Thiếu tướng Phạm Ngọc Hưng, bí danh Năm Hải, sinh năm 1918 tại xã Quới An, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Cha là Phạm Văn Huyên và mẹ là Nguyễn Thị Hiền đều là những điền chủ nhỏ tại vùng cù lao ở đất Vũng Liêm. Dù kinh tế gia đình đang hồi suy sụp, Phạm Ngọc Hưng vẫn được cha mẹ gửi lên Sài Gòn học trường Pétrus Ký – một trong những trường nổi tiếng ở Sài Gòn lúc đó.

Học đến năm thứ tư, kinh tế gia đình không đủ sức bảo đảm cho con đường học vấn nữa, ông chuyển sang học lớp kế toán thương mại 3 tháng, những mong tìm được việc làm.

Tính tự lập sớm, lòng thương người và biết phân biệt phải trái là những điều ông học hỏi được và chịu ảnh hưởng nhiều của bạn bè, thầy giáo trong những năm tháng học ở Sài Gòn.

Năm 20 tuổi, Phạm Ngọc Hưng được nhận làm thư ký cho một thương gia chuyên buôn bán phụ tùng máy xay lúa ở Sài Gòn. Công việc đang trôi chảy thì năm 1940, ông bị gọi đi lính và vào học Trường Sĩ quan dự bị quân đội Pháp ở Thủ Dầu Một. Ra trường, ông được sung vào một đơn vị bộ binh. Tuy là sĩ quan phục vụ trong bộ máy thực dân Pháp, nhưng nhờ tính tình ngay thẳng, lòng thương người, thông cảm nỗi khổ của cuộc đời lính thuộc địa, ông được binh lính dưới quyền cảm phục, yêu mến. Vì những lẽ đó, ông thường bị bọn quan trên nghi ngờ. Ông bị chuyển qua nhiều đơn vị và cuối cùng vào năm 1943 được giải ngũ.

Trở lại Sài Gòn, ông đã chạy vạy cả năm trời vẫn không sao tìm được việc làm. Quyết không xin tiền gia đình, ông sống nhờ việc dạy thêm cho con của người cậu với lương tháng 6 đồng Đông Dương. Tới cuối năm 1944, ông rời Sài Gòn trở về quê.

Lúc này ở Vũng Liêm, phong trào cách mạng của quần chúng do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo đang phát triển mạnh. Sau khi Nhật đảo chính Pháp (ngày 9/3/1945), ông gia nhập đội Thanh niên Tiền phong xã Quới An, tham gia cướp chính quyền ở xã Quới An và quận Vũng Liêm. Ngày 25/8/1945, ông có mặt trong lực lượng Thanh niên Tiền phong ở Vũng Liêm, tập hợp cùng nhân dân kéo lên tỉnh cướp chính quyền. Sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công, một sự kiện mà trong Hồi ký của mình, ông cho là “sự đổi đời” (*). Ông tham gia cách mạng với nhiệm vụ làm huấn luyện viên cho bộ đội mới thành lập, chuẩn bị cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trở lại.

Ngày 29/10/1945, Pháp đánh chiếm Vĩnh Long. Ông Phạm Ngọc Hưng tham gia đánh một số trận với thực dân Pháp. Đơn vị của ông thu được một số vũ khí, nhưng vì lực lượng ta mới thành lập, chưa đủ sức cầm cự lâu dài nên rút dần khỏi thị xã. Sau khi đồng chí Chỉ huy trưởng bộ đội Vĩnh Long hy sinh, ông được Ủy ban Kháng chiến Hành chánh tỉnh chỉ định làm Chỉ huy trưởng bộ đội tỉnh Vĩnh Long.

Để bảo toàn lực lượng kháng chiến lâu dài, theo lệnh trên, ông cùng đơn vị rút về Quân khu 9 vào cuối năm 1945. Khi Đại đội I –  Quân khu 9 được thành lập, ông Phạm Ngọc Hưng được cử giữ chức Đại đội trưởng. Đại đội hoạt động được một tháng thì Trung đội Trà Vinh được cấp trên điều động đi nhận nhiệm vụ khác. Ông tiếp tục chỉ huy hai trung đội của tỉnh Vĩnh Long còn lại, đánh địch trong địa bàn Quân khu hoạt động. Đến tháng 5/1946, theo chủ trương của Quân khu 9, bộ đội của tỉnh trở về tỉnh xây dựng lại cơ sở. Ông cùng bộ đội Vĩnh Long hành quân bằng đường bộ kéo dài một tháng trời, băng qua nhiều vùng tạm chiếm ở Cà Mau, Bạc Liêu, Cần Thơ, ngày nghỉ đêm đi, bảo đảm bí mật và an toàn trở về quê hương Vĩnh Long công tác.

Tới Vĩnh Long, bắt liên lạc với các đảng viên ở Tam Bình, được nhân dân đùm bọc, che chở, bộ đội địa phương quân của tỉnh bắt tay vào xây dựng cơ sở. Sau trận đánh 4 đồn trong một đêm, diệt gọn một đồn ở Tam Bình để động viên tinh thần và phát triển lực lượng, bộ đội Vĩnh Long được lệnh chủ động phân tán về một số địa bàn xã và tiến hành một “đợt hoạt động thống nhất trừ gian – diệt ác – phá tề, giải phóng nông thôn”. Ta thu được kết quả lớn, vùng giải phóng quanh Tam Bình và một số xã thuộc Vũng Liêm được mở rộng. Phong trào diệt tề, trừ gian lan rộng, đồn bót địch bị bao vây ngày càng nhiều, địch bị cô lập, không được tiếp tế ở nhiều đồn trong quận Tam Bình. Kết quả trong đợt này, với lực lượng chủ công là bộ đội Vĩnh Long, được phong trào quần chúng ủng hộ hưởng ứng, ta đã giải phóng được một vùng rộng lớn từ chợ Ngã tư Long Hồ tới xã An Trường, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh.

Tháng 12/1946, ông Phạm Ngọc Hưng được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là vào Đảng Cộng sản Việt Nam). Khi Quân khu 8 thành lập Chi đội 20, ông được cử làm Chi đội phó. Nửa năm sau, Chi đội 20 giải tán, Quân khu thành lập Trung đoàn địa phương quân Vĩnh Long – Trung đoàn 111. Ông được trên cử về giữ chức vụ Trung đoàn phó Trung đoàn 111, sau đó làm Trung đoàn trưởng vào cuối năm 1947.

Năm 1948, thực dân Pháp mở rộng chiến trường Đông Dương. Chúng đưa thêm nhiều đơn vị lính lê dương vào hòng tái chiếm các vùng ta giải phóng. Ông đã chỉ huy Trung đoàn 111 đánh phục kích, thu nhiều vũ khí và một số xe quân sự Pháp.

Năm 1949, Quân khu thành lập Liên Trung đoàn 109 – 111, ông Phạm Ngọc Hưng là Liên Trung đoàn phó. Liên Trung đoàn đánh địch đạt hiệu quả khá trên chiến trường Cầu Kè cuối năm 1949 và thắng lớn trên chiến trường Trà Vinh đầu năm 1950. Khi Liên Trung đoàn hoàn thành nhiệm vụ, giải thể để thành lập Trung đoàn Cửu Long, ông được phân công làm Trung đoàn phó. Khi Trung đoàn Cửu Long rút về Trà Vinh (để lại ở Vĩnh Long Tiểu đoàn 312), ông được lệnh ở lại làm Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Vĩnh Long.

——————————–

(*) Hồi ký của Phạm Ngọc Hưng – bản viết tay tại gia đình ông ở Cần Thơ

PHẠM BÁ NHIỄU – Theo sách Những người con trung hiếu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *