Ông Nguyễn Đáng, tên thường dùng là Năm Trung, sinh ngày 16/11/1925 tại ấp Giồng Bèn, xã Huyền Hội, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh. Hai cụ thân sinh là ông Nguyễn Văn Tỵ và bà Phạm Thị Huệ đều là những tá điền của địa chủ họ Lâm (Lâm Quang Vĩnh).
Xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo, nhưng với tư chất thông minh, bản tính hiền lành, hào hiệp, hiếu nghĩa, từ nhỏ, ông đã vượt qua những bần cùng khó khăn : vừa ở đợ, vừa theo học chữ và phụ giúp gia đình. Càng thương cha mẹ cực nhọc vất vả, ông càng hiểu hơn cảnh cơ cực tủi nhục của kiếp người ở đợ làm thuê.
Năm ông 19 tuổi, được sự tuyên truyền giải thích của cán bộ cơ sở cách mạng, thấy được trách nhiệm của một thanh niên đứng trước nỗi khổ của gia đình, nỗi đau của quê hương đất nước, ông sớm giác ngộ đến với cách mạng. Ông thôi không ở đợ cho địa chủ, chuyển sang nghề đánh thuê xe ngựa hàng ngày từ Huyền Hội đi Bãi San, Tiểu Cần, Cầu Kè, Mai Phốp… Vừa đi đánh xe, ông vừa làm liên lạc, nắm tình hình địch để báo lại cho cơ sở.
Đầu năm 1945, phong trào cách mạng ở quê ông phát triển mạnh, Nguyễn Đáng gia nhập Thanh niên Tiền phong, cùng anh em, bạn bè trong tổ chức hoạt động tích cực, chờ thời cơ. Ngày 25/8/1945, cùng với nhân dân xã Huyền Hội, ông tham gia trong lực lượng thanh niên nổi dậy giành chính quyền. Chính quyền cách mạng được thành lập, ông được giao phụ trách Đội Thanh niên cứu quốc xã Huyền Hội. Là vai trò nòng cốt, ông vận động thanh niên tham gia lực lượng vũ trang, xây dựng được Trung đội du kích và lãnh đạo tổ chức hoạt động trừ gian diệt tề, chống càn quét lấn chiếm, bảo vệ thành quả Cách mạng tháng Tám.
Năm 1947, Nguyễn Đáng được kết nạp vào Đảng Cộng sản và được giao nhiệm vụ Xã đội trưởng, Trưởng Công an xã Huyền Hội.
Năm 1951, trong trận chống càn quét của thực dân Pháp, ông bị bắt. Bị địch tra khảo, đánh đập tàn nhẫn, ông vẫn giữ vững khí tiết cách mạng. Chúng giam ông tại Khám Lớn Trà Vinh. Vào tù, ông vẫn tiếp tục hoạt động trong Chi bộ nhà tù. Nhờ mưu trí, sau 8 tháng ở tù, ông cùng 100 tù nhân khác đã vượt ngục.
Bí mật trở về Huyền Hội, ông tiếp tục bám dân, bám đất mà hoạt động, củng cố lại phong trào. Tháng 5/1954, Nguyễn Đáng được cử làm Bí thư xã Huyền Hội. Năm 1956, là Huyện ủy viên huyện Càng Long và từ năm 1959, ông là Bí thư Huyện ủy Càng Long. Đây là thời kỳ khó khăn nhất của cách mạng miền Nam. Luật 10/59 của Mỹ – Diệm tiến hành “tố cộng, diệt cộng”, lê máy chém đi khắp nơi đàn áp phong trào cách mạng.
Trong thời gian này, ông tập trung chỉ đạo thành lập và phát triển lực lượng vũ trang địa phương quân huyện, đẩy mạnh phong trào ba mũi giáp công, chống địch gom dân lập ấp chiến lược, tổ chức nổi dậy hưởng ứng chiến dịch Đồng Khởi.
Tháng 3/1961, Nguyễn Đáng được bầu vào Tỉnh ủy kiêm Chính trị viên Tỉnh đội Trà Vinh. Năm 1965, được bổ nhiệm Bí thư Tỉnh ủy (thay ông Phạm Văn Kiết (Năm Vận) về Khu ủy). Trong thời gian này, Mỹ ngụy tăng cường đánh phá ác liệt, ông lãnh đạo tổ chức hoạt động đấu tranh chính trị – binh vận – vũ trang, bám dân bám đất để tấn công và phản kích địch, coi trọng công tác Khmer, thắt chặt mối đoàn kết quân – dân và các dân tộc cùng chống kẻ thù chung. Bằng ba mũi giáp công, ông đã lãnh đạo quân dân Trà Vinh làm chủ nhiều vùng rộng lớn, giải phóng quận lỵ Long Toàn. Với thành tích đó, năm 1964, Trà Vinh được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng II, là tỉnh dẫn đầu các tỉnh miền Tây về phong trào nhân dân, du kích chiến tranh và là một trong ba tỉnh nổi bật nhất trên chiến trường miền Nam.
Năm 1968, với sự chỉ đạo tài tình, ông đã lãnh đạo quân dân làm nên một chiến thắng Xuân Mậu Thân, giải phóng nhiều vùng đất đai và 2/3 dân số. Tỉnh Trà Vinh được tặng thưởng Ngọn cờ đầu toàn miền Tây với Huân chương Thành đồng hạng I và danh hiệu 8 chữ vàng "Toàn dân đoàn kết, nổi dậy lập công".
Cuối 1968, ông là Khu ủy viên Khu Tây Nam bộ, chỉ đạo trực tiếp Tỉnh ủy Trà Vinh. Từ 1974 đến 30/4/1975, ông được rút về Khu ủy, giữ chức vụ Trưởng Ban Binh vận, Trưởng Phân ban chỉ đạo Binh vận hai tỉnh Vĩnh Long – Trà Vinh. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ông là Phó Tư lệnh Mặt trận miền Tây, chỉ đạo chiến trường trọng điểm Cần Thơ và là người tình nguyện đem lực lượng chỉ đạo vùng xung yếu tỉnh Long Xuyên trước khi quân ta chiếm lĩnh Cần Thơ. Tiếp quản Long Xuyên, ông được Khu ủy chỉ định ở lại làm Bí thư tỉnh Long Châu Hà. Đến tháng 2/1976, tỉnh Long Châu Hà đổi tên là tỉnh An Giang, ông là Phó Bí thư trực Tỉnh ủy An Giang, sau đó, Trung ương phân công trở về công tác tại Cửu Long. Tại Đại hội Tỉnh Đảng bộ lần thứ I (vòng II) từ 28/3 – 8/4/1977, ông được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy, Ủy viên dự khuyết BCH TW Đảng khóa IV, Ủy viên BCH TW Đảng khóa V và liên tục trong ba nhiệm kỳ Đại hội Tỉnh Đảng bộ (I, II, III), ông đều được Đại hội bầu giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Cửu Long.
Cuộc đời và sự nghiệp của ông Nguyễn Đáng là một tấm gương trong sáng và bền vững. Với tình cảm đồng chí, anh em, bạn bè, ông là một mẫu người đạo đức “nhân nghĩa”, thương yêu gắn bó với nhân dân. Cuộc sống tiêu biểu, giản dị, đoàn kết và trung thực, biết quý trọng mọi người, mọi giới, mọi cấp với tư tưởng cấp tiến, đem lại lợi ích cho xã hội.
Với sự nghiệp, cả cuộc đời vì quê hương dân tộc, quên mình để sống vì mọi người, sống cho đất nước, không màng bản thân và quyền lợi riêng tư. Trong thời gian đương nhiệm, năm 1981, đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn về thăm Cửu Long đã biểu dương : “Tỉnh Cửu Long có 4 cái được : được mùa, được lúa, được quân, được lòng dân phấn khởi”. Và nói về ông, nhà văn, nhà nghiên cứu Trần bạch Đằng đã viết : “… Anh yêu cuộc sống và anh phấn đấu ngoan cường để giành từng giây với cái chết, ngay cả vào thời điểm hoàn toàn tuyệt vọng… Anh lưu luyến với bao công việc còn dở dang, nhưng bạn bè của anh nghĩ rằng anh không vắng mặt trong đội ngũ. Ít nhất, anh cũng để lại một cái gì không thể phai mờ bằng chính cách sống của anh… ”. Sau một tháng đấu tranh với cái chết trên giường bệnh, Nguyễn Đáng đã vĩnh biệt Đảng bộ và nhân dân Cửu Long vào lúc 1 giờ 02 phút ngày 8/4/1984. Bạn bè, đồng chí, nhân dân Cửu Long đã thương kính tiễn đưa người con gương mẫu của quê hương Vĩnh Trà về nơi yên nghỉ cuối cùng tại NTLS tỉnh Cửu Long (nay là Vĩnh Long).
Công lao cống hiến trong sự nghiệp của Nguyễn Đáng đã được tặng thưởng những Huân chương cao quý :
– Huân chương Quyết thắng hạng Nhất
– Huân chương Giải phóng hạng Nhất
– Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất
– Huân chương Độc lập hạng Nhất
– Huân chương “Lao động quên mình” do Nhà nước Liên Xô trao tặng.
Theo Lê Thị Bích Vân – Sách Nhân vật chí tỉnh Vĩnh Long