Nguyễn Văn Thiệt sinh năm 1906 tại làng Long An, huyện Châu Thành (nay là Long Hồ), tỉnh Vĩnh Long trong một gia đình trí thức yêu nước. Cha Nguyễn Văn Thiệt là cụ Nguyễn Văn Được (thường được gọi là ông Năm Được), người đã từng ủng hộ phong trào Nguyễn An Ninh.

Thời tuổi nhỏ, Nguyễn Văn Thiệt học ở Vĩnh Long, chơi thân với Nguyễn Văn Đức và Châu Văn Ký. Nguyễn Văn Thiệt là người gan dạ, rất khẳng khái. Cho nên, sau khi rời Vĩnh Long lên học trường Huỳnh Khương Ninh tại Sài Gòn khoảng năm 1925, Nguyễn Văn Thiệt đã từng tổ chức đánh Pháp đi lẻ tẻ, nhất là bọn lính Pháp say rượu hống hách đi trên các xe kéo lúc ấy. Còn hai bạn của ông : Nguyễn Văn Đức bỏ học, đi làm; Châu Văn Ký sang học tại Cần Thơ, một năm sau lên Sài Gòn làm thư ký kho bạc.

Trong thời gian học tại Sài Gòn, Nguyễn Văn Thiệt quen với Nguyễn Văn Côn (người Gò Công, thường được gọi là Chín Côn) qua các phong trào đấu tranh của học sinh bấy giờ.

Năm 1927, khi Kỳ bộ Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội (TNCMĐCH) phân công vận động xây dựng cơ sở, Nguyễn Văn Côn (kỳ ủy viên) liền liên hệ với Nguyễn Văn Thiệt. Nguyễn Văn Thiệt giới thiệu Châu Văn Ký (lúc ấy đang ở Sài Gòn) và Nguyễn Văn Đức (tự Đại, đang sống tại Long Hồ). Nguyễn Văn Côn về Vĩnh Long, gặp gỡ, thảo luận, vận động tại một địa điểm bí mật : chùa Minh Sư (vị trụ trì chùa bấy giờ là nhà sư Ngô Văn Lợi) ở làng Tân Giai, tổng Bình Long, Châu Thành, Vĩnh Long (nay thuộc Phường 2 – thành phố Vĩnh Long). Lễ kết nạp Nguyễn Văn Thiệt, Châu Văn Ký và Nguyễn Văn Đức được tiến hành tại lăng Bà Cậu (nay thuộc Phường 2 – thành phố Vĩnh Long).

Sau đó, Nguyễn Văn Côn đưa cả 3 lên Sài Gòn ngụ tại căn nhà của tổ chức TNCMĐCH, số 45 đường Verdun, để giáo dục, rèn luyện phương cách hoạt động và phân công Nguyễn Văn Thiệt về lại Vĩnh Long vận động, tổ chức cơ sở cách mạng, còn Châu Văn Tiếp vào làm công nhân ở Nhà Bè và Nguyễn Văn Đức được đi học tại Quảng Châu (nhưng vì lý do tài chính, không đi được nên cuối năm 1928, Nguyễn Văn Đức về lại Vĩnh Long).

Khi về Vĩnh Long, Nguyễn Văn Thiệt kết nạp Nguyễn Hữu Đức (Đức Râu) và Tý (người thị xã Vĩnh Long) rồi tiến hành thành lập Chi bộ TNCMĐCH đầu tiên tại Ngã tư Long Hồ vào đầu năm 1928. Nguyễn Văn Thiệt là người Bí thư đầu tiên của Chi bộ TNCMĐCH đầu tiên này tại Vĩnh Long. Trong thời gian này, Nguyễn Văn Nhung (người Long Hồ, được kết nạp vào TNCMĐCH tại Nam Vang năm 1927) được giới thiệu về hoạt động ở Chi bộ Ngã tư Long Hồ do Nguyễn Văn Thiệt làm Bí thư. Nguyễn Văn Nhung được phân công hoạt động tại Long Hồ, Nguyễn Hữu Đức và Tý tại thị xã Vĩnh Long, còn Nguyễn Văn Thiệt đến Tam Bình rồi qua Vĩnh Xuân (Trà Ôn) tuyên truyền, tổ chức và thành lập Chi bộ Giồng La Ghì. Đây là thời gian Nguyễn Văn Thiệt quen với Trần Thị Hân (thường được gọi là cô giáo Nguyệt, vì còn có tên là Trần Thị Minh Nguyệt), con của cụ Trần Phước Định, người đóng góp lớn cho phong trào Đông Du của cụ Phan Bội Châu tại Tam Bình.

Sau đó, Nguyễn Văn Nhung được chọn về dự một khóa huấn luyện do Kỳ ủy TNCMĐCH tổ chức tại Sài Gòn. Sau khóa học này, Châu Văn Liêm (kỳ ủy viên) đưa Nguyễn Văn Nhung về Long Hồ, giới thiệu làm Bí thư thay Nguyễn Văn Thiệt.

Năm 1929, do tình hình hoạt động và khuynh hướng chung của các tổ chức cách mạng trong cả nước lúc bấy giờ, Châu Văn Liêm ở Ban Chỉ huy lâm thời Trung ương An Nam Cộng sản Đảng (ANCSĐ) về Vĩnh Long, kết nạp Nguyễn Văn Thiệt, Nguyễn Văn Nhung, Nguyễn Hữu Đức vào ANCSĐ, đổi tên Chi bộ TNCMĐCH thành chi bộ ANCSĐ và cử Nguyễn Văn Nhung làm Bí thư.

Cuối năm 1929, Nguyễn Văn Nhung bị mật thám Pháp về lùng bắt, buộc phải xuống Rạch Chùa, Tam Bình rồi sang Cà Mau hoạt động. Do đó tháng 2/1930, do tình hình thống nhất các tổ chức Đảng lúc bấy giờ, Châu Văn Liêm lại từ Sài Gòn xuống Vĩnh Long, chuyển Chi bộ ANCSĐ thành Chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương. Lúc này, Nguyễn Văn Thiệt được bầu làm Bí thư đầu tiên của Chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương tại Ngã tư Long Hồ.

Tháng 3/1930, Chi bộ Ngã tư Long Hồ đã tổ chức được 2 cuộc mít-tinh : một tại Rừng Dơi, xã Phước Hậu, một tại xã Long An. Mỗi cuộc mit-tinh có khoảng 100 người tham dự. Chi bộ đưa người ra diễn thuyết về sự bần cùng, lao khổ, kêu gọi đoàn kết đấu tranh và được nhân dân đồng tình ủng hộ.

Hưởng ứng chủ trương của Trung ương, Chi bộ Ngã tư Long Hồ, ngày 6/5/1930, đã tổ chức cuộc biểu tình lớn khoảng 2.000 người tham dự, gồm 3 quận : Châu Thành, Vũng Liêm, Tam Bình. Đầu tiên, cuộc biểu tình xuất phát tại Ngã tư Long Hồ kéo ra tỉnh lỵ Vĩnh Long theo đường Phường 4 bây giờ với các khẩu hiệu “Tinh thần 1/5 muôn năm", "Giảm thuế thân cho dân nghèo", "Đả đảo Đế quốc Pháp, quan làng tay sai", "Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm”. Khi đến Văn Thánh Miếu, cuộc biểu tình bị đàn áp, 8 người hy sinh và 60 người bị bắt, cuối cùng buộc phải giản tán.

Ngày 2/6/1930, Chi bộ Ngã tư Long Hồ lại chức cuộc mít-tinh ở làng Long Đức, Long An. Cuộc mít-tinh đã biến thành cuộc biểu tình có khẩu hiệu và có cờ đỏ búa liềm. Theo tài liệu “Thống kê các cuộc biểu tình do Đảng Cộng sản đông Dương tổ chức từ ngày 1/5/1930 đến 31/12/1931” thì ngày 2/6/1930, 600 người bản xứ định biểu tình ở tỉnh lỵ Vĩnh Long, 100 người bị bắt”.

Như vậy, trong vòng mấy tháng sau khi thành lập, Chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương đầu tiên tại Ngã tư Long Hồ (Nguyễn Văn Thiệt làm Bí thư) đã liên tiếp tổ chức các cuộc mít-tinh, biểu tình rầm rộ, gây được tiếng vang lớn và tạo nên những ảnh hưởng quan trọng trong phong trào cách mạng tại Vĩnh Long.

Năm 1931, Thực dân Pháp tiến hành khủng bố trắng. Chỉ trong vòng mấy tháng của năm 1931, liên tiếp các Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long (Nguyễn Văn Nhung, Nguyễn Văn Tiễn, Đặng Văn Quang) bị bắt trừ Ngô Văn Chính, người Bí thư đầu tiên của Tỉnh ủy Vĩnh Long được điều lên công tác tại Xứ ủy lâm thời bấy giờ.

Cuối năm 1932, một số đảng viên thoát được các cuộc vây ráp của thực dân đã tập hợp lại thành lập Ban cán sự Vĩnh – Trà – Bến, chủ trương củng cố lại Chi bộ, rút vào hoạt động bí mật, xây dựng cơ sở Đảng trong quần chúng. Nhưng chẳng bao lâu sau, các đồng chí trong Ban cán sự đều bị bắt. Năm 1935, sau khi mãn hạn tù, Nguyễn Văn Thiệt được sự ủy nhiệm của Xứ ủy Nam kỳ, trở về Vĩnh Long xây dựng cơ sở Đảng, bắt liên lạc với một số đồng chí vừa thoát khỏi nhà tù thực dân, trong đó có người vợ của ông là bà Trần Thị Hân (tức Trần Thị Minh Nguyệt. Về sau, năm 1940, bà bị thực dân Pháp quản thúc tại Long Hồ, bị bệnh rồi mất tại đây), Đào Kiến Liên, Võ Tấn Đức, Lê Văn Khỏe, chuẩn bị tiến hành hoạt động công khai khi Mặt trận Bình dân lên cầm quyền tại Pháp.

Đầu năm 1936, được sự bố trí của Chi bộ nhà tù Côn Đảo, Tạ Uyên vượt Côn Đảo về Vĩnh Long hoạt động. Chính nhóm hoạt động công khai của Nguyễn Văn Thiệt bố trí cơ sở bí mật cho Tạ Uyên hoạt động và tái thành lập Tỉnh ủy Vĩnh Long do Tạ Uyên làm Bí thư.

Giai đoạn 1936 – 1939, Nguyễn Văn Thiệt tham gia Ủy ban Hành động tại thị trấn Ngã tư Long Hồ với các hoạt động : tập hợp dân nguyện, tổ chức đại diện nhà báo đến yêu cầu chính quyền điều tra đưa ra ánh sáng các vụ cường hào, chủ bóc lột nông dân, công dân; tổ chức các cuộc đình công, bãi công của anh em lái xe Vĩnh Long – Sài Gòn, Trà Vinh – Sài Gòn, thợ của Cầu Tàu tại thị xã Vĩnh Long, thợ lò gạch ở Hòa Mỹ…

Khoảng cuối năm 1940 đầu năm 1941, khi tổ chức hoạt động công khai bị đàn áp gắt gao, Nguyễn Văn Thiệt bị thực dân Pháp đưa đi quản thúc tại Bà Rá, Biên Hòa. Thời gian từ cuối năm 1941 đến 1943, một số đồng chí thoát khỏi cuộc vây ráp của thực dân, vì không bắt được liên lạc với Trung ương nên tự đứng ra gây dựng cơ sở Đảng. Đến cuối năm 1943, tỉnh Vĩnh Long có 2 tổ chức Đảng hoạt động : tổ chức của Trần Văn Giàu (Tiền Phong) và tổ chức của Bùi Văn Dự (Giải Phóng).

Tháng 4/1945, Nguyễn Văn Thiệt cùng Nguyễn Hữu Thế vượt trại tập trung về lại Vĩnh Long hoạt động. Nguyễn Văn Thiệt, một mặt liên lạc với Thanh Sơn, Hà Huy Giáp, Bùi Công Trừng… hoạt động để thống nhất tổ chức Đảng, mặt khác cùng với Nguyễn Hữu Thế bắt liên lạc với các đồng chí cũ thành lập Chi bộ đặc biệt gồm Nguyễn Văn Thiệt (Bí thư), Nguyễn Hữu Thế, Phan Văn Sử, Diệp Ngọc Côn, Khuất Duy Trì và Phạm Long (ở Phước Hậu). Tháng 5/1945 chi bộ đặc biệt bắt liên lạc với Xứ ủy Tiền Phong và hoạt động dưới hệ thống của Xứ ủy này.

Bấy giờ, Chi bộ đặc biệt đã tập trung được hoạt động của các phong trào tự phát trước đây và phân công đưa người nòng cốt (Diệp Ngọc Côn, Phan Văn Sử và Khuất Duy Trì) vào Thanh niên Tiền Phong (do Nhật tổ chức) để lãnh đạo phong trào. Phong trào này phát triển và lan rộng khắp tỉnh. Theo chỉ thị của Trung ương, Chi bộ đặc biệt quyết định tổ chức Mặt trận Việt Minh trong phong trào Thanh niên Tiền Phong, lựa những người thuộc thành phần công, nông đưa vào các tổ chức cứu quốc : Nông dân cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Phụ lão cứu quốc… Chú ý vận động và chuẩn bị lực lượng vũ trang : ngoài các đội Tự vệ trong Thanh niên Tiền phong còn tổ chức được cơ sở trong quân đội như quan ba Trọng, đội Lợn, đội Dư, đội Thời. Về sau, Nguyễn Văn Thiệt luôn luôn theo sát đội Lợn (người được giao phụ trách quân đội) “để chuyển hóa dần quân đội cũ thành quân đội của cách mạng” (Hồi ký của Nguyễn Văn Thiệt và Khuất Duy Trì về Chi bộ đặc biệt).

Từ ngày 17 đến ngày 20/8/1945, Xứ ủy Nam kỳ khẩn trương mở hội nghị tại Chợ Đệm, quyết định đưa Mặt trận Việt Minh ra hoạt động công khai, thành lập Ban Lãnh đạo khởi nghĩa cướp chính quyền ngày 25/8/1945.

Sau khi nhận được lệnh Tổng khởi nghĩa của Xứ ủy, chiều ngày 23/8/1945, Chi bộ đặc biệt liền mở cuộc họp khẩn cấp trên gác tiệm phô-tô “Hà Nội” tại thị xã Vĩnh Long, đề ra kế hoạch khởi nghĩa : lấy Thanh niên Tiền phong làm lực lượng chính, vận động binh lính (chủ yếu là lính tập), công chức; động viên rộng rãi quần chúng nhân dân sẵn sàng tham gia giành chính quyền trên cơ sở chủ trương, chương trình của Mặt trận Việt Minh. Đồng thời, Chi bộ đặc biệt vạch ra kế hoạch đưa người vào cấp tỉnh và tiến hành thống nhất các tổ chức Đảng, đặc biệt bắt liên lạc với tổ chức Đảng ở Tam Bình (lúc này, tổ chức giải phóng của Huỳnh Hữu Phước, Lưu Văn Tài cũng chuẩn bị khởi nghĩa, họp ở Tam Bình và Lưu Văn Tài được bầu làm Trưởng ban Khởi nghĩa).

7 giờ sáng 25/8/1945, hàng vạn quần chúng cùng với thanh niên Tiền phong và các xã thuộc quận Châu Thành biểu tình hô vang khẩu hiệu “Việt Nam độc lập muôn năm", "Việt Minh muôn năm”. Đoàn người biểu tình giương cao cờ đỏ sao vàng, diễu hành qua các đường phố rồi tập trung trước nhà việc Long Châu để nghe lời hiệu triệu của Ban lãnh đạo Khởi nghĩa do Nguyễn Văn Thiệt, Nguyễn Hữu Thế, Nguyễn Văn Phát và bác sĩ Trương Ngọc Quế diễn thuyết.

10 giờ trưa cùng ngày, đoàn đại biểu gồm Nguyễn Văn Phát, Phan Văn Sử, Trương Ngọc Quế đến dinh Chánh Tham biện gặp Tỉnh trưởng Lương Khắc Nhạc, buộc Nhạc giao chính quyền cho cách mạng.

Ngày 27/8/1945, Nguyễn Văn Phát được cử dẫn một phái đoàn vào Nhà dây thép, buộc quan tư Nhật Bản trao vũ khí cho lực lượng cách mạng. Sáng ngày 28/8/1945, Ủy ban Khởi nghĩa tổ chức một cuộc mít-tinh lớn tại sân vận động Vĩnh Long, ra mắt Ủy ban (Nguyễn Văn Phát, Trương Ngọc Quế, Phan Văn Sử) và tuyên bố xóa bỏ chính quyền cũ, thành lập chính quyền nhân dân.

Cuối tháng 9/1945, cuộc họp bàn về việc thống nhất các tổ chức Đảng được triệu tập ở Ngã tư Long Hồ, gồm : Nguyễn Văn Thiệt, Nguyễn Văn Phát, Nguyễn Hữu Thế, Phan Văn Sử (Vĩnh Long) và Lưu Văn Tài (bộ phận Tam Bình). Cuộc họp đi đến thống nhất hai tổ chức Đảng Tiền phong và Giải phóng, thành lập Tỉnh ủy thống nhất lâm thời Vĩnh Long và bầu Nguyễn Văn Thiệt làm Bí thư.

Ngày 25/10/1945, Tỉnh ủy thống nhất Vĩnh Long, dưới sự chủ trì của Bí thư Nguyễn Văn Thiệt, mở cuộc họp ở Ngã tư Long Hồ thảo luận vấn đề củng cố và xây dựng Đảng bộ Vĩnh Long. Thời gian này, Phan Văn Đáng và Nguyễn Văn Cung (vừa ở Công Đảo về) được chỉ định bổ sung vào Tỉnh ủy và được phân công xuống gây dựng cơ sở Đảng ở Tam Bình (Phan Văn Đáng) và Vũng Liêm (Nguyễn Văn Cung).

Hưởng ứng lời kêu gọi “Nhân dân đứng dậy kháng chiến” của Xứ ủy Nam bộ, Ủy ban Kháng chiến tỉnh Vĩnh Long được thành lập. Nguyễn Văn Thiệt được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến tỉnh. Ủy ban Kháng chiến tiến hành kiện toàn tổ chức Cộng hòa Vệ binh, thành lập Ban Chỉ huy quân sự tỉnh… Nguyễn Văn Thiệt trên cơ sở nắm sát quân đội, bố trí đội Lợn làm Đội trưởng, Phạm Ngọc Hưng làm Tư lệnh phó, chủ trương lấy vũ khí giặc bổ sung cho lực lượng cách mạng, quyết đánh trả bằng mọi cách và tạo nhiều chướng ngại vật trên đường hành quân của địch.

Ngày 27/11/1945, 2 tàu chiến của Pháp bắn dọc theo sông Cổ Chiên. Ngày 29/11/1945, thực dân Pháp cho tàu đổ quân chiếm thị xã Vĩnh Long. Chiến sĩ cộng hòa vệ binh, cảm tử quân đã chống trả quyết liệt. Trong ba tháng chiến đấu, quân và dân Vĩnh Long, dưới sự lãnh đạo chặt chẽ của Ủy ban Kháng chiến, đã tổ chức đánh trên 30 trận, tiêu diệt trên 100 tên, thu 100 súng các loại, với các trận đánh lớn : trận Cầu Lầu, cầu Ông Me, Ngã tư Long Hồ, cầu Mang Thít…..

Giữa khi cuộc chiến đấu đang tiếp diễn, ngày 6/1/1946, Tỉnh ủy và Ủy ban kháng chiến đã tổ chức thắng lợi cuộc bầu cử Quốc hội khóa đầu tiên của cả nước. Nguyễn Văn Thiệt là một trong ba đại biểu của Tỉnh Vĩnh Long được đắc cử.

Sau đó, Tỉnh ủy Vĩnh Long và Ủy ban Kháng chiến tỉnh được lệnh rút về Quân khu 9 để bảo tồn lực lượng, củng cố, xây dựng vững mạnh rồi trở về tiếp tục chống Pháp. Nguyễn Văn Thiệt đưa lực lượng vũ trang về Khu 9, chỉ để lại một lực lương nhỏ chiến đấu kèm chân thực dân Pháp.

Tại Khu 9, vào những ngày Tết âm lịch năm 1946, khi nhận được giấy triệu tập đi họp Quốc hội, Nguyễn Văn Thiệt trao cho Phan Văn Đáng và Nguyễn Văn Cung một số vũ khí để về tiếp tục xây dựng lực lượng kháng chiến tại Vĩnh Long. Còn bản thân Nguyễn Văn Thiệt cùng 2 đại biểu Quốc hội của 2 tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh ra đi theo con đường sang Xiêm. Tại đây, đoàn đại biểu Quốc hội đã gặp Trần Văn Giàu, đại diện chính phủ ta đang hoạt động tại Xiêm.

Sau đó, khi chiến khu Ba-ham-bang bắt đầu thành lập, Nguyễn Văn Thiệt, Dương Văn Phúc và một số đồng chí khác đã tham gia vào Ủy ban Giải phóng dân tộc Miên – Việt.

“Ngày giản tán chiến khu Ba-ham-bang, bộ đội ta rút về nước cũng là ngày đoàn giải phóng dân tộc Miên đánh Xiêm Riệp”. Nguyễn Văn Thiệt và quan Hai Trọng nằm trong Ban Tham mưu trận đánh này (theo hồi ký của Nguyễn Văn Thiệt và Khuất Duy Trì về Chi bộ đặc biệt, trang 4).

Năm 1954, Nguyễn Văn Thiệt tập kết ra Bắc. Thời gian sau, Nguyễn Văn Thiệt được phân công làm Phó Giám đốc Bệnh viện Phủ Doãn (sau đổi thành Bệnh viện Việt Đức) phụ trách tổ chức Đảng – Đoàn.

Sau cơn bệnh kéo dài một tháng, Nguyễn Văn Thiệt mất tại Hà Nội lúc 16 giờ 10’ ngày 31/12/1970, an táng tại thủ đô Hà Nội. Nay, mộ phần của ông đã được cải táng tại Nghĩa trang liệt sĩ Vĩnh Long.

Theo Đào Ngọc Chương – sách Nhân vật chí tỉnh Vĩnh Long vinhlong.gov.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *