Liệt sĩ Trần Thanh Liêm (*), sinh năm 1941, quê quán xã Phong Hòa, huyện Lai Vung, tỉnh Sa Đéc (nay là tỉnh Đồng Tháp).

Đồng chí tham gia cách mạng năm 1960, là du kích xã Phong Hòa. Tháng 6/1962 được chọn đi học đặc công. Tháng 6/1963 bổ sung vào trung đội đặc công Tỉnh đội Vĩnh Long, là chiến sĩ đặc công, đoàn viên. Sau đó, đồng chí được đề bạt Tiểu đội trưởng.

Tháng 4/1965, Trần Thanh Liêm được đề bạt Trung đội phó và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Đầu năm 1966, đồng chí được đề bạt Trung đội trưởng đặc công, rồi Đại đội phó đặc công Tỉnh đội Vĩnh Long.

Lúc hy sinh, Trần Thanh Liêm là Đại đội phó Đại đội 203, Tiểu đoàn 857 bộ đội địa phương tỉnh Vĩnh Long.

Đồng chí Trần Thanh Liêm là cán bộ được rèn luyện thử thách từ người chiến sĩ đặc công của Tỉnh đội. Sau nhiều năm chiến đấu, ở cương vị nào, đồng chí cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được phân công, có tư tưởng vững vàng và căm thù giặc sâu sắc, được đồng đội tin tưởng quý mến vì những hành động dũng cảm, mưu trí, sáng tạo trong những trận tấn công đồn tiêu diệt địch.

Đầu năm 1967, địch tăng cường bình định ác liệt trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long. Hệ thống đồn bót, khu trù mật, hậu cứ địch được xây dựng dày đặc để kềm kẹp nhân dân, đàn áp cách mạng. Trước tình hình khó khăn đó, yêu cầu chiến đấu của bộ binh ngày càng cao, cần phải có cách đánh đặc công hóa bộ binh mới phá vỡ được kế hoạch bình định của địch. Vì vậy, Tỉnh đội quyết định điều đồng chí Liêm từ Đại đội đặc công về Tiểu đoàn 857 của tỉnh, đảm nhiệm chức vụ Đại đội phó Đại đội 203 – Tiểu đoàn 857. Đồng chí đã huấn luyện cho Đại đội 203 trở thành đại đội đặc công hóa bộ binh theo yêu cầu chỉ đạo điểm của Đảng ủy Ban Chỉ huy Tiểu đoàn 857. Sau hơn 4 tháng vừa huấn luyện vừa chiến đấu, Đại đội 203 đã thật sự đủ khả năng đánh công đồn và phá hậu cứ địch.

Tháng 5/1967, yêu cầu khẩn trương phải tiêu diệt đồn Trà Khiết – xã Mỹ Thuận – huyện Bình Minh. Nhiệm vụ được giao cho Đại đội 203 và đồng chí Liêm trực tiếp chỉ huy. Thời gian nghiên cứu thực địa chỉ có một đêm. Với quyết tâm cao và mưu trí linh hoạt, nhận định đúng về địch, đại đội bước vào chiến đấu. Sau hơn 30 phút chiến đấu quyết liệt, đơn vị đã chiếm được hai góc của đồn Trà Khiết bố trí theo kiểu hình tam giác. Địch trong đồn bị tiêu diệt một số, chúng co cụm về một góc còn lại và phản ứng quyết liệt, cầm cự chờ cứu viện. Các mũi tiến công của đại đội hầu hết đã bị thương vong. Trước những khó khăn ác liệt, đồng chí Liêm đã nhanh chóng tổ chức một tổ nghi binh đánh lạc hướng. Riêng đồng chí cùng với hai chiến sĩ đã mưu trí luồn lách, ép sát góc tam giác còn lại, dùng thủ pháo, lựu đạn tiêu diệt toàn bộ quân giặc ngoan cố. Đại đội 203 làm chủ đồn Trà Khiết, tiêu diệt toàn bộ một trung đội địch, thu toàn bộ vũ khí và quân trang quân dụng.

Tháng 9/1967, đồng chí Liêm trực tiếp chỉ huy Đại đội 203 kết hợp với Đại đội 205 có nhiệm vụ diệt đồn Bình Tiên và một đại đội cảnh sát dã chiến đóng quân ở chùa gần đồn Bình Tiên. Sau khi trinh sát kỹ địa hình, hai đại đội làm kế hoạch hợp đồng chiến đấu, cụ thể : Đại đội 203 đánh chiếm đồn Bình Tiên, Đại đội 205 đánh một đại đội cảnh sát dã chiến đang hành quân dã ngoại. Khi đưa quân vào theo kế hoạch thì trinh sát cơ sở báo cho biết hiện có 10 đoàn bình định đang ở trong đồn Bình Tiên cùng với một trung đội dân vệ. Đây là tình hình khó khăn cho mũi tiến công của đại đội vì quân số địch tăng lên rất đông so với dự kiến. Với quyết tâm đã ra quân là phải đánh, đã đánh là phải thắng, đồng chí Liêm suy nghĩ : “Nếu diệt được 10 đoàn bình định sẽ có ý nghĩa lớn đối với trận đánh này vì ngăn chặn được kế hoạch bình định của địch”. Vậy đánh bằng cách nào khi địch mạnh hơn ta cả về binh lực và hỏa lực? Đồng chí quyết định tổ chức các mũi tiến công theo phương án đã hợp đồng kết hợp với đột nhập lót ổ theo cách đánh nở hoa trong lòng địch. Lực lượng lót ổ chỉ có Trần Thanh Liêm và 2 đồng chí. Thực hiện thành thạo các động tác đặc công, tổ đột nhập đã vào đúng theo ý định an toàn. Đến giờ điểm hỏa, ngoài đánh vào, trong đánh ra làm bất ngờ, hỗn loạn quân địch, là thời cơ tốt nhất để lực lượng Đại đội 203 và Đại đội 205 tiêu diệt đồn Bình Tiên và đại đội cảnh sát dã chiến. Kết quả trận đánh này, ta tiêu diệt và bắt sống 21 tên, thu toàn bộ súng các loại và quân trang quân dụng.

PHẠM CÔNG LỘC – Theo sách “Những người con trung hiếu”           

——————————-

(*) Trần Thanh Liêm còn gọi là Trần Văn Liêm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *