Lê Văn Lăng sinh năm 1946 tại ấp 9, xã Hậu Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Xuất thân từ gia đình bần nông, Lê Văn Lăng có một thời thơ ấu gian khổ. Mãi đến năm 12 tuổi, anh mới cắp sách đến trường làng. Vừa đi học, vừa làm mướn và chỉ đến lớp 3 thì phải nghỉ học để phụ giúp gia đình.
Năm 1964, Lê Văn Lăng bước vào tuổi 18. Anh thoát ly gia đình, xin vào bộ đội huyện. Lúc này, ở miền Nam, phong trào phá ấp chiến lược phát triển rầm rộ. Địa phương quân Tam Bình dẫn đầu chiến thuật đánh đồn bằng thủ pháo lửa, diệt 14 đồn, bót; phá ấp chiến lược, xé rào bung về vườn cũ, thu nhiều vũ khí; xây dựng, phát triển mạnh địa phương quân.
Hai năm sau, ngày 13/4/1966, Lê Văn Lăng được bổ sung vào Đại đội 205 thuộc Tiểu đoàn 857. Đây là đội quân chủ lực của tỉnh Vĩnh Long thời kỳ chống Mỹ cứu nước.
Đầu năm 1967, Mỹ tiếp tục đưa quân vào miền Nam, mở cuộc phản công chiến lược với quy mô lớn hòng đè bẹp quân ta.
Khoảng tháng 2/1967, Tiểu đoàn 857 tập kích tiêu diệt Tiểu đoàn biệt động quân 43 ở Lò Gạch, tiếp đó, kết hợp với lực lượng binh vận tập kích diệt Chỉ huy sở Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 15 cơ động, Sư đoàn 9 tại Trà Khiết. Lê Văn Lăng được Ban chỉ huy Trung đội phân công đảm trách tổ xung phong đi đầu. Ngay từ đợt tấn công đầu tiên, trung đội anh đã diệt gọn một trung đội địch.
Sau trận thắng này, tháng 3/1967, Lê Văn Lăng được đề bạt làm Trung đội trưởng. Với nhiệm vụ mới, anh càng hăng say chiến đấu và đã cùng đồng đội lập nhiều chiến công vang dội.
![]() |
Súng chống tăng B40 |
Trong hơn 4 năm (1964 -1968), Lê Văn Lăng đã tham gia 50 trận đánh lớn nhỏ, gồm 15 trận công đồn, 5 trận tập kích, 6 trận phục kích, 16 trận phòng ngự, 6 trận chống càn, 2 trận pháo kích. Bản thân anh tiêu diệt 300 tên (chết 250 tên, bị thương 50 tên, trong đó có 3 cảnh sát ác ôn ở Bà Thiên, 3 trung úy, 6 thiếu úy, 6 Trưởng – Phó đồn, 1 an ninh quân đội). Cá nhân cùng tập thể chiến đấu tiêu diệt 1 công an, 3 B bảo an, 2 B cảnh sát và bắn rơi hai trực thăng cá lẹp, 1 trận diệt 7 chiếc M113 tại chỗ, tiêu hao 8 chiếc khác, bắn chìm 3 tàu có vũ khí, bắn bị thương 4 chiếc. Cùng tập thể thu 70 súng các loại, đánh 7 đồn, bắt sống 6 tù binh. Nổi bật trong chiến công của Lê Văn Lăng có các trận đánh đáng nhớ :
– Ngày 15/7/1967, nhận nhiệm vụ công đồn, Lê Văn Lăng chỉ huy Trung đội, làm mũi chủ yếu trong hai mũi tiến công. Lúc B40 của anh đã phá tan lô-cốt đầu cầu thì mũi tiến công của bạn chưa chiếm được mục tiêu quy định. Anh đã dũng cảm, linh hoạt dùng dùng B40 bắn tiếp lô-cốt thứ hai, yểm trợ cho mũi bạn đánh thọc sâu vào, kết thúc nhanh gọn trận chiến.
Trận này, Lê Văn Lăng được tặng một Bằng khen, một giấy công nhận Dũng sĩ.
– Tháng 8/1967, nhận nhiệm vụ công đồn cùng 6 chiến sĩ, mũi tấn công của Lê Văn Lăng bất ngờ vấp phải sức kháng cự quyết liệt của lính đồn. Đồng đội đều bị hy sinh, còn lại một mình, Lê Văn Lăng đã bình tĩnh xử trí. Một mặt, anh báo cáo tình hình với Chính trị viên đại đội – người chỉ huy mũi dự bị; mặt khác tìm cách đánh lạc hướng địch, tạo điều kiện tiến cho mũi dự bị tấn công. Kết quả : lính đồn chết 7, bị bắt sống 5, ta tịch thu 10 khẩu súng. Các chiến sĩ bị thương và hy sinh được đưa về điểm tập kết an toàn.
Lê Văn Lăng được một Bằng khen, một giấy công nhận Dũng sĩ.
– Tháng 9/1967, trung đội do Lê Văn Lăng chỉ huy nhận nhiệm vụ phục kích đoàn tàu chở lính bảo an đi càn ở xã Tân Nhuận Đông (huyện Châu Thành, Đồng Tháp hiện nay). Ngay phát B40 đầu tiên sau hơn nửa giờ phục kích, Lê Văn Lăng bắn chìm tại chỗ một chiếc tàu, rồi chiếc thứ hai, thứ ba… Đội hình tàu địch rối loạn. Kết quả : ta xung phong thu 19 súng, địch chết 50 tên, diệt một C bảo an.
Lê Văn Lăng được tặng một Bằng khen, một giấy công nhận Dũng sĩ.
– Trận đánh đáng nhớ thứ tư của Lê Văn Lăng là trận chống càn vào tháng 5/1968. Thời điểm này, để thực hiện tốt nhiệm vụ đánh bình định của trên giao, Tiểu đoàn 857 cùng với lực lượng vũ trang địa phương bằng nhiều hình thức đánh địch, phục kích, tập kích và chống càn từ tháng 5/1968 đến tháng 7/1968. Trong vòng 2 tháng chiến đấu, Tiểu đoàn đã tổ chức đánh 37 trận, làm chết và bị thương 1.260 tên, diệt và phá hủy 46 xe tăng, trong đó có 42 xe M113 và 4 xe M118.
Lê Văn Lăng đã góp công rất lớn khi trong một trận đánh ở cấp tiểu đoàn theo thế phòng ngự giằng co với lực lượng địch gồm 1 trung đoàn, 4 chi đoàn M113 và M118, anh đã dùng B40 bắn cháy liên tiếp 3 chiếc M113. Trong đợt tấn công tiếp theo, Lê Văn Lăng dùng B40 bắn 2 phát, cháy 2 chiếc M118. Địch hoảng hốt rút lui, đồng thời gọi pháo và bom bắn phá. Vừa dứt đợt bom, Lê Văn Lăng lập tức củng cố đội hình, quyết tâm chống trả đợt tấn công thứ tư của địch.
Anh đã bị sức ép của B40 làm chấn thương, máu lỗ tai chảy nhiều nhưng vẫn dũng cảm, kiên trì cùng đồng đội giữ vững địa hình. Địch buộc phải rút lui sau khi Lê Văn Lăng bắn cháy thêm 2 chiếc M113.
Trận này, Lê Văn Lăng được Tiểu đoàn và Tỉnh đội tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt xe tăng và một Bằng khen.
Tháng 10/1968, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, Tiểu đoàn 857, địa phương quân Châu Thành cùng lực lượng dân quân du kích liên tục chiến đấu với địch, ngăn chặn bước phát triển bình định của chúng bằng nhiều hình thức, loại khỏi vòng chiến đấu 250 tên, trong số này có hơn 100 tên Mỹ. Tiểu đoàn 857 đánh diệt gọn Phân chi khu An Nhơn, Phân chi khu Thành Lợi.
Cùng thời gian này, ngày 7/10/1968 Lê Văn Lăng anh dũng hy sinh.
Ngày 6/11/1978, Lê Văn Lăng được Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Đào Ngọc Chương – Theo sách Nhân vật chí tỉnh Vĩnh Long