Cho đến ngày nay, vẫn chưa có một cứ liệu lịch sử nào ghi rõ về năm sinh, quê quán, cuộc đời của người anh hùng nghĩa binh Nguyễn Giao. Chỉ biết, đã hơn trăm năm nay, họ tên và cuộc đời – sự nghiệp của ông đã bắt đầu và gắn liền với cuộc khởi nghĩa của Đốc binh Lê Cẩn, gắn liền với trận chiến Cầu Vông ở Vũng Liêm – Vĩnh Long vào năm 1872.

Nguyễn Giao là một võ tướng trẻ tuổi, tín cẩn của Đốc binh Lê Cẩn. Cùng sinh ra trong thời cuộc nhiễu nhương, bất bình trước cảnh nước mất nhà tan, vua quan nhà Nguyễn bất lực nhu nhược, ông đã hăng hái cùng Đốc binh Lê Cẩn quy tụ hào kiệt nghĩa sĩ và nông dân trong địa bàn Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre, khởi binh chống thực dân Pháp tại quận Vũng Liêm – Vĩnh Long vào những năm 1872 – 1873. Cuộc khởi binh này có quy mô lớn và bất ngờ nên đã gây cho bọn tay sai và thực dân Pháp nhiều khó khăn trong thời gian đầu tổ chức bộ máy thuộc địa.

 

Trước cuộc khởi nghĩa trận Cầu Vông, để gầy dựng và bố phòng lực lượng, được sự chỉ huy của Đốc binh Lê Cẩn, Nguyễn Giao đã tổ chức đào hào, đắp lũy dọc theo con sông Cổ Chiên để làm vật cản tàu chiến Pháp từ ngoài vàm Cổ Chiên. Ông sai đắp một thành cao tại ấp Van Điền (Vũng Liêm) để đóng binh và tiện việc quan sát, bố phòng.

Được sự tham mưu của ông Phó Mai – một nghĩa sĩ yêu nước, Nguyễn Giao và Lê Cẩn mở đợt tập kích vào dinh quận Vũng Liêm, tấn công trực tiếp bằng vũ lực vào cơ quan đầu não và giết được tên chủ quận tên Thực cùng 6 lính lệ, loại trừ những kẻ đã gây nhiều tội ác, bị nhân dân căm ghét. 

Thực dân Pháp phải huy động lực lượng đến đàn áp nhưng không diệt được lực lượng nghĩa quân Nguyễn Giao – Lê Cẩn. Để tăng cường lực lượng, củng cố sự cai trị ở địa phương, Pháp phải điều Đốc phủ Tôn Thọ Tường, một tay sai đắc lực lúc bấy giờ, về làm chủ huyện Vũng Liêm. Tôn Thọ Tường ra sức vỗ về dân chúng bằng một số chủ trương về giảm thuế khóa, cho phép mở mang đất đai, trợ giúp cứu tế xã hội. Mặt khác, Tường ra sức chiêu dụ Nguyễn Giao – Lê Cẩn và nghĩa quân bằng lợi lộc, chức vị. Nguyễn Giao và Đốc binh Lê Cẩn âm thầm củng cố lực lượng, chuẩn bị mở một cuộc tấn công với quy mô lớn, có hiệu quả.

Trận Cầu Vông nổ ra theo kế hoạch trá hàng, do Nguyễn Giao – Lê Cẩn hoạch định dựa vào lời chiêu dụ đầu hàng của chính Bồi Xê (tên tục của Tham biện Vĩnh Long là Salicetty).

Tương kế tựu kế, kế hoạch này được nghĩa quân Cầu Vông hoạch định rất táo bạo với sự bố trí lực lượng chu đáo, phối hợp nhịp nhàng. Nguyễn Giao chỉ huy một cánh quân đánh tập hậu, chặn đường rút lui của toán lính Pháp do Bồi Xê chỉ huy. Sau khi lực lượng Pháp lọt vào vòng vây, Đốc binh Lê Cẩn đánh trực diện vào toán lính Pháp do Bồi Xê dẫn đầu. Cuộc tấn công diễn ra nhanh chóng, ác liệt, gây thiệt hại lớn cho giặc Pháp ngay trong cuộc tấn công đầu này. Tham biện Salicetty bị giết tại chỗ cùng hơn 10 lính Pháp và tay sai. Đầu của Bồi Xê bi nghĩa quân đem bêu giữa đồng Láng Thé, Vũng Liêm (1872).

Để dập tắt phong trào này, thực dân Pháp phải huy động một lực lượng đông đảo từ nhiều nơi kéo về, kể cả lực lượng của Đốc phủ Cái Bè Trần Bá Lộc, Đội Tấn (theo Monographie de la provine Vĩnh Long et Trà Vinh). Chúng rất am tường đường đi nước bước và đặc biệt rất tàn ác dã man. Chúng mở cuộc tấn công vào nghĩa quân ở đồng Láng Thé. Cuộc chống trả quyết liệt của nghĩa quân đã cầm chân quân thù từ sáng đến chiều tối. Do thế cùng lực kiệt, nghĩa quân phải phân tán rút về phía Trà Vinh và kiểm soát khu vực này một thời gian dài sau đó. Lực lượng nghĩa quân dưới sự chỉ huy trực tiếp của Nguyễn Giao bị giặc Pháp tìm cách cô lập bao vây. Trước tình hình này, Nguyễn Giao quyết định chuyển địa bàn hoạt động. Ông tìm cách sang Bến Tre để củng cố, tổ chức lại lực lượng. Trên đường vượt qua sông Cổ Chiên, ông bị tay sai của Pháp phục kích giết chết. Xác của ông chìm và trôi mất tích. Sông nước quê hương đã gói trọn hình hài của một nghĩa sĩ vì nước quên thân.

Trong số hào kiệt chống Pháp, Nguyễn Giao còn rất trẻ (theo Vĩnh Long xưa và nay của Huỳnh Minh), nhưng đã biểu lộ tinh thần bất khuất đáng khâm phục. Cuộc khởi nghĩa tuy ngắn ngủi (1872 – 1873) và bị đàn áp dã man, kể cả đàn bà, trẻ con trong vùng Láng Thé, nhưng đối với thực dân Pháp, đây là cuộc khởi nghĩa được lãnh đạo và tổ chức chu đáo, được dân chúng ủng hộ, gây cho Pháp thiệt hại về vật chất, đồng thời vạch mặt được sự đàn áp tàn ác của chế độ thực dân Pháp.

Đối với nhân dân 3 tỉnh miền Tây, thì cuộc khởi nghĩa Cầu Vông năm ấy là niềm kiêu hãnh của những người yêu nước, tích cực đứng lên đánh Pháp và lần đầu tiên, một quan chức cao của Pháp là Salicetty bị giết.

Cuộc đàn áp đẫm máu của thực dân Pháp và tay sai chỉ gây thêm sự phẫn nộ trong dân chúng và không bao giờ tiêu diệt được tinh thần bất khuất, lòng yêu nước của nhân dân Vũng Liêm.

Hiện nay, tại Vũng Liêm còn tồn tại nhiều di tích về trận Cầu Vông như Ngã ba Cây Gáo, lễ giỗ Hội mồng ba, đồng Láng Thé. Cách Ủy ban xã Trung Ngãi hơn một cây số về phía Vũng Liêm còn tồn tại một trụ đá do thực dân Pháp dựng lên, đánh dấu trận Cầu Vông. Cũng tại đây, chúng ta đã xây dựng một Bia kỷ niệm cuộc khởi nghĩa anh dũng của nghĩa sĩ Cầu Vông để nhắc nhở các thế hệ mai sau về chiến công oanh liệt của nhân dân và chiến sĩ Cầu Vông, trong đó có Nguyễn Giao – một tướng trẻ anh hùng.

Theo Thái Chí Bình – Sách Nhân vật chí tỉnh Vĩnh Long va vinh long.gov.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *