Nguyễn Thông – tên chữ là Hy Phần, hiệu là Kỳ Xuyên, biệt hiệu là Độn Am – sinh ngày 28 tháng 5 năm Đinh Hợi (1827), tại thôn Bình Thanh, huyện Tân Thạnh, phủ Tân An, tỉnh Gia Định (nay là tỉnh Long An), mất năm Giáp Thân (1884), chôn ở núi Ngọc Sơn, xã Ngọc Lam, phủ Hàm Thuận (nay là thành phố Phan Thiết).

Thân phụ là Nguyễn Hanh, người Tân Thạnh (tỉnh Gia Định), kết hôn cùng bà Trịnh Thị A Mầu, nguyên quán ở Thừa Thiên, sinh hạ được hai trai là Nguyễn Thông và Nguyễn Hài.

Anh em hơn kém nhau hai tuổi, cùng học với cha ở nhà từ bé. Năm Nguyễn Thông mười tuổi thì mẹ mất, mười bảy tuổi thì cha mất.

Gia đình gặp cảnh khó khăn, Nguyễn Thông phải lao động để giúp đỡ gia đình.

Rất ham học nhưng không có thầy, Nguyễn Thông đành phải cùng em tự học. Sau may mắn được học với ông Nguyễn Nhữ Hiền một thời gian ngắn (ông này được bổ đến Tân An không bao lâu lại trở về kinh).

Khoa 1849 (năm Kỷ Dậu, triều Tự Đức), Nguyễn Thông đỗ cử nhân và thi Hội bị đánh hỏng vì tập bài thi bị lấm mực. Đọc bài thi, vì thấy văn tài của Nguyễn Thông, nhiều người khuyên nên tiếp tục học để thi khoa sau. Nhưng nhà nghèo không thể tiếp tục ngồi học, Nguyễn Thông nhận chức huấn đạo tại Phú Phong, tỉnh An Giang.

Sáu năm sau, năm 1855, ông ra Huế, làm việc ở nội các, tham dự soạn sách Nhân sự kim giám (gương vàng soi việc người).

Năm 1859, quân Pháp đánh thành Gia Định, Nguyễn Thông tình nguyện tòng quân và đã giúp việc đắc lực cho Thống đốc quân vụ Tôn Thất Hiệp.

Năm 1861, đại đồn Chí Hòa bị mất, kế đến tỉnh Biên Hòa bị chiếm, cậu ông là Trịnh Quang Nghi (có chiến đấu ở trận Chí Hòa) và bạn ông là Phan Văn Đạt mộ nghĩa binh chống quân Pháp ở Tân An và Gò Công. Ông tham gia phong trào ấy, may được thoát nạn. Phan Văn Đạt bị bắt giết. Còn Trịnh Quang Nghi qua năm sau giúp Trương Định rất đắc lực trong chức Tham tán quân vụ.

Năm 1862, ba tỉnh miền Đông phải nhượng cho Pháp. Nhờ cụ Phan Thanh Giản đề cử, Nguyễn Thông được bổ làm Đốc học Vĩnh Long. Về Vĩnh Long, ông vẫn liên lạc với cậu mình (Trịnh Quang Nghị), vui buồn với cuộc chiến đấu của Trương Định, đồng thời liên lạc với các sĩ phu yêu nước, trong đó có những sĩ phu dời gia đình từ miền Đông sang. Những điều nghe thấy lúc này giúp ông dễ dàng viết lưu lại cho đời mấy bài ký về Phan Văn Đạt, Trương Định, Hồ Huân Nghiệp trong “Kỳ Xuyên văn sao”.

Riêng đối với địa phương Vĩnh Long, Nguyễn Thông đã lưu lại những dấu ấn đậm đà, quý báu. Ông chủ động thực hiện bằng được việc xây dựng Văn Thánh miếu dự trù từ nhiều năm trước. Cạnh Văn Thánh miếu có dựng lầu Tụy Văn làm nơi chứa sách và học tập. Ông lại cùng Phan Thanh Giản khởi xướng việc dời mộ nhà giáo dục nổi tiếng ở Lục tỉnh là Võ Trường Toản từ Chí Hoà đưa cải táng về Bảo Thạnh (Ba Tri, Bến Tre này nay) vì lẽ đức nghiệp của ông thầy chung không để cho quân địch làm ô uế.

Sau này, Tụy Văn lâu đổi tên là Văn Xương các và biến thành nơi thờ cụ Võ Trường Toản cùng các công thần khác.

Về tác phẩm, Nguyễn Thông còn lưu lại mấy bài thơ lên quan đến Vĩnh Long, đáng xem là những viên ngọc trong kho tàng văn học địa phương.

Bài “Lên lầu trên thành tỉnh Vĩnh Long” (1863) giữ cho ta được một chút hình ảnh thành xưa :

Vũ tễ đinh câu tập vãn cầm
Nhất thanh họa giác bán lâu âm
Thiên thiêu thành quách chu tạo tại
Đa nạn thân bằng khế khoát thâm…

Dịch :

Chim chiều về bãi tạnh cơn mưa
Im mát nửa lầu tiếng giốc đưa
Khối lửa vây thành lưu vết trước
Nạn tai rối bạn nặng tình xưa…

Năm 1867, trong bài thơ Đón Tết Đinh Mão ở Vĩnh Long, ông cho thấy mình vui cảnh nghèo và lòng vẫn thương ba tỉnh miền Đông :

Đinh Mão tân tuế tác
Nhất ngọa Long Giang chữ
Niên hoa ngũ độ xuân
Tiệm khan nhi nữ đại
Đầu giác mấn mao tân.

Quan dĩ trì tàng chuyết
Thân tương kiệm bổ bần
Cố hương nhưng mã tại
Cốt nhục chánh bi tân.

Dịch :

Thơ Tết năm Đinh Mão (1867)
Bãi Long Giang mới ngụ
Chốc đã năm mùa xuân
Trai gái dần khôn lớn
Tóc râu vụt úa tàn.

Chậm thăng che vụng dại
Giỏi nhịn đỡ bần hàn
Quê cũ còn binh lửa
Đồng bào đang khóc than.

Năm 1867, Pháp đã bức chiếm thành Vĩnh Long. Lúc ấy, Nguyễn Thông 41 tuổi, cùng một số sĩ phu “tị địa” ra Bình Thuận. Ông cùng các bạn bàn nhau việc điều tra địa thế, tìm căn cứ để tạo điều kiện liên lạc với Biên Hoà, đồng thời phát triển nghề nông, sản xuất lương thực, lo kế lâu dài. Ông tổ chức việc đi thám hiểm các vùng cao nguyên La Ngư, Bà Dần, ghi rõ địa hình, địa thế, khả năng khai hoang và vẽ rõ địa đồ. Sau đó, ông bị điều động đi Khánh Hoà rồi Quảng Ngãi, Huế.

Cuối năm 1867, làm Án sát Khánh Hòa, có dâng sớ xin truy tặng tên thụy cho cụ Phan Thanh Giản và điều trần bốn vấn đề ích nước lợi dân nhưng không được chấp thuận.

Năm 1870, làm Biện lý Bộ Hình rồi Bố chánh Quảng Ngãi. Đặc biệt ở Quảng Ngãi, trong vòng non ba năm, ông đã làm nhiều việc có lợi cho nông dân, nhất là công tác thủy lợi. Lúc này, ông mang một nỗi oan là bị tố cáo xử án thất xuất nên bị cách chức, bị giam và xử trượng. Dân và lính đều thương mến ông, đứng ra xin quan Khâm sai Nguyễn Bính vừa đến Quảng Ngãi xét lại tội trạng của ông. Có người tự nguyện đến tận kinh thành kêu oan. Ông được tha. Sau rõ lại là do tên cường hào Lê Doãn vu cáo.

Có hai việc ông đề nghị được triều đình chấp thuận : tổ chức trồng cây và định rõ việc học sử cùng xin ban cấp sách học các trường.

Năm 1876, trở ra làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám, cùng các ông Bùi Ước, Hoàng Dung Tân Khảo duyệt bộ “Khâm Định Việt sử cương mục”. Nhân dịp này, ông soạn bộ “Việt sử cương giám khảo lược”. Đồng thời ông dâng sớ (và được chuẩn y) việc khai khẩn vùng Tây Nguyên từ biên giới Campuchia đến Quảng Trị, thu nạp dân Nam Kỳ ra. Tiếc là bị quân Pháp phản đối nên triều đình ra lệnh bãi bỏ việc này.

Năm 1880, ông xoay qua bàn với các người đồng hương chánh thức lập Đồng Châu xã. Thời gian này, ông làm Phó sứ Diễn nông kiêm Đốc học Bình Thuận. Ông dựng một ngôi nhà nhỏ bên cạnh sông Phan Thiết, đặt tên là Ngọa Du Sào, trên vách có vẽ một số cảnh tiêu biểu mà đời ông trải qua. Năm 1884, Nguyễn Thông mất, hưởng thọ 58 tuổi.

Nhìn chung, Nguyễn Thông là một người nghèo có chí tự học, trở thành một nhà nho thật lòng yêu nước thương dân, có tư tưởng tiến bộ, khác hẳn hạng xu nịnh đương thời.

Thơ văn của ông có giá trị về hình thức lẫn nội dung, được xếp về loại thơ văn yêu nước, và Nguyễn Thông xứng đáng là nhà văn hóa lớn của nước nhà.

Tác phẩm của Nguyễn Thông gồm có :

– Ngọa Du Sào thi văn tập
– Độn Am văn tập
– Kỳ Xuyên văn sao
– Kỳ Xuyên văn độc
– Việt sử cương giám khảo lược
– Nhân sự kim giám
– Dưỡng chính lục

Chúng ta nhớ ơn Nguyễn Thông – nhà hoạt động chính trị, xã hội, nhà giáo dục, nhà văn, nhà viết sử yêu nước, có quan điểm tiến bộ – đã đóng góp vào sự nghiệp cứu nước cũng như sự nghiệp phát triển kinh tế và văn hóa của Vĩnh Long và của cả đất nước ta.

Lê Tương Ứng
Theo sách Nhân vật chí tỉnh Vĩnh Long

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *