Nghệ sĩ Thanh Loan tên thật là Nguyễn Thị Ba, sinh ngày 12 tháng 1 năm 1917 tại làng Phong Thới, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, là chị của nghệ sĩ Thanh Hương.
Sinh trưởng trong một gia đình nông dân nghèo, từ nhỏ, bà đã phải lam lũ vất vả phụ giúp cha mẹ để kiếm sống. Bà có giọng hát hay và ước ao được vào một đoàn hát, nhưng ước ao đó mãi đến năm 23 tuổi mới thực hiện được. Bà được đoàn Tân Hí Ban nhận cho theo học nghề và bước đầu được đóng những vai nữ tỳ trong các tuồng hát.
Giai đoạn này đối với bà thật là gay go và lắm phen tủi nhục, nhưng với lòng yêu nghề, bà đã kiên nhẫn học tập. Ông Sáu Lăng (Phó TTK Hội Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh, nay đã mất) kể lại rằng : “Trước đây, lúc học làm tỳ nữ, trong một đêm diễn, cô múa trật và bị ông bầu gánh đánh, đến nỗi phải mang bệnh điếc một bên tai cho đến chết”. Khi đã thành thục những vai tỳ nữ, đoàn mới bắt đầu phân cho bà đóng những vai đào con. Đến năm 1946 – 1947, bà mới chính thức đứng ở cương vị đào chánh. Tên tuổi Thanh Loan từ đó mọi người mới biết đến. Năm 1948, bà về công tác với đoàn Việt kịch Năm Châu. Ở đoàn này, bà cũng được cố Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Thành Châu và Trần Hữu Trang ân cần rèn luyện thêm nên nghề nghiệp của bà ngày càng tiến. Hai vai diễn nổi bật của bà được người xem mến mộ trong khoảng thời gian này là vai Tiểu Lan trong vở “Hồn bướm mơ tiên” (1948) và vai cô con gái trong vở “Vó ngựa truy phong” (1949).
Năm 1953, nghệ sĩ Thanh Loan về hát cho đoàn Nam Tình với vai diễn để đời : chị bếp trong vở “Nỗi lòng chị bếp”. Năm 1954, bà lại về hát cho đoàn Phước Chung trong vở “Trường hận Dương Quý Phi” mà bà đóng vai Dương Quý Phi. Năm 1957, theo yêu cầu của nghệ sĩ Phùng Há (chủ gánh Vân Hảo), bà về hát cho đoàn này và đảm nhiệm các vai chính trong một số vở : “Tập làm chồng”, “Đêm không ngày” (1957). Nơi mà bà để lại nhiều vai diễn nhất là sân khấu Thanh Minh. Ở cuối thập niên 50 và đầu thập niên 60, sân khấu Thanh Minh là một trong những sân khấu ăn khách nhất với loại tuồng xã hội. Qua các vở “Đời cô Lựu”, “Tô Ánh Nguyệt”, “Lan và Điệp”, “Nửa đời hương phấn”, “Áo cưới trước cổng chùa”, “Lỡ bước sang ngang”, “Kiếp hoa tàn”, “30 năm sau”… với những vai lão độc đáo, tên tuổi của nghệ sĩ Thanh Loan lên đỉnh cao và được liệt vào hàng nghệ sĩ tiền phong của sân khấu cải lương miền Nam.
Nói đến Thanh Loan không chỉ nói đến một nghệ sĩ trên sân khấu, mà còn là một chiến sĩ cách mạng. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng, trong một quê hương Vũng Liêm có truyền thống chống giặc ngoại xâm, bản thân đã từng chứng kiến những ngày sục sôi của cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ anh dũng, lòng bà cũng nung nấu một tình cảm cách mạng thiết tha. Năm 1946, chị trở thành một cơ sở cách mạng được tổ chức bố trí hoạt động trong giới văn nghệ sĩ giữa thành phố Sài Gòn. Bằng tài năng và danh tiếng của một nghệ sĩ đang lên, bằng sự đôn hậu và cuộc sống mẫu mực, Thanh Loan đã góp phần xây dựng tổ chức văn nghệ sĩ cách mạng, hoàn thành được nhiệm vụ thông tin liên lạc, che giấu cán bộ và giữ vững thế hợp pháp của mình trong một thời gian dài.
Cuối năm 1961, giữa lúc ngôi sao Thanh Loan đang tỏa sáng, do một bộ phận tổ chức cách mạng trong giới nghệ sĩ bị địch phát hiện, bà được lệnh rút ra vùng giải phóng. Sau đó, bà được đưa ra Bắc để trị bệnh, được đi tham quan, nghiên cứu nghệ thuật các dân tộc ở Bungari và ở một số trung tâm hoạt động nghệ thuật trong nước. Nữ nghệ sĩ Thanh Loan có lần cùng đoàn cán bộ miền Nam ra thăm miền Bắc được gặp mặt Bác Hồ, báo cáo tình hình nghệ sĩ trong vùng kềm kẹp cho Bác Hồ nghe và hát bài vọng cổ "Cô giáo bình dân" tặng Bác.
Về Nam, bà được biệt phái xuống T3 (tức Khu 9 cũ) để làm cố vấn xây dựng phong trào văn nghệ cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Trong thời gian từ năm 1964 – 1975, đoàn cải lương của Trung ương Cục được điều động về đây phục vụ bà con. Cùng một lúc, bà làm hai nhiệm vụ song song : vừa chỉ đạo nghệ thuật cho Đoàn cải lương Trung ương Cục, vừa xây dựng phong trào văn nghệ quần chúng. Năm 1970, chị được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.
Sau giải phóng (1975), bà về Thành phố Hồ Chí Minh, làm cố vấn chỉ đạo nghệ thuật cho nhà hát cải lương Trần Hữu Trang và tham gia giảng dạy ở Trường Nghệ thuật sân khấu II. Bà được nhân dân thành phố tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Khóa 4.
Ngày 13 tháng 10 năm 1982, nghệ sĩ ưu tú Thanh Loan qua đời tại bệnh viện Thống Nhất sau một thời gian bệnh nặng.
Qua nhiều năm biểu diễn trên sân khấu cải lương, nghệ sĩ ưu tú Thanh Loan đã đảm nhận hàng chục vai diễn, trong đó có nhiều vai gây ấn tượng khó quên trong lòng người mộ điệu.
Sau khi thoát ly ra vùng giải phóng và ở Bắc về, Thanh Loan không còn làm công tác diễn viên, mà chị chuyên sâu công tác chỉ đạo nghệ thuật, đạo diễn dàn dựng và giảng dạy. Chị đã dàn dựng vở “Phụng Nghi Đình” và vở “Rừng cao su nhuộm máu” cho Đoàn cải lương Nam Bộ, dựng vở “Trần Quốc Toản ra quân” cho nhà hát Trần Hữu Trang. Chị đã góp phần mình đào tạo nhiều lớp ca nhạc cổ và sân khấu cải lương, bồi dưỡng tài nghệ cho một số nghệ sĩ nổi tiếng như cố nghệ sĩ Thanh Nga, nghệ sĩ Thanh Vy.
Khi nhắc đến Thanh Loan, ông Vương Hồng Sển – một nhà nghiên cứu văn hóa – văn nghệ – đã viết như sau : “Một người nay đã vắng bóng trên sân khấu, nhưng tài nghệ được nhắc là cô ba Thanh Loan. Thuở cô đóng vai Lan trong gánh Năm Châu, đóng vai nữ y tá, hoặc các vai tuồng xã hội khác, mỗi lần xem hát về, tôi mường tượng thấy bóng một cô nữ sinh áo tím, duy khác một điều là cô giống một học trò ngây thơ Trường Gia Long thật, nhưng ăn nói ráo rẽ hơn bội phần, thêm ca hay và cái giọng thổ khàn khàn càng dễ gây cảm tình. Kế đó, hay tin cô gá nghĩa với một nhà viết báo, nhưng có tâm sự gì, cô bỏ ra Bắc. Cô ra ngoài ấy, cái gì còn mãi ở lại đây là gương một người con hy sinh, có gánh nặng gia đình cha mẹ, anh, em; gương một người nghệ sĩ tiên phong có gan, có đầu óc, từng chỉ dạy học trò như cô Thanh Nga trong tuồng “Vợ và tình”, trong bao nhiêu vai Thu và vai Lan trong “Lan và Điệp”, tưởng còn lâu mới có người thay thế”. Hoặc lời nhận định của tờ báo “Lẽ sống” về hiện trạng cải lương thời ấy : “Đoàn Hoa Sen hốt bạc khán giả với loại tuồng chiến tranh. Đoàn Kim Thanh ăn khách về ca câu vọng cổ rền rĩ của kép Út Trà Ôn. Đoàn Kim Chung có nhiều pháp thuật, làm bửu bối. Ngoài ra, các diễn viên đàn anh, đàn chị như Năm Châu, Ba Vân, Phùng Há, Thanh Tùng, Bảy Nhiêu, Thanh Loan, Minh Tao… không giúp một gánh nào nhất định, chỉ thỉnh thoảng tập hợp diễn một vài đêm mà vẫn thu phục được khán giả”.
Hơn bốn mươi năm hoạt động không mệt mỏi trên sân khấu, nghệ sĩ Thanh Loan đã được Nhà nước phong tặng :
– Danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú.
– Huân chương Chiến thắng hạng I.
– Huân chương chống Mỹ cứu nước hạng I.
– Truy tặng Huân chương Lao động hạng III.
– Huy chương Chiến sĩ văn hóa.
Theo Huỳnh Thanh Tuấn – Sách Nhân vật chí tỉnh Vĩnh Long và vinhlong.gov.vn