Trong hai năm 1965 – 1966, từ chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, Mỹ chuyển thành “chiến tranh cục bộ”, ở Vĩnh Long – Trà Vinh nói chung đã diễn ra vô cùng ác liệt. Đặc biệt trong hai cuộc phản kích mùa khô 1965 – 1966, 1966 – 1967, Đảng ta chủ trương kiên quyết chuyển hướng đánh địch với phương châm : “Hai chân, ba mũi, phối hợp ba thứ quân”. Bằng ba mũi giáp công, ta liên tục bao vây lấn địch. Huyện đội giao nhiệm vụ Nguyễn Chí Trai chỉ huy Trung đội công binh đặc công huyện, vừa đánh công đồn, vừa đánh phá giao thông ngăn chận, kềm chân địch để ta mở chiến dịch trong hai mùa khô tới.
Đầu năm 1966, đồng chí Nguyễn Chí Trai cùng hai chiến sĩ đặc công có trình độ kỹ thuật tốt đã tiến công đánh sập hai lần Cầu Mới bắc qua sông Măng Thít, nơi địch canh phòng nghiêm ngặt và là hậu cứ Ban chỉ huy Vùng 4 chiến thuật ngụy đóng giữ. Ta diệt 12 tên, bị thương 13 tên canh giữ cầu. Trong tháng 3/1966, Út Trai chỉ huy đánh thiệt hại nặng hai chiếc tàu đang làm nhiệm vụ canh tuần trên sông Măng Thít, bảo vệ lính sửa cầu để giữ thông suốt đường giao thông thủy – bộ Sài Gòn và Tây Nam bộ.
Nổi bật trong tháng 7/1966, Tiểu đoàn 505 tỉnh về kết hợp địa phương quân và du kích bám trụ vùng ven đánh địch đang co cụm trên tuyến lộ giao thông và trong các ấp chiến lược. Chỉ trong vòng 16 ngày đêm, ta đã đánh 3 trận vào các ấp chiến lược Phú Tiên, Giồng Ké, làm chết và bị thương 56 tên (chết 37 bảo an, có một Đại úy, 2 Thiếu úy). Riêng Út Trai đánh mìn làm hư nặng cầu Giồng Ké và Mây Tức, làm gián đoạn tuyến đường này 3 ngày đêm. Từ tháng 8/1966 – 10/1966, kết hợp ba thứ quân, các tiểu đoàn 509, 306 tỉnh, địa phương quân và du kích Trung Ngãi đã tiêu diệt gọn đơn vị bảo an số 391, diệt 58 tên (có Quận trưởng và 2 cố vấn Mỹ). Diệt gọn Tiểu đoàn 1 – Trung đoàn 14 – Sư đoàn 9 (D1 – E14 – F9) ngụy gồm 280 tên. Riêng Nguyễn Chí Trai dẫn mũi tổ đặc công thọc sâu vào giữa cụm đóng quân địch, diệt 18 tên.
Năm 1967, ở Vũng Liêm, bọn chỉ huy Vùng 4 chiến thuật đã đưa pháo, máy bay, tàu chiến và xe M.113 yểm trợ Sư đoàn 9 đánh phá rất ác liệt, nhưng chúng đã vấp phải sự chống trả quyết liện của quân dân ta, gây cho quân địch thất bại nặng nề, tạo điều kiện để nhân dân ta thực hiện quyết tâm của Đảng “Thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” và “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”. Một lần nữa, Nguyễn Chí Trai được quyết định về Đại đội đặc công tỉnh (6/1967), được bổ nhiệm làm Đại đội trưởng, khu vực hoạt động là tuyến Liên tỉnh lộ 70 từ Trà Vinh đến Vũng Liêm. Trước khi bước vào Xuân 1968, đồng chí Trai cùng Hồ Nghinh (trợ lý kỹ thuật Quân khu tăng cường) đã mở liền 3 đợt tập huấn kỹ thuật đánh công binh đặc công cho các xã – huyện trong tỉnh, gồm 6 lớp với hơn 80 đồng chí, đáp ứng kịp thời kế hoạch Tỉnh đội đề ra. Đồng thời sau đó, Út Trai tham gia Tổng tiến công và nổi dậy vào thị xã Trà Vinh.
Đầu năm 1969, Nguyễn Chí Trai cùng đơn vị đặc nhiệm huấn luyện các huyện thị củng cố lực lượng để bước vào cuộc chiến đấu với mùa mưa năm 1969. Trong tháng 6/1969, đơn vị đặc nhiệm đã chia từng tổ ở từng địa bàn thích hợp đánh độc lập vì lúc này quân địch chủ trương tăng cường quân chủ lực càn quét liên tục vào vùng giải phóng để hỗ trợ tái chiếm toàn bộ vùng nông thôn đã mất. Lúc bấy giờ, Nguyễn Chí Trai trực tiếp chỉ huy một tổ bám sát lộ giao thông Liên tỉnh lộ 70 và các hậu cứ tìm cơ sở để đánh những trận có tính thối động. Mặc dầu đồn bót địch dày đặc, đường lộ bị phát quang rộng 500 mét và lính thường xuyên tuần đường rà mìn, dùng cù móc kéo cặp lộ phát hiện dây điện của đặc công, nhưng chúng không tài nào phát hiện được.
Ngày 18/7/1969, Nguyễn Chí Trai cùng hai đồng chí dùng hai trái mìn 12 kg đánh song hành làm tan xác hai xe GMC chở lính đi càn, diệt 37 tên. Ngày 19/8, đánh bọn mở đường, diệt 3 tên. Ngày 22/8/1969, điện mật báo của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cho biết, ngày mai, địch đi càn quét ở khu vực Càng Long. Đêm ấy, Út Trai không ngủ được vì phải nghiên cứu phương án tác chiến và dự kiến các tình huống có thể xảy ra. Đến 3 giờ khuya, Út Trai cùng hai đồng chí vác trái mìn 12 kg, một cuộn dây điện 300 mét và hai lố pin, tiến nhập sát trận địa. Vì đường xa, tới mục tiêu thì trời đã mờ mờ sáng. Đặt mìn xong, chưa kịp xả hết đoạn dây điện 300 mét thì đoàn xe 8 chiếc GMC của Bảo an 404 chở đầy lính từ Vĩnh Long xuống Trà Vinh đã tới. Không để lỡ cơ hội, Út Trai điểm hỏa, mìn nổ tung. Những chiếc xe còn lại xả súng bắn đạn như mưa. Út Trai bị thương vào ổ bụng, ruột lòi ngoài da. Út Trai bình tĩnh dồn ruột vào, lấy băng cá nhân cột chặt vết thương rồi trườn ra một đoạn gặp đồng đội cõng về Quân y. Được y – bác sĩ hết lòng cứu chữa, nhưng vì vết thương quá nặng nên Nguyễn Chí Trai đã hy sinh ngày 25/8/1969, để lại vợ và hai con nhỏ.
8 năm 7 tháng chiến đấu kiên cường, lập công xuất sắc, Nguyễn Chí Trai đã tham gia đánh địch trên 418 trận, diệt 367 tên (có 5 Mỹ), phá hủy 78 xe quân sự, đánh chìm một tàu và hư nặng 3 tàu xuống chiến đấu của địch, đánh sập 13 lần cầu đúc kiên cố trên tuyến Liên tỉnh lộ 70, đánh 167 lần giao thông, phá đứt 450 mét lộ đá, thu 163 súng các loại, bẻ gãy hàng chục cuộc càn quét của địch, bảo vệ tài sản đồng bào.
Ngoài ra, Út Trai còn hỗ trợ phá ấp chiến lược 55 lần, tuyên truyền giác ngộ 60 gia đình binh sĩ địch, vận động 20 thanh niên vào du kích, phát triển 7 đảng viên, 20 đoàn viên. Đồng chí 5 lần được bầu Chiến sĩ thi đau cấp huyện, 5 lần cấp tỉnh, được tặng danh hiệu “Kiện tướng đánh giao thông, lập công diệt cơ giới”, một lần cấp Miền, được cấp Quân khu và Miền tặng “Kiện tướng đánh giặc” và đạt 4 danh hiệu dũng sĩ : Dũng sĩ diệt Mỹ, Dũng sĩ diệt ngụy, Dũng sĩ diệt cơ giới, Dũng sĩ đánh giao thông.
Nguyễn Chí Trai được Chính phủ tặng thưởng :
– Huân chương Quân công hạng Nhì
– Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất
– Huân chương Quyết thắng hạng Nhất
– Huân chương Giải phóng hạng Nhì
– Huân chương Chiến công hạng Nhì
và trên 50 bằng và giấy khen của huyện – tỉnh và Quân khu. Đồng chí được Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam truy tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ tranh nhân dân” theo QĐ số 573/KT-CTN ngày 30/8/1995.
TRẦN HỮU VỊ – Theo sách Những người con trung hiếu