Nguyễn Văn Nghĩa sinh ngày 20/4/1961 tại ấp Phú Mỹ – xã Tân Mỹ – huyện Trà Ôn – tỉnh Vĩnh Long. Cha mẹ rất nghèo, lại đông con, nhưng vẫn cố gắng cho các con ăn học.

Năm học xong lớp 11, Nghĩa tình nguyện nhập ngũ. Ngày 15/4/1979, sau khóa huấn luyện, được biên chế vào Đại đội 2, Tiểu đoàn trinh sát thuộc Mặt trận 979 – Quân khu 9 với nhiệm vụ y tá.

Chiến tranh biên giới Tây Nam đang diễn ra ác liệt. Giúp bạn Campuchia, đang lúc bọn Khmer phản động bị đánh bật khỏi các thành phố, thị xã, thị trấn, tìm cách co cụm, lập căn cứ trong những vùng rừng núi sâu dọc biên giới tiếp giáp Thái Lan. Để tiêu diệt chúng, các đơn vị quân tình nguyện Việt Nam, trong đó có đơn vị của anh tân binh Nguyễn Văn Nghĩa, liên tục phối hợp với quân cách mạng Campuchia tổ chức các cuộc truy quét trong một địa hình hết sức bất lợi.

Trong một chiến dịch dài ngày kể từ đầu năm 1980 đến tháng 8/1981, trên đất bạn, đơn vị trinh sát của Nghĩa phải tiến hành 9 đợt công tác rất hiểm nguy, gian khổ. Ngoài bom đạn còn đối mặt thường xuyên với khí hậu khắc nghiệt, bệnh tật – nhất là sốt rét. Y tá Nghĩa ngoài nhiệm vụ chiến đấu còn phải tất bật chăm sóc thương – bệnh binh.

Bước vào mùa khô 1981 – 1982, đơn vị được giao nhiệm vụ trinh sát địa bàn tỉnh Puốc-sát trên tuyến biên giới Campuchia – Thái Lan. Đây là vùng rừng núi hiểm trở, sông suối chằng chịt, địch hoạt động rất mạnh.

Đơn vị xuất phát vào sáng 21/10/1981. Sau hai ngày hành quân xuyên rừng đến điểm tập kết, lực lượng trinh sát chia làm hai tổ : tổ bàn đạp và tổ vực sông. Nghĩa thuộc tổ bàn đạp do Đại đội trưởng đặc công chỉ huy. Trưa 24/10/1981, tổ bàn đạp bị địch tập kích. Hai chiến sĩ trinh sát thất lạc, một đồng chí bị thương. Tổ còn 10 người. Chỉ huy cử 3 chiến sĩ đi tìm đồng đội, số còn lại ém quân gần điểm tập kích. Ngày 25/10/1981, lực lượng đi tìm đồng đội trở về điểm hẹn thì vướng mìn, một hy sinh, một bị thương rất nặng. Đại đội trưởng phân công Nghĩa ở lại chăm sóc thương binh, chờ tổ hoàn thành nhiệm vụ sẽ quay lại cùng về hậu cứ. Nhưng tổ trinh sát lại bị địch phục kích, Nghĩa mất liên lạc, một mình giữa rừng sâu với người bạn ngày một yếu dần vì vết thương hành hạ.

Chính vào lúc đó, địch phát hiện Nghĩa và tổ chức tấn công. Với khẩu AK và lựu đạn, Nghĩa chống trả quyết liệt, ghìm được chân bọn chúng. Không thể ở lại địa điểm đã bị lộ, Nguyễn Văn Nghĩa quyết định đưa thương binh tìm về đơn vị. Một mình mang vác ba-lô, vũ khí, vừa dìu cõng đồng đội, vừa dò gỡ mìn tìm đường trong một địa bàn đầy bất trắc, thấm mệt. Nhưng nghĩ đến cách mạng, nghĩ về đồng đội người vừa ngã xuống, người đang chiến đấu trong rừng sâu, người thì đau đớn vì vết thương bên mình… anh lại thấy trách nhiệm chưa hoàn tất. Một sức mạnh vô hình giúp anh vượt qua mọi thử thách.

 

Ròng rã 8 ngày đêm lần dò từng bước, quên cả đói khát, Nghĩa tận lực chăm sóc cho thương binh. Anh đã vượt qua nhiều bãi mìn, nhiều dốc đá, suối khe hiểm trở, để rồi ngày 3/11/1981, đơn vị vui mừng tìm thấy anh và thương binh, tuy kiệt sức nhưng vẫn nguyên vẹn trở về.

“Tất cả những gì mình có thể làm được vì tình đồng chí theo đúng nghĩa của nó”.

Nguyễn Văn Nghĩa chỉ giải thích hành động của mình một cách đơn giản thế. Nhưng đối với đồng đội, anh đích thực là một anh hùng. Tư lệnh Mặt trận 979 – Quân khu 9 đánh giá : “ …Tình yêu thương đồng đội sâu sắc trong lúc gian nguy, đầy trách nhiệm của người thầy thuốc như Đảng dạy. Bằng những hành động dũng cảm, trong tình huống hết sức ngặt nghèo, một mình giữa khu vực địch, vừa điều trị thương binh, vừa giữ thi hài liệt sĩ, gương đồng chí đã được tập thể và các đơn vị trên tuyến biên giới học tập”.

Trong hồ sơ đề nghị tuyên dương anh hùng cho Nguyễn Văn Nghĩa có đoạn viết : “Nguyễn Văn Nghĩa là một chiến sĩ mới, một đoàn viên tuổi còn trẻ, thời gian chiến đấu chưa nhiều nhưng đã xác định được lập trường chiến đấu kiên định, trách nhiệm chính trị cao, sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ trong mọi tình huống nguy hiểm” (Ý kiến của đồng chí Nguyễn Đệ, nguyên Tư lệnh Mặt trận 979 – Quân khu 9, nay là Trung tướng, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu 9).

Ngày 25/1/1983, Chủ tịch Trường Chinh ký quyết định số 270/KT.HĐND tuyên dương Anh hùng LLVT cho trung sĩ Nguyễn Văn Nghĩa.

Anh còn được vinh dự kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam ngay tại chiến trường Campuchia đầy thử thách quyết liệt. Khi hoàn thành nghĩa vụ quốc tế trở về, Nguyễn Văn Nghĩa được cử đi dự Liên hoan Thanh niên tiên tiến Việt Nam – Liên Xô, được chọn đi báo cáo điển hình tại nhiều nước XHCN.

Ngoài ra, anh còn được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất, một bằng khen và hai giấy khen về thành tích chiến đấu xuất sắc.

Theo Phạm Bá Nhiễu – Sách Nhân vật chí tỉnh Vĩnh Long 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *