Út Trà Ôn tên thật là Nguyễn Thành Út, sinh năm 1919, tại làng Đông Hậu, huyện Trà Ôn, tỉnh Cần Thơ, nay thuộc tỉnh Vĩnh Long. Nhiều anh em, bạn bè còn gọi Út Trà Ôn bằng cái tên thân mật – cậu Mười.
Ông sinh trưởng trong một gia đình khá giả. Ông nội nhiều năm giữ chức Chánh Hương quản trong làng nên ngay từ thuở nhỏ, Út Trà Ôn đã có dịp tiếp xúc với nhạc cổ thông qua những buổi tế lễ mà ông vốn có giọng hát tốt, thường được chỉ định làm học trò lễ xướng.
Đệ nhất danh ca Út Trà Ôn |
Càng lớn, máu mê đờn ca càng thôi thúc, ông theo các nghệ sĩ tài tử quanh vùng học đờn, học ca và theo sự rủ rê của một số bạn bè, ông bỏ làng lên Sài Gòn, bắt đầu sống cuộc đời ca hát. Đầu tiên, ông vào hát cho nhà hàng Đức Thành Hưng (ở đường Lê Thánh Tôn bây giờ). Hồi đó, các nhà hàng lớn thường mướn những ban nhạc tài tử phục vụ để thu hút khách. Hãng rượu “Con mèo” thấy có thể quảng cáo hàng của mình thông qua hình thức ca nhạc tài tử này nên tổ chức hát trao giải thưởng rượu. Út Trà Ôn đã tham gia và đã đoạt giải. Hãng radio Sài Gòn và radio Phinco cũng bắt đầu mời ông đến hát để quảng cáo. Không bỏ lỡ cơ hội, hãng dĩa Asia mời ông thu bài đầu tiên “Thức trót đêm đông”. Dĩa hát bán rất chạy, nên Asia mời ông thu tiếp một số bài như “Sầu bạn chung tình”, “Tôn Tẩn giả điên”, “Sầu vương biên ải”… Đầu những năm 50, tiếng tăm của Út Trà Ôn đã nổi lên như cồn.
Sau bài hát đầu tiên, gánh Tân Thinh mời ông cộng tác. Được một thời gian, ông chuyển sang gánh Hề Lập. Giai đoạn này ông chỉ đóng được vai “Thổ Hành Tôn” trong vở “Phong thần”. Năm 1945, ông sang hát cho gánh Thanh Long. Sáu tháng ở gánh Thanh Long, ông chỉ đóng được một vai Hoàng tử trong "San Hậu", lớp chót. Buồn vì nghề nghiệp, ông nghỉ hát và xuống Long Xuyên dạy đàn tranh với người anh ruột. Tại đây, ông gặp đoàn Tiến Hoá và theo lời khuyên bảo của một số người, ông ký hợp đồng với đoàn Tiến Hóa. Vai diễn đầu tiên ở đoàn này là Tào Tháo trong “Tào Tháo dâng đao”. Tài diễn xuất và giọng ca dần dần chinh phục được người xem, ông từng bước tự khẳng định mình. Chẳng bao lâu, khi kép Bôn Tẩu không diễn được thì ông đã thay thế, hát chính trong vai Văn Tiến, vở “Chính người trung liệt”. Đoàn Tiến Hóa tan rã thì lập tức, Mộng Vân mời ông về hát cho gánh của mình. Bằng một số vai diễn như phó tướng Phi Anh trong vở “Nữ chúa Chiến Linh”, thái tử lưng gù trong vở “Một tình tan vỡ”… Út Trà Ôn đã vươn lên thành một diễn viên có tiếng tăm vang dội. Năm 1954, ông được bầu chọn là “Diễn viên ca hay nhất”.
Đoàn Mộng Vân rã gánh, Út Trà Ôn ký hợp đồng với đoàn Thanh Minh. Có thêm ngôi sao Út Trà Ôn sáng chói, đoàn Thanh Minh đã thu hút được khách và chỉ một thời gian ngắn, ông bầu Năm Nghĩa – cha của Thanh Nga – đã trả được mấy con nợ tưởng chừng không trả nổi.
Cuối năm 1959, Út Trà Ôn nhận lời mời của ông Ba Bản – chủ hãng dĩa Hoành Sơn – cùng nghệ sĩ Ba Vân thành lập đoàn cải lương Thủ Đô. Hát ở đây một thời gian, khi Ngọc Hương, Thanh Thanh Hoa… vươn lên chiếm lĩnh được sân khấu thì ông cùng Thuý Nga, Kim Chương, Thanh Tao thành lập gánh Kim Thanh – Út Trà Ôn. Thời này, đoàn Kim Thanh – Út Trà Ôn là một trong những đoàn có sức hút khán giả mạnh, đặc biệt là sức hút của giọng ca Út Trà Ôn. Cũng trong khoảng thời gian này, giới mộ điệu và báo chí đã phong tặng ông danh hiệu “Đệ nhất danh ca”.
Đầu năm 1960, đoàn Kim Thanh – Út Trà Ôn rã, ông quay về đoàn Thanh Minh. Chẳng được bao lâu, ông cùng Hoàng Giang đứng ra lập đoàn “Thống Nhất”. Một loạt diễn viên trẻ đã xuất hiện tại đây như Bạch Tuyết, Diệu Hiền, Ngọc Bích. Đến năm 1963, ông giải tán đoàn Thống Nhất và sang hợp tác với bầu Xuân của đoàn Dạ Lý Hương. Trên sân khấu Dạ Lý Hương, ông và Bạch Tuyết đã thành công trong một số vở như “Tuyệt tình ca” của Hoa Phượng – Ngọc Điệp, “Nỗi buồn con gái” của Hoa Phượng… Vừa hết thời hạn một năm với Dạ Lý Hương, Kim Chung ký hợp đồng tiếp và bầu Long giao cho ông nhận nhiệm vụ thành lập đoàn Kim Chung 6. Kim Chung 6 hát những vở “Mạnh Lệ Quân”, “Núi liền sông băng” của Thành Phát với sự cộng tác của một số nghệ sĩ trẻ như Diệu Hiền, Ngọc Bích.
Năm 1968, khi đoàn Thanh Minh đã đi Tây diễn thì ông Năm Nghĩa có yêu cầu ông giúp. Ông cùng Thanh Nga, Ngọc Giàu, Ngọc Bích, Trang Bích Liễu diễn hai vở “Trảm Trịnh Ân" và “Lỡ bước sang ngang”, thời gian lưu diễn là hai tháng. Sau khi đi Tây về, ông không ở chính thức một đoàn nào nữa, mà thỉnh thoảng chỉ giúp những đoàn quen như Tân Thủ Đô, Phương Bình – Ngọc Bể, Minh Cảnh, Thanh Hải…
Sau giải phóng (1975), Sở Văn hóa Thông tin thành phố có mời ông cùng các nghệ sĩ Phùng Há, Ba Vân, Thanh Nga, Hoàng Giang… diễn vở “Đời cô Lựu” của soạn giả Trần Hữu Trang. Đến năm 1980, ông nhận diễn vai ông “Tám Khỏe” trong “Người ven đô” của Minh Khoa, trên sân khấu cải lương Sài Gòn I. Năm 1986, Chi Lăng – Giám đốc nhà hát Trần Hữu Trang – mời ông về cộng tác, nhưng chỉ mới diễn vở “Kiều Nguyệt Nga” thì Chi Lăng nghỉ việc, do đó, ông cũng nghỉ hát luôn. Sau đó, ông không cộng tác cho một đoàn nào cả, mà chỉ hát theo yêu cầu của các cơ quan của Đài phát thanh – truyền hình và thu băng hình video. Trong những đợt tuyển lựa giọng ca cải lương, ông luôn là thành viên trong Ban giám khảo.
Trên 50 năm, kể từ khi bước chân vào lĩnh vực sân khấu cải lương, nghệ sĩ Út Trà Ôn để lại trong lòng khán giả với hàng chục vai diễn độc đáo, hàng trăm bài hát vọng cổ mà cho tới ngày nay khó một ai có thể thay thế được.
Bắt đầu sự nghiệp từ những bài ca lẻ đến nay (1990), Nghệ sĩ ưu tú Út Trà Ôn đã đi qua một chặng đường dài trên nền nghệ thuật sân khấu cải lương của dân tộc. Trong chừng mực nào đó, chúng ta có thể xem ông như là một trong những pho tự điển sống về hoạt động sân khấu cải lương của miền Nam trước đây. Những vai diễn thành công của ông có thể kể : thái tử lưng gù trong Một tình tan vỡ của Mộng Vân, hoàng tử Bá Tùng trong Cung đàn trên sông lạnh của Thu An, ông Cò Hương trong Tuyệt tình ca của Hoa Phượng – Ngọc Điệp, ông Đô trong Nỗi buồn con gái của Hoa Phượng, Vương Bá Thiên trong vở cùng tên…
Sau ngày giải phóng (1975), trong vai Tám Khỏe của vở Người ven đô, ông đã để lại trong lòng khán giả một tình cảm khó quên. Ngoài vai Tám Khỏe, ông còn xuất hiện trên sân khấu và băng hình video những vai như Thành trong Đời cô Lựu của Trần Hữu Trang, Kiều ông trong vở Kiều Nguyệt Nga của Ngọc Cung, thái giám trong vở San Hậu của Quy Sắc…
Sắm vai diễn tuồng đã hay, nhưng “cái để đời” – cái mà Út Trà Ôn mãi mãi làm rung động lòng khách mộ điệu – chính là giọng hát qua các bài ca cổ như : Thức trót đêm đông, Sầu bạn chung tình, Tôn Tẩn giả điên, Sầu vương biên ải, Tình anh bán chiếu, Gánh nước đêm trăng, Ông lão chèo đò, Đài hoa dâng Bác, Tôi là Việt Nam, Anh là ai, Núm ruột quê hương…
Dù tuổi đã ngoài 70, nhưng giọng hát của Út Trà Ôn vẫn còn rất trẻ, giọng hát mà nhiều người ca ngợi : chân chất, ngọt ngào như phù sa sông nước Cửu Long tháng năm bồi bãi.
Không chỉ đơn thuần là một nghệ sĩ, Út Trà Ôn trong suốt quãng đời đi hát của mình cũng đã cố công bồi dưỡng, đào tạo, nâng đỡ một số diễn viên trẻ trở thành những ngôi sao sáng như Bạch Tuyết, Diệu Hiền, Thanh Thanh Nga, Ngọc Hương… đặc biệt là hai nghệ sĩ Ngọc Bích và Út Hậu.
Hơn 50 năm say mê lăn lộn trong nghề, nghệ sĩ Út Trà Ôn đã đạt đến những điểm cao của nghệ thuật :
– Năm 1954, ông được giới báo chí và khách mộ điệu bình chọn là một trong ba “kép được cảm tình nhiều nhất” (Ba Vân 4.001 phiếu, Út Trà Ôn 1.529 phiếu, Năm Châu 1.441 phiếu) và là “kép có giọng ca hay nhất” (Út Trà Ôn 6.296 phiếu, Bảy Cao 735 phiếu, Ba Vân 616 phiếu – Theo báo Tiếng dội, số ra ngày 27/10/1954). Do sự bình chọn này, giới báo chí và khách mộ điệu phong tặng ông danh hiệu “Đệ nhất danh ca”.
– Năm 1980, ông đoạt giải Nghệ sĩ A1 thành phố Hồ Chí Minh.
– Năm 1988, ông được Nhà nước tặng danh hiệu “Nghệ sĩ ưu tú”.
Ông từ trần ngày 13/8/2001, tại Thành phố Hồ Chí Minh, an táng tại Chùa Nghệ sĩ, Gò Vấp.
Theo vinhlong.gov.vn