ĐÂU CÓ GIẶC LÀ TA CỨ ĐI

Trong đời làm cách mạng, có người công tác ở một hoặc hai ngành, đơn vị, địa phương. Còn tôi công tác rất đa dạng, nhiều địa phương, nhiều ngành, xã – huyện – tỉnh – khu, như diễn viên đóng nhiều vai trên sân khấu… Tính 21 năm (1954 – 1975), tôi công tác lần lượt ở 11 ngành, đơn vị, như Trưởng Ban Tuyên huấn, Trưởng Ban Binh vận, Bí thư TXVL (tỉnh Vĩnh Long), Bí thư huyện Cầu Ngang (Trà Vinh), chỉ đạo Đồng khởi 3 huyện Càng Long – Cầu Kè – Vũng Liêm, Trưởng Ban Kinh tế – Tài chính (Trà Vinh), Trưởng Ban Tuyên huấn Trà Vinh, P. Chủ nhiệm Đoàn 962 tiếp nhận vũ khí đường biển, P. Hội trưởng Nông dân Khu Tây Nam bộ, P. Hội Nông dân tỉnh Trà Vinh, Trưởng Ban Tài chính Trà Vinh. Trong 11 ngành, đơn vị, có một số ngành, đơn vị mà tôi tâm đắc nhất.

Đó là nửa cuối năm 1956, sau khi học xong lớp chính trị trung cấp do Khu ủy mở, tiếp thu đề cương Cách mạng miền Nam do đồng chí Lê Duẩn dự thảo. Học rất phấn khởi. Lớp vừa kết thúc, tôi được bổ sung vào Thường vụ Tỉnh ủy, phụ trách công tác tuyên huấn Vĩnh Long. Tình hình trong tỉnh, lực lượng ta bám trụ lại rất mỏng. Dự đoán chắc chắn rằng, địch phá hoại hiệp định Giơ-ne-vơ, không có Tổng tuyển cử, do đó, làm tuyên huấn phải tránh đối đầu với địch, bám sát dân để giáo dục ý thức đấu tranh, chuẩn bị tinh thần chịu đựng gian khổ, không ngừng lên án tội ác của Mỹ – Diệm đàn áp người yêu nước…

Lực lượng đếm không đầy hai bàn tay, phương tiện chỉ có một máy đánh chữ, một máy in ronéo, một radio theo dõi tình hình và chép tin đọc chậm. Trong khi đó, Mỹ – Diệm củng cố thế lực, chuẩn bị hợp thức hóa hành động phát-xít, điên cuồng đàn áp phong trào. Chúng tăng cường chiến tranh tâm lý, tuyên truyền cho âm mưu cướp nước và bán nước của chúng.

Tôi phát huy mọi trí tuệ của các đồng chí trong Ban Tuyên huấn, có nhân dân thu thập tình hình làm tai mắt, nhờ vậy tích cực làm tham mưu tốt cho Tỉnh ủy chỉ đạo, thông qua tờ tin làm vũ khí sắc bén. Đi đến đâu bám dân tuyên truyền đến đó, dân tuyên truyền trong dân, vì vậy, dân sống chết với cách mạng, nuôi chứa, giúp đỡ tiền bạc đi hoạt động. Trong tình hình địch có nhiều ưu thế đông cả về lượng, song ta ít mà tiếng nói chính nghĩa, mỗi cán bộ đều gương mẫu cộng với dân hết lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ. Dân sẵn sàng hy sinh, kể cả khi có Luật 10/59 của địch, họ không lùi bước. Phải nói dân ta rất tốt.

Những năm sau đó, tôi được phân công về công tác Trưởng Ban Tuyên huấn Trà Vinh. Sau Đồng khởi giải phóng lớn một số nơi. Cơm áo gạo tiền, tất cả đều do dân đóng góp. Ban Tuyên huấn đứng ra lập Đoàn cải lương Ánh Hồng, tập san văn nghệ Lửa hồng để làm công cụ tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng. Sáng tác tự biên tự diễn, thế mà quần chúng xem rất đông. Kể cả đoàn hát và tập văn nghệ, luồn sâu trong lòng địch phục vụ, được quần chúng hoan nghênh nhiệt liệt. Chủ trương chính sách của Đảng cũng như người tốt việc tốt, các mặt phong trào được cổ vũ nhanh chóng, kịp thời. Cách mạng như làn sóng dâng trào. Dân thù Mỹ – Diệm. Tiếng hát lời ca nội dung phù hợp nên đi vào cuộc sống của đồng bào. Đoàn cải lương Ánh Hồng, tập san văn nghệ Lửa hồng vang bóng một thời trong kháng chiến còn âm vang đến ngày nay.

Vấn đề tâm đắc nữa là được phân công về Đoàn 962, đơn vị đón nhận vũ khí miền Bắc chi viện cho miền Nam. Đi bằng đường biển. Tôi làm P. Chủ nhiệm, phiên ngang chuẩn đại úy làm công tác chính trị, hậu cần. Tôi về đơn vị lúc tình hình gay gắt. Bến bãi cho tàu từ miền Bắc nghi trang qua mắt địch chở vũ khí vào, nếu địch phát hiện thì tiêu hủy cả người và vũ khí. Còn tại bến, địch luôn đánh phá bằng tàu, bằng máy bay do thám, bằng ném bom ngày đêm liên tục, coi như vùng “tự do oanh kích”. Việc đưa tàu vào đậu, phải tức tốc bốc vũ khí lên, vận chuyển vũ khí nhanh chóng, bí mật, nếu lộ là địch đổ quân càn quét hoặc bỏ bom B.52, chất độc hóa học hủy diệt. Phải bám dân, bám đất, bí mật nhưng vừa nhanh chóng vận động dân vận chuyển vũ khí, phân tán tránh địch phát hiện. Khi Đoàn 962 ở Duyên Hải – Trà Vinh bị lộ, phải vận chuyển, đổi bến sang huyện Thành Phú (Bến Tre), rồi chuyển xuống huyện Năm Căn (Cà Mau), nơi nào cũng ác liệt. Lúc đó, lấy câu nói của đồng chí Lê Đức Anh (Tư lệnh quân khu), coi bom đạn địch như “cò ỉa miệng ve” để động viên tinh thần bám trụ chiến đấu để hoàn thành nhiệm vụ.

Điều rất cảm động là nơi nào dân cũng hết lòng giúp đỡ, các mẹ lo cơm nước động viên tinh thần chiến đấu. Nếu khẩu hiệu thời chín năm kháng chiến kháng Pháp là “Chết vinh hơn sống nhục” thì khẩu hiệu thời chống Mỹ là “Khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng!”.

Những năm tôi được phân công về công tác ở Hội Nông dân ở Khu, ở tỉnh cũng như công tác Ban Tài chính, cách mạng yêu cầu phải có thực lực để đánh địch. Thực lực là bộ đội, du kích, cán bộ, súng đạn, lương thực. Có thực túc binh cường.

Trong tình hình địch gom dân, càn quét dồn dân vào ấp chiến lược, cốt tách dân với cách mạng như tát ao để bắt cá, thế mà đi phát động giáo dục đến đâu, dân một lòng bám trụ với cách mạng đến đó. Giặc bỏ bom, dân đào hầm tránh; giặc càn quét, dân đấu tranh. Giặc đánh ban ngày, dân đi cày ruộng ban đêm. Ở vùng như Nhị Long, Bình Phú, Tân An (Càng Long), Hiếu Thành, Trung Ngãi (Vũng Liêm), nông dân đi phát, đi cấy ban đêm. Phải nói, tinh thần yêu nước bà con cao đến tột độ. Bà con đi làm ruộng có lúa đóng góp đảm phụ nuôi quân. Nhiều gia đình thu hoạch lúa chia đôi với cách mạng. Có người hiến cả thiên lúa, hiến cả trâu bò, heo, gà vịt đãi bộ đội thắng trận. Dân nhớ ơn cách mạng cấp đất, cách mạng luôn nghĩ đến nông dân là chủ lực quân của cuộc kháng chiến.

Cho nên, làm cách mạng, tôi luôn bám vào dân, giáo dục dân, hướng dẫn dân làm ăn, tạo ra của cải. Dân có điều kiện nuôi cách mạng. Luật 10/59 của địch tử hình ai dám chứa cộng sản, nhưng đồng bào ta tốt, dám chứa dám nuôi. Cũng như dám vượt qua bom đạn, sống chết hy sinh với cách mạng. Đây là vấn đề máu thịt. Cách mạng thành công, lớn lên, thắng lợi hoàn toàn. Công ơn đó đời đời luôn ghi nhớ.

Ngày tiễn đưa tập kết, mọi người đưa hai ngón tay hẹn ngày gặp lại. Phải mất 21 năm mới giải phóng miền Nam. Ngày 30/4/1975 là ngày vinh dự nhất trong đời tôi, được chứng kiến ngày giải phóng đất nước. Ngọn cờ cách mạng tung bay. Máu xương, công sức đổ xuống để có ngày hôm nay. Thương tiếc người đã yên giấc, hiến trọn cuộc đời cho lý tưởng mà không được chứng kiến đất nước trọn niềm vui.

Tôi hứa với lòng, mới giải phóng, công việc biết bao bề bộn, công tác gì Đảng phân công, tôi sẵn sàng làm để phục vụ, để trả ơn cho dân là hạnh phúc.

LỜI KẾT

Sau ngày giải phóng, tuy tuổi đã khá cao, song trước yêu cầu của tổ chức, đồng chí Nguyễn Văn Nhung sẵn sàng nhận mọi công tác. Đồng chí tiếp tục gánh vác công việc Phó Ban cải tạo công thương nghiệp, rồi Phó Chủ nhiệm Liên hiệp xã…

Năm 1996, được cấp căn nhà tình nghĩa rộng 45 mét vuông, đồng chí lần đầu tiên trong đời có ngôi nhà tường. Người lão thành cách mạng từ chiến sĩ khởi nghĩa Nam kỳ thường nhắc lời nói của Bác Hồ để khuyên nhủ người thân và con cháu : “Cán bộ hôm qua được mọi người tôn vinh kính nể, không phải hôm nay ai cũng mến phục nếu lòng dạ không trong sáng”.

Tấm gương của đồng chí : Sống, chiến đấu, cuộc đời giản dị, liêm khiết, thể hiện ở lời nói và hành động, ở đức độ và ở tác phong việc làm hàng ngày. Đó là tài sản vô giá của đồng chí để lại, cùng với 10 triệu đồng tiền dành dụm tiết kiệm nhiều năm trước khi lâm chung có di chúc tặng cho trẻ em nghèo hiếu học và bệnh nhân nghèo.

Đồng chí được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều huân, huy chương cao quý : Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huân chương Quyết thắng hạng Nhất, Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng Ba, Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Giải phóng hạng Nhì, Huy hiệu 40 – 50 – 60 tuổi Đảng.

Nguyễn Long Hồ – Theo sách Những người con trung hiếu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *