Tôi bất giác nói : “Trời ơi, nó đây sao?”, vừa trố mắt nhìn hết anh Nguyễn Việt Nam đến anh Tạ Thanh Sơn trong lúc anh hơi cúi đầu, khiêm nhường và bẽn lẽn cười phô hàm răng đẹp như hồi nào.

Bài hát chấm dứt, tôi ôm anh, hỏi dồn dập :

– Anh học nhạc hồi nào, ở đâu? Bắt đầu sáng tác lúc nào, viết bài “Nam bộ kháng chiến” bao giờ?

Anh không trả lời, vẫn cười với nụ cười “hết miệng” quen thuộc, phô trọn hàm răng đẹp. Dù mái tóc hơi lùm xùm do ít có điều kiện và phương tiện hớt tóc lúc ấy, dù đi chân đất với chiếc áo bà ba đen và chiếc quần cụt đen đã bạc màu (tình cảnh ăn mặc chung của chúng tôi thuở ấy do hiếm vải sồ), anh Tạ Thanh Sơn không giảm mấy về nét khôi ngô thiên phú của một thanh niên có nước da trắng trẻo, đôi môi hơi hồng, có cái miệng cười tươi, rộng mở với hàm răng đẹp hiếm có ở giới trai.

Anh khiêm nhường và bẽn lẽn nói lắp bắp :

– Do cảm xúc, tôi viết đại… Anh Hai thấy được, cho “đoàn kịch” hát thử, rồi đồng bào hát truyền miệng.

Anh Nguyễn Việt Nam vui vẻ nói chen vào :

– Anh biết không, nhiều người không thuộc hết lời, hoặc hát chưa thật chính xác, nhưng do điệu nhạc trầm hùng của nó, lại có câu “Một lòng nguyện với tổ tiên” rất phù hợp với lòng trung hiếu của đồng bào, nên đồng bào rất thích.

Giữa Đồng Tháp Mười lộng gió, mái tóc anh Tạ Thanh Sơn bay bay. Với bộ đồ đen ngả màu, chân đất, tôi thấy anh vẫn rất đẹp, không phải cái đẹp của ngày xưa, mà một cái đẹp hùng tráng.

Tôi không ngờ cuộc gặp lại người bạn cũ trở thành một nhạc sĩ yêu nước, nổi tiếng từ bài hát đó. Tôi không ngờ cuộc gặp lại anh vào đầu năm 1947, giữa chiến khu Đồng Tháp Mười lừng danh, lại là lần gặp cuối cùng”.

Có thể nói, từ khi bài hát ra đời cho đến sau này, dư luận trong giới âm nhạc và công chúng, nếu đã từng một đôi lần hát hoặc thưởng thức, đều có một sự đánh giá gần như đồng nhất : Bài hát “Nam bộ kháng chiến” của Tạ Thanh Sơn là một trong những bài hát cách mạng có sức sống mãnh liệt. Với âm điệu và lời ca đơn giản, đầy nhiệt huyết cách mạng, bài hát đã nhanh chóng đi vào lòng người và sống mãi với thời gian.

Vinh dự thay nhà trí thức, người nhạc sĩ tài hoa ấy đã để lại trong kho tàng âm nhạc Việt Nam một trang sử hùng ca bất hủ.

Khoảng cuối năm 1947, Tạ Thanh Sơn trong một lần đi công tác bị giặc Pháp bắt. Chúng giam anh tại Khám Lớn Sài Gòn. Trong thời gian bị giam, tình cờ, anh gặp tên quan Tây cùng học chung trường với anh ở Huế. Tên này gặng hỏi anh : “Vì sao ông học giỏi mà không chịu ra làm việc cho Pháp, lại theo Việt Minh làm giặc?”. Anh trả lời : “Ông có Tổ quốc của ông, tôi có Tổ quốc của tôi. Lẽ nào tôi theo các ông chống lại dân tộc, đất nước tôi sao?”.

Khuyên dụ anh không được, có lẽ do gốc Tây học, anh chỉ bị lưu đày sang Pháp. Ở đó, anh tiếp tục quan hệ với lực lượng tiến bộ của Pháp để hoạt động. Đến năm 1949, anh trở về Việt Nam và dạy học ở trường Huỳnh Khương Ninh (Sài Gòn), đồng thời tiếp tục hoạt động trong phong trào yêu nước của quần chúng đô thành.

Sau ngày miền Nam giải phóng, anh trở lại thành phố Cần Thơ, nhận chức Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Cái Khế. Đến năm 1980, anh quay về quê sinh sống, tịnh dưỡng tuổi già và đã qua đời vào năm 1986. Còn người vợ của nhạc sĩ thì từ trần vào năm 2003 tại nhà riêng ở TPHCM.

Tạ Thanh Sơn có ba người con, hai trai, một gái. Người con trai út là liệt sĩ Tạ Thanh Duy Bình, chiến sĩ trinh sát, hy sinh tại chiến trường Campuchia, đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt. Một người con trai ở quê nhà cùng với người cô ruột là Tạ Thị Lan (em của nhạc sĩ), người con gái thì làm ăn tại TPHCM.

Một dịp, tôi về làm việc tại huyện Trà Ôn đúng vào kỷ niệm ngày Nam bộ kháng chiến (23/9/1996), tôi không thể không nhắc đến một góc kỷ niệm về nhạc sĩ Tạ Thanh Sơn và xin chân thành đề nghị với đ/c Nguyễn Thành Liêm – Bí thư Huyện ủy : “Có lẽ hàng năm, vào ngày 23/9, lãnh đạo huyện nên cử đại diện đến viếng thăm nơi thờ tự của nhạc sĩ Tạ Thanh Sơn”.

Và chiều hôm ấy, tôi hân hạnh được cùng đoàn đại biểu của huyện lần đầu viếng thăm nhà Tạ Thanh Sơn và thắp nén nhang cùng tưởng niệm nơi thờ của nhạc sĩ. Trong lời khấn, tôi đọc thầm câu : “Xây giang sơn hạnh phúc giống nòi/ Nền độc lập khắp nước Nam”. Ý nguyện trong bài hát đã trở thành hiện thực. Là người từng hát bài hát “Nam bộ kháng chiến”, tôi ngưỡng mộ và quý trọng anh.

Nguyễn Hồng Trung – Theo sách Những người con trung hiếu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *