Những ai từng nghe về cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ anh dũng đêm 23 rạng ngày 24 tháng 11 năm 1940 hẳn không thể không nhớ đến người nữ Bí thư Huyện ủy kiên cường, mới 25 tuổi đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa thành công ở quận Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Đó là Nguyễn Thị Hồng.

Nguyễn Thị Hồng tên thật là Hà Thị Lan, thường gọi là Năm Hồng, sinh năm 1915 tại xã Vĩnh Kim, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho, nay là tỉnh Tiền Giang.

Lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo, cha là Hà Văn Sâu, đi làm thuê; mẹ là Lương Thị Nữ, hàng ngày phải buôn gánh bán bưng kiếm sống.

Nhà nghèo, lại phận nữ, Hồng không được học hành. Năm 13 tuổi, được cha mẹ đồng ý, Hồng tham gia gánh cải lương Đồng Nữ, do tổ chức Thanh niên Cách mạng đồng chí hội ở địa phương của Hồng lập ra để tuyên truyền và kiếm tiền ủng hộ tổ chức Thanh niên Cách mạng đồng chí hội. Hai năm theo gánh hát, qua các vở diễn, qua những lời tâm tình, nhắc nhở, cô diễn viên trẻ dần dần nhận ra được cái thiện, cái ác, hiểu thêm được nỗi thống khổ lầm than của cảnh mất nước và hiểu được lý tưởng chiến đấu của tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội.

Gánh hát giải tán vì thực dân Pháp cho là “tuyên truyền quốc sự”. Được một đảng viên cộng sản, nguyên là diễn viên gánh hát Đồng Nữ, dẫn dắt và giới thiệu, Hồng bắt đầu tham gia cách mạng. Ý nghĩ ban đầu của chị khi được tham gia cách mạng là “làm cộng sản là phải đánh Tây, giải phóng cho dân tộc, quê hương, khỏi bị Tây cai trị, để mình làm chủ được đất nước”. Đó là năm 1930, vào lúc Hồng vừa 15 tuổi.

Công việc đầu tiên chị được giao là nấu cơm và in, rải truyền đơn cách mạng ở Mỹ Tho. Bằng cả nhiệt tình, gan dạ và sự khôn khéo, Hồng đã đưa truyền đơn của Tỉnh ủy Mỹ Tho đến rải ở từng xóm nhà, từng trại lính, từng công xưởng của Pháp có đông thợ thuyền người Việt. Sau đó, chị được chuyển qua làm giao liên nối liền nhiều cơ sở của Đảng trong tỉnh, được cơ quan tin cậy, chị được tổ chức chuyển lên Sài Gòn trực tiếp làm giao liên của một cơ sở Đảng ngụy trang dưới tên một tiệm hớt tóc. Các cán bộ của Đảng khi đến liên hệ thường phải giả dạng khách hớt tóc để nhận tin tức và tài liệu bí mật. Cũng lúc này, chị được giao nhiệm vụ vận chuyển vũ khí của cơ sở lấy cắp từ dưới tàu của Pháp đưa về cho tổ chức. Mật thám Pháp theo dõi, bắt được chị cùng ông Quản Trọng Linh là một cán bộ trong Tỉnh ủy Mỹ Tho. Vào tù, nhờ Quản Trọng Linh mưu trí và dùng sức mạnh cạy cửa sổ, hai người trốn thoát được, tìm về Cà Mau ở trong gia đình Quản Trọng Linh. Sau đó, chị bắt liên lạc được với cơ sở.

Năm 1936, phong trào Đông Dương Đại hội phát triển mạnh, chị được tổ chức đưa về hoạt động ở Cần Thơ. Nguyễn Thị Hồng liên lạc với nhiều người, vận động thành lập các hội Ái hữu, hội Tương tế ở Cần Thơ, Sóc Trăng và ở quận Cầu Kè.

Tháng 6/1938, Nguyễn Thị Hồng được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, hoạt động trong hội Tương tế ở Sóc Trăng.

Cuối tháng 9/1939, chị được điều về công tác tại Huyện ủy Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Cùng với ông Lê Quang Phòng, cán bộ cốt cán trong Huyện ủy, chị đã bắt tay vào xây dựng từ đầu các cơ sở Đảng, cơ sở quần chúng. Trong năm 1939, chị và ông Lê Quang Phòng đã xây dựng được 8 chi bộ Đảng ở Vũng Liêm. Chị được bầu là Huyện ủy viên, Bí thư Chi bộ xã An Nhơn. Tháng 6/1940, chị được bầu là Bí thư Huyện ủy Vũng Liêm, Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Vĩnh Long.

Nhận nhiệm vụ Bí thư Huyện ủy xong, trong lúc tuổi đời mới 25, lại là phận nữ, biết bao khó khăn đến với chị. Lúc này, chủ trương của Xứ ủy Nam kỳ là chuẩn bị mọi lực lượng cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở miền Nam. Chủ trương này đã được ông Tạ Uyên, Bí thư Xứ ủy triển khai trong cuộc họp ở Gò Ân, Nước Xoáy (Vũng Liêm) vào giữa năm 1940. Từ khi nhận nhiệm vụ đứng đầu Huyện ủy Vũng Liêm, ngày đêm chị đều dồn công sức cho việc xây dựng và phát triển các cơ sở cách mạng để chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa. Ngày 21 tháng 11 năm 1940, nhận được quyết định khởi nghĩa từ tay ông Quản Trọng Hoàng, chị liền mở ngay cuộc họp toàn Ban chấp hành Huyện ủy mở rộng để bàn kế hoạch cụ thể, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên Huyện ủy trong cuộc khởi nghĩa đã đến ngày giờ cận kề. Cuộc họp lịch sử để thống nhất kế hoạch khởi nghĩa tại Vũng Liêm diễn ra lúc 18 giờ ngày 22 tháng 11 năm 1940 và kết thúc vào lúc 20 giờ, sát giờ quy định khởi nghĩa của Xứ ủy Nam kỳ.

Lúc đó, nhiều khó khăn trở ngại đến với chị và Huyện ủy Vũng Liêm là làm sao trong khi phải hoạt động hết sức bí mật mà truyền đạt Nghị quyết của Huyện ủy tới từng xã, điều động lực lượng nhân dân, bố trí xong các cánh quân để đến nửa đêm trong ngày phải đồng loạt nổ súng tấn công? Tin vào đồng chí và quần chúng cách mạng, bằng tính quyết đoán và sáng tạo, chị đã phân công rất cụ thể và tỉ mỉ từng phần việc, từng cánh quân, từng Đảng viên phụ trách, từng mũi đột kích và sự phối hợp ăn ý nhịp nhàng trong cuộc khởi nghĩa. Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ ở Vũng Liêm nổ ra đồng loạt trong toàn quận lúc 22 giờ ngày 22 rạng sáng tháng 11 năm 1940. Dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy Vũng Liêm, đứng đầu là người nữ Bí thư Huyện ủy trẻ tuổi, toàn bộ các mục tiêu của thực dân Pháp trong quận đều bị triệt hạ. Toàn quận Vũng Liêm được giải phóng, chính quyền về tay nhân dân cách mạng. Lá cờ đỏ sao vàng năm cánh lần đầu tiên tung bay khắp nơi và phất phới trong lòng người dân Vũng Liêm.

Cuộc khởi nghĩa đã chứng minh ý chí bất khuất, kiên cường của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, là cuộc tập dợt lịch sử cho cao trào Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng 8 năm 1945 giành chính quyền trong toàn quốc. Tuy nhiên cuộc khởi nghĩa trong điều kiện chưa chín muồi, sự chuẩn bị trong toàn Nam kỳ chưa được kỹ, kế hoạch khởi nghĩa bị lộ từ trước, nên mặc dù ở Vũng Liêm, Tam Bình và một số địa phương, nhân dân ta đã giành được chính quyền, nhưng thực dân Pháp đã kịp trở tay và đàn áp cuộc khởi nghĩa trong bể máu và phong trào cách mạng ở Nam bộ nói chung và ở tỉnh Vĩnh Long nói riêng gặp những tổn thất lớn. Nhiều chiến sĩ cách mạng bị sự truy bức của thực dân Pháp. Nguyễn Thị Hồng và một số chiến sĩ cách mạng khác phải nghi trang bằng nhiều cách để đưa lực lượng an toàn về căn cứ tại rừng U Minh (Cà Mau). Tiếp đó, chị được điều sang hoạt động tại huyện Châu Thành, tỉnh Rạch Giá (nay là tỉnh Kiên Giang). Năm 1941, chị được bầu giữ chức Bí thư Huyện ủy Châu Thành, tỉnh Rạch Giá. Trong cuộc khủng bố của thực dân Pháp nhằm ngày Quốc tế Lao động 1/5/1941, chị bị thực dân Pháp bắt tại quận Châu Thành cùng lúc với nhiều cán bộ trong Huyện ủy Châu Thành và nhiều Đảng viên cộng sản ở Cà Mau, Rạch Giá, Long Xuyên, Châu Đốc… Ở tại trại giam Sa Đéc, chị bị giam cầm, tra khảo trong một tháng dưới đủ mọi ngón đòn của bọn cai ngục. Mặc dù bị sống đi chết lại nhiều lần trước sự tra khảo dã man, nhưng thực dân Pháp không tra khảo được gì ở chị. Cuối cùng, chúng đưa chị và đồng đội bị bắt lên giam ở nhà tù Chí Hòa (Sài Gòn).

Năm 1945, ra tù, chị về công tác tại vùng Cái Tàu Hạ, tỉnh Sa Đéc. Năm 1946, chị được bầu làm Huyện ủy viên Huyện ủy Châu Thành, tỉnh Sa Đéc và năm 1947, chị được giao nhiệm vụ phụ trách Ban chấp hành Phụ nữ Cứu quốc tỉnh Sa Đéc. Trong các năm 1948 – 1949, chị vẫn hoạt động rất tích cực trong phong trào phụ nữ cứu quốc của tỉnh và được bầu là Ủy viên Ban chấp hành Phụ nữ Cứu quốc Nam bộ. Sau đó, từ năm 1950 – 1954, chị được điều về tỉnh Vĩnh Trà công tác. Tại đây, năm 1950, chị và ông Trần Thành Đại – một cán bộ trung kiên và chủ chốt của Đảng tại Vĩnh Trà – gặp nhau và nên vợ nên chồng trong tình cảm thương yêu, đùm bọc của anh em, đồng chí đồng bào căn cứ cách mạng. Vừa sanh con, gặp nhiều khó khăn trong hoạt động nhưng được cô bác đồng bào vùng căn cứ nuôi nấng, giúp đỡ, bà Hồng vẫn không bỏ sót công tác nào trên cương vị là Ủy viên Ban chấp hành Phụ nữ tỉnh Vĩnh Trà. Cả 4 đứa con của bà đều lớn lên trong tình thương yêu, đùm bọc của cô bác và nay đã trưởng thành.

Trong năm 1955 – 1956, bà lại được bầu là Bí thư Huyện ủy Vũng Liêm và năm 1957, bà được phân công về hoạt động tại địa bàn thị xã Trà Vinh, giữ nhiệm vụ Bí thư Thị xã ủy Trà Vinh. Năm 1958 – 1959, bà được điều động về công tác tại Huyện ủy Cầu Kè, là Huyện ủy viên Huyện ủy Cầu Kè. Đến năm 1960, bà được điều động sang hoạt động tại địa bàn tỉnh Cần Thơ, là Trưởng ban giao liên tỉnh Cần Thơ. Sau đó, bà được chuyển qua hoạt động trong cơ quan Khu ủy Khu Tây Nam bộ. Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng (1975), bà được phân công về công tác tại Ban Bảo vệ Đảng Tỉnh ủy Cửu Long rồi được nhà nước cho nghỉ hưu năm 1976.

Qua 46 năm liên tục hoạt động, từ khi thoát ly năm 1930 – lúc mới 15 tuổi đời đến khi về hưu năm 1976 – 61 tuổi, cuộc đời của người nữ chiến sĩ cách mạng Nguyễn Thị Hồng đã để lại nhiều điểm son sáng chói : 15 tuổi, cô thôn nữ dám thoát ly gia đình hoạt động cách mạng và trở thành người giao liên tự tin giữa lòng thành phố đầy mật thám; 25 tuổi đã là Bí thư Huyện ủy chịu trách nhiệm lãnh đạo cuộc khởi nghĩa thành công ở Vũng Liêm trong cuộc khởi nghĩa Nam kỳ năm 1940; một cán bộ nữ lăn lộn qua nhiều địa bàn, chu toàn nhiều nhiệm vụ cách mạng qua hai thời kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; 25 năm lấy chồng, sanh đẻ 4 đứa con trong hoàn cảnh mỗi người mỗi địa bàn chiến đấu, hàng ngày đối diện với cái chết, với gian khổ… vẫn một lòng thủy chung với chồng con, một dạ sắt son với Đảng; rơi vào tay giặc bị tra tấn dã man vẫn nêu cao khí tiết cách mạng của người đảng viên… Cuộc đời đó là một tấm gương phản ánh rõ thêm biểu tượng đẹp về người phụ nữ Việt Nam anh hùng.

Bà từ trần ngày 2/3/1992, thọ 77 tuổi. Đồng chí Võ Văn kiệt, Thủ tướng Chính phủ, bận công tác, gởi vòng hoa kính viếng : “Vô cùng thương tiếc người chị, người thầy, người cộng sản kính mến!”.

Đảng và Nhà nước ta đã tặng thưởng cho bà những phần thưởng cao quý :

– Huân chương Độc lập Hạng II
– Huân chương Kháng chiến Hạng II
– Huân chương Quyết thắng Hạng I
– Huân chương Giải phóng Hạng I
– Huy hiệu 40 năm và 50 năm tuổi Đảng.

Theo Phạm Bá Nhiễu – Sách Nhân vật chí tỉnh Vĩnh Long vinhlong.gov.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *