Nguyễn Văn Nhung sinh ngày 9/11/1903 tại xã Long Đức, huyện Châu Thành, tỉnh Vĩnh Long. Cha là Nguyễn Văn Vững (chết sớm), mẹ là bà Tống Thị Tòng (mất năm 1946). Sinh thời, bà Tòng bán kẹo và thuốc lá tại chợ Ngã tư Long Hồ – một chợ nhỏ cách thị xã Vĩnh Long khoảng 8,5 km, tảo tần nuôi sáu người con : ba trai lớn và ba gái nhỏ. Nguyễn Văn Nhung là người con thứ ba (theo cách gọi của miền Nam là thứ tư) trong gia đình, hai anh trai và ba em gái.
Thời nhỏ, Nguyễn Văn Nhung vừa đi học vừa phụ giúp mẹ làm kinh tế gia đình. Nhờ thi đỗ được cấp học bổng, Nguyễn Văn Nhung mới ra thành phố Vĩnh Long học và đậu sơ học tại đây. Sau đó, ông lên học trường trung học Sát-xơ-lu Lô-ba ở Sài Gòn, ít lâu sau bị đuổi vì không đủ giấy tờ. Cuối cùng, Nguyễn Văn Nhung đành lên Nam Vang ở nhà người anh thứ ba là Nguyễn Chánh Lý đang làm thư ký Tòa Chánh sứ tại đây. (Năm 1928, Nguyễn Chánh Lý vào Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội bị Pháp bắt giam ở Sài Gòn, sau được thả. Đến Cách mạng tháng Tám, Nguyễn Chánh Lý về hoạt động tại Vĩnh Long, làm Trưởng Ty Thông tin Vĩnh Long. Năm 1954, tập kết, công tác tại Bộ Tài chính). Nguyễn Văn Nhung xin vào học trường Sisonath (học ngoại trú). Năm 1924, ông thi đỗ Diplôme hạng nhất toàn quốc. Năm 1925, Nguyễn Văn Nhung vào làm thư ký Tòa Khâm sứ Cao Miên.
Trong thời gian đi học rồi đi làm, Nguyễn Văn Nhung tiếp xúc, va chạm và hiểu rõ hơn trường học, chế độ cai trị của các quan chức thực dân Pháp. Điều này đã tạo nên trong ông những ấn tượng khó quên và những nhận thức ban đầu cần thiết về đất nước, nhân dân và kẻ thù. Hơn nữa các phong trào yêu nước, phong trào thanh niên của Nguyễn An Ninh, vụ án Phan Bội Châu, hành động yêu nước của Nguyễn Hồng Thái, đám tang Phan Chu Trinh… đã tác động, thúc đẩy Nguyễn Văn Nhung tìm đến với cách mạng, ban đầu qua sách báo yêu nước rồi gia nhập tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội năm 1927 tại Nam Vang (người kết nạp Nguyễn Văn Nhung là Hồ Văn Cương, một người trong số cán bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội sang hoạt động ở Cao Miên).
Năm 1928, Hồ Văn Cương giới thiệu Nguyễn Văn Nhung về hoạt động ở chi bộ Ngã tư Long Hồ (Nguyễn Văn Thiệt làm Bí thư). Sau đó, Nguyễn Văn Nhung được chọn về Sài Gòn dự một khóa huấn luyện cách mạng do Kỳ ủy Thanh niên mở, có Phạm Văn Đồng, Châu Văn Liêm (kỳ ủy viên)… giảng. Sau khóa học này, Châu Văn Liêm đưa Nguyễn Văn Nhung về Ngã tư Long Hồ giới thiệu làm Bí thư thay Nguyễn Văn Thiệt.
Chi bộ có ra tờ báo “Công – Nông – Binh” tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản trong nhân dân.
Sau đó, VNTHCMĐCH chuyển thành An Nam Cộng sản Đảng, Châu Văn Liêm ở Ban Chấp hành lâm thời An Nam Cộng sản Đảng về kết nạp Nguyễn Văn Nhung cùng Nguyễn Văn Thiệt năm 1929. Nguyễn Văn Thiệt làm Bí thư chi bộ An Nam Cộng sản Đảng Ngã tư long Hồ.
Cuối năm 1929, bị bọn mật thám Pháp ruồng bắt, Nguyễn Văn Nhung xuống Rạch Chùa (Tam Bình) rồi được Nguyễn Văn Tây (Thanh Sơn) đưa về Cà Mau hoạt động trong Chi bộ tại đây (Quới làm Bí thư), vận động công nhân than củi ở Năm Căn, rồi công nhân đánh cá ở Sào Lưới. Hoạt động gần hai tháng không có kết quả, Chi bộ này bị giải tán, Nguyễn Văn Nhung về Ô Môn, Cần Thơ hoạt động trong Chi bộ mới do Hà Huy Giáp làm Bí thư nhằm vận động nông dân, công nhân tại đồn điền Cờ Đỏ, Ô Môn khoảng tháng 1/1930.
Chi bộ này cũng bị giải tán, Hà Huy Giáp và Núi được điều đi công tác nơi khác. Nguyễn Văn Nhung một mình hoạt động tại đây cho đến tháng 4/1930.
Đầu tháng 4/1930, Nguyễn Văn Nhung từ đồn điền Cờ Đỏ về hoạt động tại Vĩnh Xuân, Cầu Kè, Cần Thơ. Tại đây, ông kết nạp các đảng viên mới và thành lập Chi bộ do mình làm Bí thư.
Thời gian này, Nguyễn Văn Nhung tổ chức được cuộc đấu tranh vào ngày 2/6/1930 với khẩu hiệu “Bỏ thuế đuôi chuột” và “Hoãn thu thuế thân hai tháng”. Cuộc biểu tình kéo xuống quận Cầu Kè (cách đó 15 km) đưa yêu sách với chủ quận Bích. Cuộc đấu tranh thắng lợi, tạo được tiếng vang đáng kể, nhất là gây được niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Nhưng sau đó, thực dân Pháp tiến hành khủng bố, Nguyễn Văn Nhung phải sang hoạt động tại Tam Bình, khoảng cuối tháng 7 đầu tháng 8 năm 1930.
Trở lại Tam Bình, Nguyễn Văn Nhung ở nhà Năm Kỷ vùng Rạch Chùa (rạch Ba Chùa cách thị trấn quận khoảng 5 km), nơi mà trước đây khoảng cuối năm 1929, Nguyễn Văn Nhung có đến ở ít hôm.
Tại đây, Nguyễn Văn Nhung tổ chức được những Nông hội ở Tường Lộc, Mỹ Thạnh Trung… xây dựng được Chi bộ Tường Lộc gồm 8 người, Nguyễn Văn Nhung làm Bí thư. Rời Ba Chùa, ông đến ở vùng gần Chợ Cũ (thuộc Tam Bình), tiếp tục tổ chức Chi bộ Mỹ Thạnh Trung do ông Thoại (không rõ họ) làm Bí thư. Sau đó tách Chi bộ Ba Chùa ra làm hai, thành lập Chi bộ Thị trấn và trực tiếp làm Bí thư Chi bộ này. Còn Võ Văn Kỷ làm Bí thư Chi bộ Ba Chùa.
Nguyễn Văn Nhung tiếp tục mở rộng hoạt động xuống vùng Cái Ngang (Tam Bình) nhưng ở đây đã có một Chi bộ được thành lập từ tháng 9/1930 do Nguyễn Văn Tiển làm Bí thư (theo phần xác minh của Nguyễn Văn Tiển đối với hồi ký của Nguyễn Văn Nhung : Nguyễn Văn Tiển thuộc Chi bộ Ngã tư Long Hồ thành lập tháng 6/1930. Đến tháng 9/1930, Nguyễn Văn Tiển về công tác tại Chi bộ Cái Ngang).
Thế là ở quận Tam Bình có 4 Chi bộ : Chi bộ Ba Chùa, Tường Lộc, Mỹ Thạnh Trung, Thị trấn Cái Ngang. Nguyễn Văn Nhung đánh giá tình hình đề nghị thành lập Quận uỷ Tam Bình. Nguyễn Văn Nhung làm Bí thư, Nguyễn Văn Tiển làm Phó Bí thư vào tháng 11/1930.
Trong thời gian hoạt động ở Tam Bình, Nguyễn Văn Nhung liên tục xây dựng, tổ chức, thành lập các Chi bộ từ Ba Chùa, Mỹ Thạnh Trung, Thị trấn, đặc biệt tổ chức, lãnh đạo được các cuộc đấu tranh gây ảnh hưởng sâu rộng :
– Trong các ngày lễ đều có rải truyền đơn, treo cờ búa liềm.
– Tổ chức hai cuộc đấu tranh lớn : cuộc đấu tranh chống bắt lính cuối tháng 9/1930 và cuộc mít-tinh tại gò Cỏ Ống, biến thành cuộc biểu tình vào xã Loan Tân tháng 10/1930.
Đồng thời ra tờ báo “Lao khổ” ngay từ thời thành lập Chi bộ Ba Chùa (Chi bộ đầu tiên của Tam Bình).
Khi đã là Bí thư Quận ủy Tam Bình, Nguyễn Văn Nhung đồng thời là ủy viên Đặc ủy Hậu Giang (Hà Huy Giáp làm Bí thư), được triệu tập tham dự hội nghị của Đặc ủy Hậu Giang (khoảng cuối năm 1930). Vì những yêu cầu về điều kiện hoạt động, sau hội nghị này, Đặc ủy Hậu Giang quyết định tách làm hai. Chính thời điểm này, Tỉnh ủy Vĩnh Long được thành lập (tháng 2/1931). Đây là Tỉnh ủy đầu tiên của tỉnh Vĩnh Long. Ngô Văn Chính làm Bí thư, Nguyễn Văn Nhung làm Phó Bí thư.
Sau đó không lâu, Xứ ủy ở Sài Gòn và một số lãnh đạo ở Hậu Giang bị bắt. Để kịp thời lãnh đạo phong trào, ba tỉnh Vĩnh Long – Sa Đéc, Chợ Lớn và Bến Tre quyết định thành lập Xứ ủy lâm thời. Ngô Văn Chính được điều lên Xứ ủy lâm thời, Nguyễn Văn Nhung bấy giờ mới lên làm Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long (2/1931).
Sau khi các đồng chí lãnh đạo Xứ ủy bị bắt, Nguyễn Văn Nhung và tổ chức Tỉnh ủy Vĩnh Long (lúc này cơ quan đóng tại Cầu Lầu) cũng bị bắt vào ngày 5/4/1931. Đây là ngày chấm dứt giai đoạn hoạt động bí mật của Nguyễn Văn Nhung trên địa bàn Vĩnh Long (sau này, ông có về hoạt động ở Long Hồ, Vĩnh Long nhưng trong một thời gian rất ngắn, không đáng kể), mở đầu giai đoạn tù tội kéo dài hai năm.
![]() |
Đối với Vĩnh Long, giai đoạn từ năm 1928 đến 4/1931 là giai đoạn đáng chú ý nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Nguyễn Văn Nhung (Bí thư nhiều Chi bộ, Bí thư Quận ủy Tam Bình, Phó Bí thư rồi Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của Vĩnh Long). Trong giai đoạn 3 năm này (trừ một thời gian ngắn Nguyễn Văn Nhung hoạt động ở Năm Căn, Ô Môn cuối 1929 đến 3/1930), Nguyễn Văn Nhung thực sự lăn lộn, xông xáo, sáng tạo trong mọi tình huống khắc nghiệt dưới sự theo dõi, khủng bố, bắt bớ của thực dân Pháp. Ông đã kết nạp, thành lập 7 Chi bộ và làm Bí thư 5 Chi bộ (Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội Ngã tư, An Nam Cộng sản Đảng Ngã Tư, Vĩnh Xuân, Ba Chùa, Mỹ Lộc – Thị trấn), Bí thư Quận ủy Tam Bình – Quận ủy đầu tiên của tỉnh Vĩnh Long, Phó Bí thư rồi Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của tỉnh Vĩnh Long. Ngoài ra, ông tổ chức thực hiện hai tờ báo được coi là cơ quan tuyên truyền của Đảng bấy giờ : tờ “Công – Nông – Binh”, tờ “Lao khổ”. Đồng thời, ông xây dựng những Nông hội, Công hội ở tất cả các nơi. Trên cơ sở đó, ông đã lãnh đạo những cuộc đấu tranh công khai, trực diện, gây nhiều ảnh hưởng tốt trong nhân dân. Cuộc đời hoạt động cách mạng của Nguyễn Văn Nhung đã gắn liền với một giai đoạn đầu tiên, gay go nhất của lịch sử cách mạng tỉnh Vĩnh Long và đã đóng góp nhiều công lao to lớn.
Sau khi bị bắt, Nguyễn Văn Nhung bị giam ở Sa Đéc, cò Bazin trực tiếp khai thác ông bằng những đòn hết sức dã man : điện máy bay, đổ nước vôi, đánh gan bàn chân… cuối cùng là đòn “lận mề gà”. Nhưng tất cả đều vô hiệu. Nguyễn Văn Nhung trước và trong cái chết, vẫn giữ vững khí tiết không khai một lời nào.
Gần 3 tháng sau, Nguyễn Văn Nhung bị đưa lên bót Catinat (Sài Gòn) và khoảng tháng 7/1931 bị giam vào Khám lớn Sài Gòn. Tại đây, Nguyễn Văn Nhung đã gặp lại hầu hết các bạn cũ và các đồng chí lãnh đạo Đảng : Trần Phú, Ngô Gia Tự, Ung Văn Khiêm, Nguyễn Văn Tây, Nguyễn Văn Nguyễn… tham gia tất cả các cuộc đấu tranh, đặc biệt cuộc đấu tranh phản đối việc thực dân Pháp xử tử Lý Tự Trọng.
Dưới chế độ hà khắc của nhà tù thực dân Pháp, Nguyễn Văn Nhung thường xuyên bị đau yếu, nhưng luôn luôn nêu cao tinh thần đấu tranh cách mạng, tiếp tục rèn luyện, học tập lý luận Mác – Lênin, động viên đồng chí… cho đến khi mãn hạn tù khoảng cuối năm 1932.
Sau khi ra tù, Nguyễn Văn Nhung chuyển sang hoạt động ở địa bàn Long Xuyên.
Năm 1935, cùng hoạt động với Ung Văn Khiêm (Bí thư Xứ ủy Nam kỳ năm 1930) và Bùi Trung Phẩm tại quận Chợ Mới (Long Xuyên).
Năm 1936, khi Mặt trận Bình dân lên cầm quyền tại Pháp, cùng với Ung Văn Khiêm và Bùi Trung Phẩm, Nguyễn Văn Nhung thành lập Ủy ban Hành động quận Chợ Mới, đồng thời tổ chức các hội công khai (Hội Ái hữu, Hội Đá banh… ) gây ảnh hưởng tốt cho phong trào.
Đầu năm 1937, cả ba ông đều bị bắt tại đây vì thực dân Pháp kết tội tổ chức mít-tinh và xúi giục nông dân đấu tranh (sự kiện nông dân nôm cá tại bưng làng Long Điền, xung đột với điền chủ Mạo, bị giải về bót Mỹ Lũng. Tại đây, anh em nông dân đấu tranh và bị đàn áp). Cả ba bị kêu án 18 tháng tù cho đến cuối năm 1938 mới mãn hạn.
Sau đó, Nguyễn Văn Nhung xuống hoạt động, tổ chức diễn thuyết, mit-tinh tại Cà Mau rồi trở về Vĩnh Long. Thời gian này, Nguyễn Văn Nhung có về thị trấn Ngã tư Long Hồ. Bấy giờ, tại đây đã có một Ủy ban Hành động, trụ sở đặt tại một căn hộ ở Thị trấn. Ủy ban lợi dụng Lê Thành Thân (một cựu thư ký Pháp) làm cố vấn để giao thiệp với nhà cầm quyền.
Ngoài những hoạt động bình thường khác, Ủy ban Hành động tại thị trấn Ngã tư có tổ chức được 2 cuộc mit-tinh tại nhà hát Hòa Lạc Viện đông đến hàng ngàn người. Trong cuộc mit-tinh thứ hai, Nguyễn Văn Nhung, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long, có tham dự. Ông quyết định diễn thuyết. Biết được quyết định ấy, Phó Tham biện Vĩnh Long mời Nguyễn Văn Nhung đến cho hay rằng ông không được diễn thuyết vì không có chân trong Ủy ban Hành động. Lê Thành Thân, lúc ấy chủ tọa cuộc mit-tinh, đảm bảo cho Nguyễn Văn Nhung được phát biểu trong mục nhân dân tự do phát biểu.
Thế nhưng, khi Nguyễn Văn Nhung xin phát biểu thì Lê Thành Thân, với sự yểm trợ của thực dân Pháp, lại rung chuông giải tán. Cuộc mit-tinh phải giải tán trong tiếng la “đả đảo Lê Thành Thân” của hàng ngàn cử tọa. Ngay khi ra về và cả sáng hôm sau, thực dân Pháp làm áp lực buộc Ủy ban Hành động phải đóng cửa, Nguyễn Văn Nhung phản đối. Mãi đến chiều, khi có quyết định của Thống đốc Nam Kỳ tại Sài Gòn, nhà cầm quyền Vĩnh Long mới dám xông vào giựt băng trước cửa trụ sở Ủy ban. Ủy ban Hành động tại ngã tư Long Hồ đóng cửa, Nguyễn Văn Nhung về lại Long Xuyên cuối năm 1939.
Nghe theo lời khuyên của Bùi Trung Phẩm (đang bị quản thúc), Nguyễn Văn Nhung cũng ra chịu quản thúc. Mấy tháng sau, Khởi nghĩa Nam Kỳ bùng nổ.
Đầu năm 1941, tất cả những chiến sĩ cách mạng bị quản thúc tại thị xã Long Xuyên đều bị bắt giam và đày lên căng tập trung tại Bà Rá, Biên Hòa vào tháng 4/1941, trong đó có Nguyễn Văn Nhung.
Từ tháng 4/1941 đến 9/3/1945 (Nhật đảo chính Pháp), Nguyễn Văn Nhung sống trong trại tập trung ở núi Bà Rá, Biên Hòa. Thời gian này, Nguyễn Văn Nhung không tổ chức được Chi bộ nhà tù và theo cách nhìn nhận của chính ông : Ông mang tinh thần cầu an, xin ra khai khẩn đất trồng trọt dưới chế độ quản thúc, mong thoát khỏi sự kềm kẹp của chế độ nhà tù.
Nhưng khi Nhật đảo chính Pháp, Nguyễn Văn Nhung vượt ngục trở về Long Xuyên, thành lập Tỉnh ủy lâm thời tại Long Xuyên. Với tư cách Bí thư Tỉnh ủy, cùng với Tỉnh ủy, Nguyễn Văn Nhung đã lãnh đạo cuộc cướp chính quyền tại Long Xuyên ngày 25/8/1945. Điều đáng nói là Nguyễn Văn Nhung đã linh hoạt trong mọi tình huống, giải quyết những mâu thuẫn trong nội bộ tổ chức cách mạng, đương đầu với các đảng phái, tôn giáo, những lực lượng thân Nhật bấy giờ… Vừa mềm dẻo, vừa cứng rắn để cách mạng chiếm được chính quyền một cách trọn vẹn và tiến tới trừng trị bọn phản động, giải quyết được mâu thuẫn nội bộ (giữa Việt Minh cũ với Việt minh mới), thành lập Ủy ban Nhân dân tỉnh Long Xuyên (Nguyễn Văn Nhung làm Phó Chủ tịch).
Tháng 7/1946, khi thực dân Pháp trở lại chiếm Long Xuyên, ông cùng bộ đội rút vào rừng U Minh (Rạch Giá), ít lâu sau đưa bộ đội về khôi phục tỉnh. Trên đường đi, ông bị thực dân Pháp bắt cùng với Ngô Văn Chính và Đinh Trường Sanh (7/1946). Sau khi phòng nhì tra tấn không kết quả, thực dân Pháp đưa cả ba qua tòa án ở Rạch Giá một năm. Trong thời gian này, Đinh Trường Sanh được đưa về Chợ Mới rồi bị giết, Ngô Văn Chính được về Sa Đéc cũng bị giết tại đó, còn Nguyễn Văn Nhung, tháng 7/1947 bị đưa sang giam tại Châu Đốc chờ xét xử. Tại đây, trước những lời mua chuộc của tỉnh trưởng Nais, Nguyễn Văn Nhung vẫn kiên cường bảo vệ quan điểm lập trường cách mạng của mình. Đến tháng 9/1949, sau khi Nais hưu trí, chủ tỉnh mới là người Việt Nam đến thay, được lệnh thả tù chính trị. Nguyễn Văn Nhung là một trong 10 người tù chính trị được thả bấy giờ.
Ra tù, tháng 7/1949, Nguyễn Văn Nhung về Long Châu Tiền làm Uỷ viên Thường vụ Tỉnh ủy phụ trách Tuyên huấn và làm hiệu trưởng Trường Chính trị do Tỉnh ủy mở.
Sau khi dự cuộc hội nghị cán bộ của Xứ ủy lần thứ hai (có Lê Đức Thọ từ Trung ương vào tham dự), tháng 11/1949, Nguyễn Văn Nhung được rút lên làm Ủy viên Khu ủy Khu 8 Nam bộ, phụ trách Mặt trận. Cuối năm 1950, Nguyễn Văn Nhung làm Phó Giám đốc Sở Thương binh Xã hội Nam bộ.
Đến tháng 2/1951, Nguyễn Văn Nhung sang hoạt động tại Campuchia, làm Phó Bí thư liên tỉnh Kandal Freyveng Soai-rieng, đồng thời làm Phó Chủ nhiệm Tổng hội Việt kiều yêu nước tại đây cho đến năm 1954 tập kết ra Bắc.
Từ tháng 8/1956 đến 11/1956, ông làm Vụ phó Tổ chức cán bộ Bộ Y tế. Sau đó vì lý do sức khỏe, ông xin xuống làm Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt – Xô kiêm Bí thư Đảng ủy cho đến khi về hưu tháng 5/1964. Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông trở về Nam ngày 9/7/1975.
Lúc 5 giờ 55 phút ngày 16/9 âm lịch, tức là ngày 1/11/1982, ông mất tại Bệnh viện Thống Nhất TPHCM sau một thời gian bệnh kéo dài, an táng tại nghĩa trang tỉnh Vĩnh Long.
Theo Đào Ngọc Chương – sách Nhân vật chí tỉnh Vĩnh Long và vinhlong.gov.vn