển cho vị Chỉ huy trưởng và yêu cầu đưa nhà báo xuống Chợ Đệm. Và Phạm Hùng đã trả tự do cho Nam Đình.
Từ chiến khu Đồng Tháp, đầu năm 1949, Phạm Hùng được Xứ ủy cử ra Bắc dự Đại hội Đảng lần thứ II. Cùng đi với Phạm Hùng lần ấy có Trần Bạch Đằng và Hà Huy Giáp. Phạm Hùng làm Trưởng đoàn. Từ Đồng Tháp Mười đến Nha Trang, đoàn đi theo đường bộ. Từ Nha Trang ra Bắc đi theo hai đường : đường bộ và đường biển. Phạm Hùng và Hà Huy Giáp đi theo đường biển.
Năm 1950, Phạm Hùng đến Việt Bắc. Tại đây, Phạm Hùng gặp Lưu Hữu Phước (người học cấp II ở Cần Thơ, cấp III tại Sài Gòn, đã từng ngưỡng mộ lớp đàn anh Phạm Hùng) ở Châu Tự Do, Phạm Hùng đã nói một cách hết sức tin tưởng với Lưu Hữu Phước về phong trào ca hát kháng chiến : “Anh đừng lo, rồi đây, những trí thức, văn nghệ sĩ yêu nước khác cũng sẽ tiến lên theo Đảng, không có con đường cứu nước nào khác.”
Trong Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng năm 1951, Phạm Hùng được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Sau Đại hội, Phạm Hùng trở về miền Nam ngay và tiếp tục lãnh đạo cuộc kháng chiến chống pháp ở Nam bộ. Năm 1951, Phạm Hùng chỉ đạo một đoàn kiểm tra đi công tác tỉnh Rạch Giá, đã từng dự cuộc họp Tuyên – Văn – Huấn – Giáo Nam bộ tại Xóm Rẫy – rạch Cái Trăng do Nguyễn Văn Nguyễn chủ trì và đã có những chỉ đạo kịp thời.
Năm 1952, khi thành lập Trung ương Cục miền Nam, Phạm Hùng được chỉ định làm Ủy viên, sau đó làm Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam kiêm Bí thư và Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chánh phân liên khu miền Đông Nam bộ. Phạm Hùng vừa lãnh đạo tổ chức Đảng, vừa lãnh đạo quân đội cùng với cơ quan Ủy ban kháng chiến hành chánh phân liên khu miền Đông Nam bộ chuyển đến căn cứ Dương Minh Châu. Thời gian này, chiến khu miền Đông kéo dài cảnh thiếu gạo, thiếu muối. Thế nhưng, Phạm Hùng đã giải quyết đề nghị của Bảo Định Giang đưa 15 văn nghệ sĩ (được điều xuống miền Tây) trở lên miền Đông, trong đó có nhạc sĩ Hoàng Việt. Cần nói thêm một điều thú vị : chính cuộc sống tại căn cứ chiến khu miền Đông đã gợi hứng cho Hoàng Việt sáng tác bài hát hay còn mãi đến bây giờ – “Nhạc rừng”. Tại đây, khi cuộc kháng chiến chống Pháp tiến tới giai đoạn gay gắt nhất, Phạm Hùng đã tiến hành Hội nghị Anh hùng, Chiến sĩ Thi đua miền Đông như một cuộc tổng kết để tạo đà phát triển miền Đông lớn mạnh hơn.
Tháng 10/1953, Phạm Hùng đã tổ chức đưa cán bộ ra học tại miền Bắc với lời dặn dò hết sức thân ái : “Trên đường đi nhiều khó khăn gian khổ, các đồng chí hãy coi như mình là người chiến sĩ trong nhà tù đế quốc thì mới vượt qua hết mọi gian nguy. Hãy đoàn kết, thương yêu và dìu dắt nhau qua Trường Sơn, đi cho tới nơi”.
Năm 1955, Phạm Hùng làm Trưởng phái đoàn Quân đội Nhân dân Việt Nam bên cạnh Ủy ban Quốc tế tại Sài Gòn và sau đó ra Hà Nội.
Trong suốt thời gian công tác tại Hà Nội, Phạm Hùng bao giờ cũng quan tâm đến phong trào cách mạng miền Nam và luôn luôn hướng về cuộc đấu tranh thống nhất đất nước. Với cương vị Trưởng Ban đấu tranh thống nhất đất nước, Phạm Hùng chủ trương ra tờ báo “Thống nhất”. Tại căn nhà tập thể của Ban Tuyên huấn Trung ương, số 5 đường Lê Thánh Tôn – Hà Nội, Phạm Hùng đã trình bày, hướng dẫn những yêu cầu cần thiết về đường lối đấu tranh, nội dung và nghiệp vụ báo chí, đặc biệt đối với tờ “Thống nhất” phải “thâm nhập vào xã hội và tâm tư của những đồng bào còn sống dưới ách quân thù ở bên kia vĩ tuyến”. Cũng trong những năm này, Phạm Hùng với tư cách là Ủy viên Bộ Chính trị đã đến giảng tại trường Huấn luyện bí mật ở Gia Lâm, chuẩn bị cho các cán bộ đi Nam. Hầu như bất cứ cán bộ nào trở về miền Nam chiến đấu, Phạm Hùng đều có những lời dặn dò thân ái. Một lời dặn Anh Đức, trước khi Anh Đức về miền Nam : “Sáng tác văn học nó có cái thế mạnh mà một số bộ môn khác không sánh nổi, vì nó là hình tượng cuộc sống cụ thể được tái tạo. Tuyên truyền khô khan chung chung, người ta khó tin, chớ sáng tác – miêu tả hay, nó gây chấn động tình cảm, mang tính thuyết phục cao lắm… Hồi đó, mình đọc Vich-to Huy-gô, đọc A-na-tôn Phrăng hay Đuy-me, mình mê mẩn… ”
Năm 1967, lúc sửa soạn khẩn trương cho đợt Tổng tiến công Mậu Thân, Phạm Hùng về miền Nam thay Nguyễn Chí Thanh làm Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Chính ủy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam và đã giữ những chức vụ này cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.
Chúng tôi xin trích một đoạn tiểu sử của Phạm Hùng đăng trên báo Nhân dân số ra ngày 12/3/1988.
“Năm 1975, trong chiến dịch Hồ Chí Minh, đồng chí giữ chức Chính ủy Bộ Chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh.
Năm 1976, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng, đồng chí được bầu lại Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Ủy viên Bộ Chính trị. Được cử làm Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Năm 1980, kiêm giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ V (3/1982) của Đảng, đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bộ Chính trị Trung ương Đảng, tiếp tục làm Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI (12/1986) của Đảng, đồng chí được bầu lại vào BCH Trung ương Đảng và Bộ Chính trị.
Quốc hội khóa VIII kỳ họp thứ nhất (6/1987) đã bầu đồng chí làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước CHXHCN Việt Nam.
Đồng chí là đại biểu Quốc hội khóa II, khóa III, khóa VI, khóa VII và khóa VIII.
Do những cống hiến to lớn của đồng chí đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và đối với sự nghiệp tăng cường đoàn kết quốc tế, đồng chí đã được Đảng và Nhà nước ta tặng thưởng Huân chương Sao Vàng – Huân chương cao quý nhất của Nhà nước ta và nhiều Huân chương khác.
Nhà nước Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết đã tặng đồng chí Huân chương Cách mạng tháng Mười, Huy chương Vì sự nghiệp liên minh chiến đấu; Nhà nước Cộng hòa Cu Ba tặng Huân chương E. Chê-va-ra hạng Nhất; Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Tiệp Khắc tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất và Huy chương Vì tình anh em chiến đấu; Nhà nước Cộng hòa Nhân dân Bungari tặng Huân chương G. Đi-mi-tơ-rốp”.
Kể từ Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI (12/1986), Đại hội mở ra đường lối đổi mới của cách mạng Việt Nam, với cương vị Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Phạm Hùng hơn lúc nào hết đã gánh vác một trọng trách mà Đảng và nhân dân giao phó : giải quyết tình trạng một nước nghèo nàn sau chiến tranh, lại bị kẻ thù dùng mọi thủ đoạn bao vây kinh tế và phá rối chính trị xã hội.
Trong cuộc đấu tranh cho hoạt động đổi mới để đưa đất nước vượt qua những khó khăn hiện tại và kịp thời tiến lên phía trước, bắt kịp nhịp phát triển của thế giới, ngay trước ngày ra đi, 9/3/1988 Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng đã nói chuyện với Hội nghị Giám đốc Ngân hàng toàn quốc họp tại thành phố Hồ Chí Minh. Đây là bài phát biểu quan trọng cuối cùng của Phạm Hùng. Trong bài nói chuyện quan trọng này, đánh dấu một bước phát triển mới của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Phạm Hùng đã nêu 5 yêu cầu có tính chất chỉ đạo để chuyển hoạt động của Ngân hàng sang cơ chế hạch toán kinh doanh.
Hồi 13 giờ 35 phút, ngày 10/3/1988, ông Phạm Hùng mất tại thành phố Hồ Chí Minh sau một cơn đau tim đột ngột. Trong ngày tang lễ “có 678 đoàn, trong đó có trên 50 đoàn là nhân dân với gần một vạn lượt người đã đến Hội trường Thống Nhất tiễn đưa đồng chí Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng – người bác, người chú, người anh, người bạn – về nơi an nghỉ cuối cùng”.
Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam vô cùng thương tiếc ông : “Công lao của đồng chí Phạm Hùng đối với sự nghiệp cách mạng nước ta rất to lớn. Cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi và phong phú của đồng chí là một tấm gương sáng đối với mọi người cộng sản và mọi người Việt Nam ta. Đồng chí không còn nữa, nhưng hình ảnh đồng chí sống mãi trong trái tim chúng ta” (Trích điếu văn đọc tại lễ tang).
Nhiều bài nói chuyện, bài viết của ông Phạm Hùng đã được các nhà xuất bản cho sưu tầm, biên tập và xuất bản thành sách :
1. Mấy vấn đề về an ninh chính trị và an toàn xã hội trong tình hình mới, NXB Công an Nhân dân, 1982.
2. Đấu tranh chống tiêu cực là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách của cách mạng xã hội chủ nghĩa, NXB Công an Nhân dân, 1984.
3. Kiên quyết đánh thắng kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt của địch, NXB Sự thật, 1984.
4. Tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, NXB Nhân dân, 1985.
5. Xây dựng lực lượng Công an Nhân dân trong sạch vững mạnh, NXB Công an Nhân dân, 1985.
6. Điển hình tiên tiến trong phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, Phạm Hùng, Trần Đông, NXB Công an Nhân dân – 1987.
Khu tưởng niệm cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng được xây dựng và khánh thành vào ngày 11 tháng 06 năm 2004, trên chính quê nhà của đồng chí tại ấp Long Thuận A – xã Long Phước – huyện Long Hồ.
Theo vinhlong.gov.vn